Cần thiết kế chương trình phù hợp để không “tăng tải” cho học sinh
Trước chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày miễn phí tại bậc tiểu học và THCS từ năm học tới, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, điều này nếu thực hiện tốt sẽ đem lại một nền giáo dục toàn diện, học sinh được đào tạo kiến thức, kỹ năng theo định hướng phát triển năng lực.
“Khi dạy học 2 buổi, các trường sẽ có nhiều thời gian tổ chức các hoạt động nhằm phát triển thể chất, nâng cao khả năng mỹ thuật, âm nhạc cho người học”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, không phải trường học nào ở Hà Nội hiện nay cũng có số phòng học đáp ứng đủ. Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, nhà trường dự kiến cho học sinh học 2 buổi/ngày xen kẽ.

Về việc thiết kế chương trình, theo ông Cường, cần phù hợp để không “tăng tải” cho học sinh. Ngoài ra, thời gian học mỗi buổi phải tính toán lại để không khiến học sinh mệt mỏi, áp lực khi học cả ngày.
Về việc thiếu giáo viên, vị hiệu trưởng này cho rằng, “nếu làm được như lời gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mời ca sĩ, nghệ sĩ giỏi về dạy và hợp đồng được luôn thì quá tốt”.
“Như vậy, định hướng sáng sẽ học văn hóa, chiều học kỹ năng, môn năng khiếu. Khó khăn nhất với các nhà trường có lẽ là mời được chuyên gia. Nếu cơ chế Nhà nước có sự hỗ trợ về điều này sẽ rất thuận lợi.
Các nghệ sĩ, vận động viên có thể được mời dạy xoay tua cho một cụm trường trong địa bàn, kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Như vậy, học sinh được tiếp cận với những vận động viên giỏi, ca sĩ nổi tiếng, từ đó được truyền cảm hứng và phát triển toàn diện”, ông Cường nói.
Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Đông cho hay, khi học 2 buổi/ngày, học sinh sẽ có cơ hội phát triển toàn diện hơn, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, điều các trường lo lắng nhất vẫn là cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên quá tải vì khối lượng công việc nhiều hơn.
“Các trường cũng phải đầu tư mạnh hơn vào nhà đa năng, phòng thí nghiệm, xây dựng các câu lạc bộ phát triển kiến thức, kỹ năng. Để thực hiện hiệu quả, chương trình học cũng phải cập nhật, xây dựng độc lập, không trùng lặp”, vị này nói.
Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc chuyển sang học 2 buổi/ngày sẽ là điều kiện để học sinh có nhiều thời gian cho hoạt động giáo dục trải nghiệm, kết nối, chia sẻ, rèn các kỹ năng sống, kỹ năng của kỷ nguyên số.
Chủ trương này rất phù hợp với tinh thần của Thông tư 29, giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn để tránh việc học 2 buổi/ngày làm tăng áp lực học tập cho học sinh.
Ca sĩ, nghệ sĩ sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường
Trước gợi mở của Tổng Bí thư về việc mời ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên hay họa sĩ giỏi dạy vẽ, âm nhạc, thể dục thể thao, nhiều người đánh giá đây là hướng đi giúp học sinh phát triển tài năng, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên năng khiếu như hiện nay.

Theo NSƯT Khánh Hòa, hiện nay học sinh học các môn văn hóa “quá nặng và căng thẳng”, trong khi văn, thể, mỹ cũng cần cân bằng, giúp nâng cao thể chất, bồi đắp tâm hồn.
“Việc gặp trực tiếp những nghệ sĩ, vận động viên sẽ giúp học sinh được lan tỏa năng lượng tích cực, từ đó được truyền cảm hứng, khác hẳn với những bài học trong sách vở. Nếu có cơ hội được góp sức trong quá trình dạy các em, tôi tin rằng mình cũng như nhiều nghệ sĩ khác xem đó là trách nhiệm với cộng đồng”, NSƯT Khánh Hòa nói.
NSƯT Khánh Hòa cũng đề xuất các nhà trường có thể sắp xếp 2 tiết học/tuần cho một môn năng khiếu để học sinh có cơ hội tìm hiểu các loại hình phù hợp với năng lực, thế mạnh của bản thân.
Từng có dịp tới giao lưu cùng học sinh các trường học trên khắp cả nước về nghệ thuật hát xẩm, nghệ sĩ Hà Myo - người đầu tiên kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 cho hay, phản ứng chung của học sinh là rất tò mò và háo hức.
Theo nghệ sĩ Hà Myo, nếu học sinh có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, trải nghiệm cùng những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp, các em sẽ thêm yêu nghệ thuật.
“Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng hy sinh quyền lợi vật chất để đồng hành cùng các nhà trường trong việc đem kiến thức về nghệ thuật âm nhạc truyền thống tới học sinh”, nghệ sĩ Hà Myo nói.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/ca-si-nghe-si-san-sang-dong-hanh-khi-hoc-sinh-hoc-2-buoi-ngay-2401114.html
Bình luận (0)