Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tổng Bí thư Lê Duẩn: Kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc thống nhất đất nước

Đó là những đánh giá, bình luận của báo chí, công chúng và các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực trên thế giới về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Thời ĐạiThời Đại29/04/2025

Người kế tục xứng đáng tư tưởng Hồ Chí Minh

Sau Hiệp định Genève 1954, đồng chí Lê Duẩn tự nguyện ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng trong điều kiện vô cùng gian khổ, ác liệt. Tại rừng U Minh, năm 1954 ông khởi thảo "Đề cương cách mạng miền Nam", văn kiện chiến lược quan trọng đặt nền móng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, mở đường cho việc ban hành Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng (1959) - quyết định lịch sử cho phép kết hợp đấu tranh chính trị với bạo lực cách mạng.

Đồng chí Lê Duẩn đọc báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần thứ III, được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960. Tại Đại hội, đồng chí được bầu giữ chức Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Tổng Bí thư). Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần thứ III, tổ chức tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ Đại hội III của Đảng (1960), trên cương vị Bí thư Thứ nhất, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo TTXVN, ông cùng Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã giải quyết thành công các vấn đề lý luận và thực tiễn cách mạng trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp.

Tại Đại hội III, bản Báo cáo chính trị do Lê Duẩn trình bày đã khẳng định con đường độc lập, tự chủ của cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, việc lựa chọn một quyết sách đúng đắn, phù hợp cho cách mạng không dễ dàng.

Việt Nam không phải đất nước duy nhất bị chia cắt. Cùng thời kỳ, còn có Đông và Tây Đức, Nam và Bắc Triều Tiên. Trong xu thế tạm thời hòa hoãn giữa hai “phe”, người ta thường nói đến “thi đua hòa bình” hay “trường kỳ mai phục” mà ít nói đến đấu tranh vũ trang, đến giải phóng đất nước, thống nhất hai miền. Đồng chí Lê Duẩn cũng khẳng định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là con đường của Việt Nam. Đó là con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam và do nhân dân Việt Nam thực hiện vì những mục tiêu chính nghĩa của mình.

Định hình chiến lược "Chiến tranh nhân dân"

Từ năm 1960, trên cương vị Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn chịu trách nhiệm chủ yếu trước Bộ Chính trị và Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam, trực tiếp chuẩn bị, soạn thảo các văn kiện cụ thể hóa và hoàn chỉnh dần đường lối cách mạng, xác định chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những đóng góp nổi bật nhất của ông là định hình và kiên trì thực hiện chiến lược "chiến tranh nhân dân" - trường kỳ, toàn dân, toàn diện.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đón Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba, do Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu, sang thăm Việt Nam, ngày 12/9/1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tổng Bí thư Lê Duẩn đón Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cuba do Chủ tịch Fidel Castro dẫn đầu sang thăm Việt Nam, ngày 12/9/1973. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong cuốn Vietnam’s American War: A History (tạm dịch là: Cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam: Một lịch sử), nhà sử học Pierre Asselin viết: "Trong số các nhân vật chủ chốt tại Hà Nội, chính Lê Duẩn là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất cho chiến tranh, chủ trương sử dụng đấu tranh vũ trang như phương tiện chính để thống nhất đất nước. Ảnh hưởng của ông đối với việc hoạch định chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ là không ai sánh kịp".

Chiến lược "chiến tranh nhân dân" được cụ thể hóa bằng việc xây dựng lực lượng ba thứ quân (chủ lực, địa phương, dân quân du kích), mở rộng phong trào cơ sở cách mạng ở cả thành thị, nông thôn, vùng núi, kết hợp đấu tranh chính trị với quân sự.

Tổng tiến công và nổi dậy: Kiến tạo bước ngoặt lịch sử

Ngay từ Hội nghị Trung ương 11 (3/1965), nghị quyết của Trung ương Đảng xác định rõ: cần kiên quyết đánh thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, không ảo tưởng vào khả năng hòa bình, không trông chờ vào thiện chí của đế quốc Mỹ.

Ngày 24/4/1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Lữ đoàn xe tăng 202, đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Nguỵ Sài Gòn ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 24/4/1980, Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Lữ đoàn xe tăng 202, đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Nguỵ Sài Gòn ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đường lối chiến lược ấy được cụ thể hóa bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong cuốn "Vietnam’s American War: A History", nhà sử học Pierre Asselin phân tích rằng, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân tuy không đạt được các mục tiêu quân sự tức thời, nhưng đã gây ra một cú sốc tâm lý sâu sắc đối với công chúng Mỹ, làm thay đổi cơ bản nhận thức của Mỹ về cuộc chiến.

Theo các phân tích lịch sử sau này, Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 được coi là một "bước ngoặt tâm lý" quan trọng, làm lung lay ý chí chính trị của Mỹ đối với cuộc chiến tranh Việt Nam

Nhà báo Walter Cronkite, sau chuyến thăm Việt Nam, đã phát biểu trên sóng CBS News (2/1968) rằng cuộc chiến sẽ "kết thúc trong thế bế tắc" và kêu gọi đàm phán danh dự. Lời tuyên bố này góp phần làm suy giảm sâu sắc niềm tin của công chúng Mỹ vào khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Chủ trương chiến lược nhất quán ấy tiếp tục phát triển đến cao trào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một tầm vóc lịch sử được quốc tế ghi nhận

Vai trò lịch sử của Tổng Bí thư Lê Duẩn được bạn bè quốc tế ghi nhận rộng rãi.

Trong bài viết The Man Who Won Vietnam’s War đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 30/4/2021, nhà nghiên cứu Mark Atwood Lawrence đánh giá: "Lê Duẩn, hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Việt Nam nào khác, là kiến trúc sư thực sự của thắng lợi của cách mạng Việt Nam, dù ông vẫn ít được biết đến bên ngoài Việt Nam".

Tờ The New York Times, trong bài viết ngày 11/7/1986 cũng nhận xét: "Ông Lê (Lê Duẩn) được coi là kiến trúc sư trưởng của chiến lược chiến tranh của Hà Nội chống lại Mỹ".

Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Cộng hòa Dân chủ Đức (15/10/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Tổng Bí thư Lê Duẩn (bên phải) thăm Cộng hòa Dân chủ Đức (15/10/1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần tháng 7/1986, lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện chia buồn tới Việt Nam. Trong điện chia buồn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev khẳng định: Đồng chí Lê Duẩn là người chiến sĩ kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế.

Từ Havana, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba Fidel Castro ca ngợi Tổng Bí thư Lê Duẩn là người bạn lớn của nhân dân Cuba, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam và sự nghiệp cách mạng thế giới.

Báo The Guardian (Anh) cũng ghi nhận: “Lê Duẩn là nhà chiến lược chính của các chiến dịch quân sự Việt Nam trong cuộc chiến với Mỹ, luôn duy trì lập trường cứng rắn”.

Những đánh giá này khẳng định tầm vóc lịch sử của Tổng Bí thư Lê Duẩn: một nhà lãnh đạo chiến lược kiên định, sáng tạo, người đã góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trải qua những thử thách của lịch sử, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Tư duy chiến lược thực tiễn, tinh thần kiên định và quyết đoán của ông là bài học quý giá, tiếp tục có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Nguồn: https://thoidai.com.vn/tong-bi-thu-le-duan-kien-truc-su-vi-dai-cua-cong-cuoc-thong-nhat-dat-nuoc-213094.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng
"Đường quê" trong tâm thức người Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm