Cuốn hồi ký đã thuật lại khá tỉ mỉ, chân thật và cảm động về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cô cháu gái mà Người đã dìu dắt từng bước đi lên theo con đường cách mạng.
Hồi ký Những ngày sống gần Bác của bà Nông Thị Trưng
ẢNH: NXB KIM ĐỒNG
Từ đầu xuân Tân Tỵ (1941), trong những ngày sống và làm việc ở Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) đã trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng cho một số cán bộ cách mạng, trong đó có bà Nông Thị Trưng.
Nông Thị Trưng là một trong những phụ nữ ở Cao Bằng sớm tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Sau khi chồng bà - ông Hoàng Văn Thạch, bí danh Hồng Tiến (Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn năm 1946) bị giặc bắt giam đày đi nhà tù Sơn La, bản thân bà cũng bị lộ, bà đã rút vào hoạt động bí mật.
Tại Pác Bó, bà đã được chú Thu Sơn (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người hoạt động ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng) nhận làm cháu gái. Nông Thị Trưng được chú Thu ân cần chăm sóc, dạy bảo và bồi dưỡng về mọi mặt: văn hóa, chính trị, đạo đức của người cộng sản. Nhờ có sự dìu dắt của chú Thu, từ một phụ nữ người dân tộc thiểu số miền núi, Nông Thị Trưng đã trở thành một nữ cán bộ nhiệt tình, một đảng viên chân chính.
Năm 1944, trước lúc rời khỏi căn cứ Pác Bó, chú Thu đã tặng Nông Thị Trưng quyển vở ghi chép về phép dùng binh của Tôn Tử đã được Người dịch ra tiếng Việt, với lời đề tặng:
"Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà"
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đại biểu dự Đại hội Đảng III (1960). Bà Nông Thị Trưng bế con gái út
ẢNH: TƯ LIỆU KMS
Cách mạng tháng Tám thành công, sau lễ Độc lập tại Quảng trường Ba Đình (2.9.1945) bà Nông Thị Trưng và nhiều người cùng hoạt động mới biết chú Thu chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không có dịp sống gần bên chú Thu như trước, nhưng những lời chỉ dạy, sự quan tâm, khích lệ của Người đã giúp bà phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Bà Nông Thị Trưng trở thành một nữ cán bộ can đảm, nhiệt tình, năng động, cả đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.
"Suốt thời gian được sống gần chú Thu, mỗi ngày tôi càng nhận thấy rõ hơn tác phong, nếp sống giản dị của chú. Bao giờ cũng thế, chú chỉ mặc bộ quần áo Nùng bằng vải chàm, ống tay rộng, trông thật gọn gàng giản dị, hòa hợp với bà con địa phương Pác Bó"
(Nông Thị Trưng - Những ngày sống gần Bác)
Xin dẫn lại một câu chuyện được bà Nông Thị Trưng kể trong hồi ký để thấy được sự quan tâm của Bác Hồ đối với người cháu gái từ Pác Bó những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Đó là thời gian sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, khi mời cơm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng: "Trưng hồi này nó làm công tác gì?". Thực tế lúc đó, bà Nông Thị Trưng đã nghỉ công tác, như bà tự nhận "tôi đã vấp ngã", "tinh thần ngày càng u uất, buồn nản".
Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Cao Bằng ngập ngừng không dám trả lời, Bác gặng hỏi: "Sao? Hồi này Trưng nó làm công tác gì?". Không dám giấu, ông đành nói thật, Trưng đã nghỉ công tác về địa phương. Nghe vậy, Hồ Chủ tịch nghiêm khắc nói: "Không thể thế được! Ngày còn bí mật, khó mấy Trưng cũng làm được, sao bây giờ nó lại về nhà?".
Nghe ông Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy thuật lại câu chuyện, bà Nông Thị Trưng khóc nấc lên. Bà tự kiểm điểm lỗi lầm và viết đơn xin tiếp tục công tác.
Bà Nông Thị Trưng (1920 - 2003) tên thật là Nông Thị Bày, dân tộc Tày, quê xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bà tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào Thanh niên Dân chủ (1936 - 1939). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, bà làm công tác Hội Phụ nữ (Bí thư Phụ nữ Cứu quốc huyện Hà Quảng rồi Bí thư Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Cao Bằng), Phó bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Hà Quảng (Cao Bằng), Ủy viên Huyện ủy Vị Xuyên (Hà Giang)..., Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng (1964 - 1980). Bà nghỉ hưu và mất tại Cao Bằng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-ky-cua-nguoi-chau-gai-bac-ho-185250518111321885.htm
Bình luận (0)