Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực

GD&TĐ - Cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Báo Giáo dục và Thời đạiBáo Giáo dục và Thời đại10/07/2025

Sáng 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự buổi làm việc.

Chất lượng GD-ĐT ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nhân lực

Trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” giai đoạn 2021-2024, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho biết:

Hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.

Đối với khu vực công lập, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phần lớn có trình độ từ đại học trở lên; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý và phát triển nguồn nhân lực được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai, minh bạch theo quy định, do vậy, chất lượng, trình độ đội ngũ nhìn chung đáp ứng tốt yêu cầu.

anh-4.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Đối với khu vực ngoài công lập, số lượng lao động có sự gia tăng (tốc độ tăng bình quân khoảng 0,65%/năm trong giai đoạn 2021-2024), nhất là trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2024, cả nước có gần 47,3 triệu người lao động làm việc ở khu vực ngoài nhà nước, chiếm 89,3% tổng lực lượng lao động và chiếm hơn 91% tổng số lao động có việc làm.

Chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô đào tạo đại học và nghề nghiệp nhìn chung ổn định. Cơ cấu ngành nghề, trình độ, lĩnh vực đào tạo đa dạng. Nhiều ngành mới được mở, thích ứng nhanh với nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành, địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2018 đến tháng 10-2024, có 706 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Nhiều công chức, viên chức, người lao động được cấp học bổng, hỗ trợ đào tạo sau đại học ở trong nước và ngoài nước.

Một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện thi tuyển công khai một số vị trí lãnh đạo, cho phép nhân sự ngoài hệ thống được thi tuyển, thí điểm trả lương cao cho giảng viên, bác sĩ giỏi, có cơ chế nội bộ linh hoạt về lương, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ khác để giữ người tài.

chu-nhiem-ub-van-hoa-va-xa-hoi-nguyen-dac-vinh.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển (Đại biểu Nhân dân).

Đoàn giám sát đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học, công nghệ mới.

Xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Dân số, Luật Viên chức...; xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần giao một cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực phát triển, sử dụng nguồn nhân lực ở cả khu vực công và ngoài công lập, chịu trách nhiệm theo dõi, dự báo, xây dựng chiến lược về phát triển nguồn nhân lực quốc gia và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực, dự báo về nguồn nhân lực và lựa chọn lĩnh vực trọng điểm để xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cơ sở trong phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, lưu ý việc giao thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, cơ sở phải kèm theo nguồn lực để triển khai thực hiện bao gồm biên chế và ngân sách.

Đổi mới cơ chế sử dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao để tăng cường thu hút, giữ chân và phát huy hiệu quả số nhân tài đã được tuyển dụng theo hướng tổ chức các chương trình, công trình, dự án riêng với cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc mang tính mở, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đề cao trách nhiệm.

Thực hiện các chính sách đặc thù, vượt trội cho người làm công tác xây dựng pháp luật và nhà giáo theo quy định. Triển khai thực hiện tốt chính sách về thị thực nhằm thu hút người nước ngoài thuộc nhóm nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới...

dsc-1732.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 2 từ phải sang) tại phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển (Đại biểu Nhân dân).

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực

Cho ý kiến bước đầu với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực và tinh thần đổi mới của đoàn giám sát trong triển khai chuyên đề giám sát; nêu rõ đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng, khó liên quan đến hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước và trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương và tất cả các địa phương.

Để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Đoàn giám sát rà soát các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, nghị quyết Quốc hội trong giai đoạn 2021 - 2024; nghiên cứu bổ sung phụ lục tài liệu về kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện tương tự như nước ta; cân nhắc điều chỉnh liều lượng giữa phần ưu điểm và hạn chế, tồn tại...

Về công tác đánh giá cán bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và luật, nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đánh giá cán bộ đã có và không có vướng mắc, do đó không nên "hạn chế nào cũng đổ cho cơ chế, chính sách". Vấn đề ở đây là việc cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, nguyên tắc và cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; và việc thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá cán bộ, dẫn tới đánh giá chưa chính xác.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện nghiên cứu dự báo và hoạch định chính sách; đổi mới công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và nếu còn thực hiện công tác dự báo theo tư duy “ăn xổi, ở thì” thì khó xây dựng chiến lược tổng thể một cách toàn diện. Cùng với xây dựng quỹ học bổng từ ngân sách nhà nước, cần tiếp tục duy trì các quỹ khuyến học, khuyến tài ở địa phương, dòng họ, hộ gia đình...

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Trong đó, chú trọng làm bật lên những kết quả đạt được cũng như hạn chế, bất cập, đặc biệt làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể, kiến nghị giải pháp phù hợp; lưu ý phân tích đầy đủ nguyên nhân và tăng tính phản biện đối với một số vấn đề còn bất cập khó khăn, vướng mắc, yếu kém.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, bảo đảm chất lượng; các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra cần cụ thể, khả thi gắn với thời gian thực hiện, tập trung vào những vấn đề then chốt. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của đất nước, phục vụ việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới và dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/hoan-thien-the-che-chinh-sach-ve-phat-trien-su-dung-nguon-nhan-luc-post739166.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm