Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

VietnamPlusVietnamPlus14/05/2025

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp, chiều 14/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật, nêu rõ: Dự thảo Luật gồm 4 chương, 26 điều, nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Quan điểm xây dựng dự thảo Luật là thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; phù hợp với quy định của Hiến chương Liên hợp quốc, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam; bám sát 3 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua, gồm xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: bảo đảm nguồn lực; chế độ, chính sách.

Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; đảm bảo nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Đối tượng áp dụng gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sỹ quan, binh sỹ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sỹ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

ttxvn-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-o-hoi-truong-ve-du-an-luat-vn-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lhq2.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới khẳng định cơ quan chủ trì thẩm tra nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là trực tiếp đóng góp vào sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc.

Đây đồng thời là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận những vấn đề mới cả về quân sự, dân sự, an ninh, trật tự trên quy mô và phạm vi rộng lớn, với điều kiện môi trường địa-chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa đa dạng, khó khăn, phức tạp; góp phần nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, kỹ năng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân trong bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Theo ông Lê Tấn Tới, hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật cơ bản thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

ttxvn-ky-hop-thu-9-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-o-hoi-truong-ve-du-an-luat-vn-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lhq3.jpg

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tuy nhiên, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, làm rõ hơn cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn việc quy định đối tượng dân sự là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tại khoản 2 Điều 2); vai trò “thống lĩnh của Chủ tịch nước” trong việc cử lực lượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tại khoản 1 Điều 4) để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc quy định tại Điều 17; quy trình cử luân phiên, thay thế (Điều 21), có ý kiến đề nghị sửa lại khoản 4 Điều 17 theo hướng "giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với ban, bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, quản lý, điều hành lực lượng dân sự thuộc quyền tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.”

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy trình đối với trường hợp “cử thay thế trong trường hợp khẩn cấp” tại Điều 21; đồng thời đề nghị rà soát, bổ sung quy trình này đối với lực lượng dân sự tại Điều 23 của dự thảo Luật. Về những nội dung trên, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu ý kiến nêu trên để chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/hoan-thien-khuon-kho-phap-ly-ve-viec-viet-nam-tham-gia-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-post1038479.vnp


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm