Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có ông Võ Ngọc Hiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt, cùng đại biểu các đơn vị có liên quan.
Trong tháng 11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024/QH15 thay thế Luật Khoáng sản năm 2010 gồm 12 Chương, 111 Điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Căn cứ Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 8; Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản số 54/2024/QH15, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (được thành lập trên cơ sở hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao chủ trì, xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định với đại diện của các bộ, ngành có liên quan, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã có Tờ trình số 29/TTr-BNNMT ngày 26/4/2025 trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định.
Hội nghị đã được nghe đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo dự thảo về Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản bao gồm 11 Chương với 155 Điều, bao gồm Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II: Điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản (từ Điều 8 đến Điều 11); Chương III: Khu vực khoáng sản (từ Điều 12 đến Điều 22); Chương IV: Hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản, chế biến khoáng sản (từ Điều 23 đến Điều 100); Chương V: Đóng cửa mỏ khoáng sản nhóm I, II và III (từ Điều 101 đến Điều 107); Chương VI: Quản lý khoáng sản chiến lược, quan trọng (từ Điều 108 đến Điều 110); Chương VII: Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển (từ Điều 111 đến Điều 117); Chương VIII: Thông tin, dữ liệu về địa chất, khoáng sản (từ Điều 118 đến Điều 125); Chương IX: Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản (từ Điều 126 đến Điều 149); Chương X: Kiểm tra chuyên ngành địa chất, khoáng sản (Điều 150 và Điều 151); Chương XI: Điều khoản thi hành (từ Điều 152 đến Điều 155).
Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ các bộ ngành và địa phương trong nước |
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động địa chất, khoáng sản hoặc có các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản là trao quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong việc phê duyệt, giám sát và sử dụng tài nguyên khoáng sản, góp phần thúc đẩy ngành khai thác khoáng sản phát triển theo hướng minh bạch, bền vững và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, luật mới được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã có nhiều ý kiến góp ý vào dự thảo của Nghị định.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trên cơ sở các ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo,, sớm trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự rút gọn đối với Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản, đáp ứng yêu cầu về việc trình ban hành nghị định đúng theo quy định, bảo đảm chất lượng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-du-thao-ban-hanh-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-mot-so-dieu-va-bien-phap-thi-hanh-luat-dia-chat-va-khoang-san-e262ac5/
Bình luận (0)