Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ được thờ phụng hương khói trang nghiêm. Ảh: Kiều Huyền
Tìm đường tiến thân
Theo sử sách ghi chép, Đào Duy Từ (1572-1634) sinh ra tại làng Hoa Trai, xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay là phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn).
Ông sống trong giai đoạn nhà nước Nam - Bắc triều (Bắc triều chỉ khoảng thời gian nhà Mạc cầm quyền ở Thăng Long. Nam triều chỉ thời gian nhà Hậu Lê bắt đầu trung hưng quản lý vùng đất từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào Nam). Khi ấy Nguyễn Hoàng, con trai thứ của Nguyễn Kim và là em vợ của Trịnh Kiểm nắm bắt được tình hình, một mặt cho thuộc hạ đến xin chỉ giáo từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhận được lời phán “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, mặt khác nhờ chị gái xin cho vào trấn thủ ở Thuận Hóa (khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Sau này ông còn được cho làm trấn thủ cả xứ Quảng Nam.
34 tuổi, trấn thủ xứ Thuận Hóa nhưng Nguyễn Hoàng với xuất thân danh gia vọng tộc, lại đức độ và tài năng, luôn dùng ân đức để giáo hóa cùng những chính sách khoan dung, nhân hậu để cai trị nên dân chúng ngày càng vào vùng đất này nhiều hơn.
Năm 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) là người con thứ 6 lên kế vị ở tuổi 51. Ông là người có đức, có tài, khiêm nhường, được Nhân dân tôn kính gọi là chúa Sãi, chúa Bụt. Ông chính “là người tạo nên một xứ Đàng Trong độc lập, tự chủ không phụ thuộc, với những mô hình tổ chức, chính sách cai trị cách tân khác với Đàng Ngoài” (Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ, Nguyễn Thị Oanh - Hoàng Khôi, NXB Thanh Hóa, 2024).
Xuất thân trong gia đình truyền thống ca xướng, ham mê đọc sách, Đào Duy Từ am hiểu sâu sắc kiến thức Nho, Phật, Lão. Năm 14 tuổi ông vào học trường của hương cống Nguyễn Đức Khoa và được thầy hết sức khen ngợi về tài học rộng, hiểu nhiều, đồng thời cho rằng sau này ông sẽ thành đạt trên bước đường cử nghiệp.
So với các nho sĩ lúc bấy giờ chỉ ôn luyện kiến thức để đi thi, mượn bút mực văn chương để “thưởng gió cưỡi trăng”, chỉ mải vui thú yên hà mà lơi là với chính sự, thì Đào Duy Từ lại đề cao học thuyết tam tài (trời - đất - người), chú trọng đến “chí làm trai”. Tuy nhiên, với “lý lịch" con nhà ca xướng thì dù “là người dĩnh ngộ thông minh, đọc rộng kinh sử, giỏi văn chương, rất giỏi cái học tượng vĩ thuật số” nhưng “đi thi hương với triều Lê, quan trường thấy là con nhà hát xướng bèn gạt tên” (theo Đại Nam liệt truyện tiền biên).
Như vậy, con đường thực hiện chí làm trai nhằm phụng sự đất nước và Nhân dân thông qua thi cử để làm quan của Đào Duy Từ ở Bắc Hà đã khép lại khi ông chỉ có thể đi lính hoặc dạy học. Trước tình hình đó, việc Đào Duy Từ bỏ đất Bắc, vào Nam tìm đường tiến thân, lập nghiệp “là một trong những con đường tất yếu của kẻ sĩ và phù hợp với hoàn cảnh của ông”.
Trở thành danh thần dưới thời chúa Nguyễn
Mong muốn của Đào Duy Từ khi vào Nam là tìm “miền đất mới”, “miền đất hứa”, và hơn hết là tìm gặp “chân chúa” để phụng thờ. Cơ hội diện kiến chúa Nguyễn với Đào Duy Từ là rất khó vì ông không có tiếng tăm hay công lao gì.
Nhiều tài liệu ghi chép, thời kỳ này ông phải đi làm thuê, đi chăn trâu rồi mới được Khám lý Trần Đắc Hòa phát hiện, tiến cử.... “Ở nhà thần có một viên Huấn đạo nhân lúc nhàn rỗi làm bài Ngọa Long cương vãn... Bài văn từ điệu thanh nhã, lời lẽ giúp nước cứu đời, có ý vị sâu đượm, xin chúa thượng ngó xem hay dở ra sao”. Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên xem thấy “có tài vén mây rẽ mù, đủ thuật dẹp loạn lập trị”, và đã hẹn ngày gặp mặt.
Cuộc gặp gỡ giữa chúa Phúc Nguyên và Đào Duy Từ là thiên mệnh, đồng thời là nhân mệnh “cả hai bên đều lấy làm tâm đầu ý hợp” (Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn). Nếu không gặp được chúa Nguyễn Phúc Nguyên, rất có thể cuộc đời của Đào Duy Từ sẽ rẽ sang hướng khác; còn chúa Phúc Nguyên nếu không có Đào Duy Từ, Đàng Trong liệu có thể xây dựng cơ nghiệp muôn đời?
8 năm giúp chúa, Đào Duy Từ đã có nhiều công trạng. Trong các sách lược Đào Duy Từ đưa ra có “kế vạn toàn” cho đắp lũy Trường Dục, lũy Đông Hải để ngăn quân Trịnh, giữ được toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ bền vững Đàng Trong.
Vai trò của Đào Duy Từ, chúa Sãi quá biết, đến nỗi ông đã phải từng thốt lên: “Duy Từ thật là Tử Phòng và Khổng Minh ngày nay”; “Thần gặp được thánh minh”. Vì thế mà Đào Duy Từ được coi là người thầy của chúa và sau được suy tôn là Đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Tên Lũy Thầy cũng chính là do chúa Nguyễn và Nhân dân xưng tụng để tỏ lòng tôn kính và ngưỡng vọng đối với Đào Duy Từ, người thầy của chúa, tổng công trình sư xây dựng các lũy ở Quảng Bình.
Sinh ra trên vùng đất được thừa hưởng phong thổ tốt, có tú khí, bên cạnh đường bờ biển dài còn có nhiều núi đồi tạo nên địa hình bán sơn địa. Nói về Đào Duy Từ không thể không nhắc đến núi Nang có hình thế con tằm ăn no, sung mãn nhìn ra cửa biển. Từ núi Nang đã sinh ra và nuôi dưỡng Đào Duy Từ; đồng thời để ghi nhớ công lao và tri ân ông, người dân đã đổi tên núi Nang thành núi Long Cương. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Hoằng quốc công Đào Duy Từ ta xưa dựng nhà đọc sách ở núi này, làm khúc Long Cương để tỏ chí hướng, sau người ta nhân đó đặt tên núi”.
8 năm (1627-1634) xây dựng cơ nghiệp là thời gian quá ngắn trong cả đời người, nhưng Đào Duy Từ đã có một sự nghiệp đồ sộ khiến muôn đời ngưỡng mộ. Ông được Nhân dân khắp nơi, từ Quảng Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk... và Thanh Hóa tưởng nhớ, ngưỡng vọng.
Kiều Huyền
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong sách “Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (1572-1634), Bùi Thị Oanh - Hoàng Khôi biên soạn, NXB Thanh Hóa, 2024).
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoang-quoc-cong-dao-duy-tu-246037.htm
Bình luận (0)