Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hồi sinh làng gốm hơn 200 năm tuổi bên sông Trà Bồng

Nghề gốm Mỹ Thiện (Quảng Ngãi) vừa chính thức được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên09/07/2025

Đây không chỉ là sự ghi nhận giá trị của một làng nghề hơn 200 năm tuổi, mà còn là hồi chuông đánh thức niềm tự hào và khát vọng phục hồi tinh hoa đất nung của vùng đất bên dòng sông Trà Bồng.

Hồi sinh làng gốm hơn 200 năm tuổi bên sông Trà Bồng- Ảnh 1.

Sông Trà Bồng đi qua làng gốm Mỹ Thiện ở xã Bình Sơn, Quảng Ngãi

ẢNH: HẢI PHONG

Nằm ở tả ngạn sông Trà Bồng, làng gốm Mỹ Thiện ở xã Bình Sơn, Quảng Ngãi (trước đây thuộc TT.Châu Ổ, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) được hình thành từ đầu thế kỷ 19.

Ông Lê Hồng Khánh, nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi, cho biết theo một số tư liệu văn tế và truyền ngôn dân gian thì cách đây hơn 200 năm, các ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất từ Thanh Hóa cùng gia đình vào định cư ở Quảng Ngãi, dựng những lò nung đầu tiên khai mở làng gốm Mỹ Thiện. Đây là một trong số khá nhiều làng gốm hưng vượng một thời, được ghi chép trong điều trần của quan Tuần phủ Quảng Ngãi Nguyễn Bá Trác dâng lên vua Bảo Đại và sau đó được đăng tải lên tạp chí Nam Phong nổi tiếng vào năm 1933.

Những năm đầu thập niên 1980, gốm Mỹ Thiện bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Cả làng có hàng chục lò gốm thủ công chuyên sản xuất các mặt hàng gia dụng như nồi đất, chén, tô, bình, ang, lu... với kỹ thuật bàn xoay điêu luyện. Năm 1982, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện ra đời, quy tụ hơn 200 xã viên, hoạt động sản xuất nhộn nhịp ngày đêm để kịp cung ứng hàng đi khắp miền Trung và Tây nguyên.

Gốm Mỹ Thiện có nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Nguyên liệu chính là đất sét được khai thác trong vùng, để ngoài trời chịu nắng mưa suốt 12 tháng nhằm loại bỏ khoáng chất, sau đó mới đem vào nhào trộn, tạo phôi. Những đôi tay tài hoa của nghệ nhân trên bàn xoay truyền thống khéo léo nhào nặn, định hình từng sản phẩm, rồi trang trí họa tiết bằng các công cụ đơn sơ nhưng đầy sáng tạo. Các sản phẩm sau khi tạo hình được phơi từ 10 - 20 ngày, rồi được nung liên tục trong lò suốt 72 giờ, sau đó tiếp tục ủ nóng 72 giờ nữa trước khi xuất xưởng.


HỒI SINH LÀNG NGHỀ

Nhờ quy trình công phu, kết hợp giữa bàn tay con người và sự khắt khe của lửa, sản phẩm gốm Mỹ Thiện bền chắc, giữ nhiệt tốt, an toàn với sức khỏe người dùng. Dẫu vậy, sức cạnh tranh của gốm truyền thống lại không thể chống chọi nổi trước làn sóng tràn vào của đồ nhựa, đồ sứ giá rẻ từ Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Thị trường dần quay lưng, các lò nung ngừng đỏ lửa, hợp tác xã gốm giải thể, cả làng nghề rơi vào cảnh lao đao.

Hồi sinh làng gốm hơn 200 năm tuổi bên sông Trà Bồng- Ảnh 2.

Ông Đặng Văn Trịnh ngắm nghía những sản phẩm do mình làm ra

ẢNH: NGUYỄN TRANG

Nhiều gia đình làm gốm truyền thống buộc phải bỏ nghề, chuyển sang làm ruộng, buôn bán hoặc đi làm thuê. Giữa lúc làng nghề đứng bên bờ mai một, chỉ còn vài ba hộ còn giữ lò, trong đó có nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (60 tuổi), người thợ đời thứ tư trong gia đình có truyền thống làm gốm lâu đời ở Mỹ Thiện.

"Làm gốm là nghề của sự kiên nhẫn và đam mê. Từ chọn đất đến tạo hình, nung lò… không có bước nào dễ. Nhưng người làm gốm yêu lửa, yêu đất, yêu cả sự tỉ mẩn và im lặng của nghề. Tôi chỉ mong lớp trẻ hôm nay có người giữ lại nghề này, nhưng xem ra giờ chỉ còn lại mỗi anh Ngô Đào Giang là người trẻ còn theo nghề", ông Trịnh bộc bạch.

Mới đây (ngày 27.6.2025), khi Bộ VH-TT-DL công bố nghề gốm Mỹ Thiện là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã mang lại tín hiệu vui cho người làm gốm nơi đây, đặc biệt là gia đình ông Đặng Văn Trịnh. Đây không chỉ là sự ghi nhận của nhà nước mà còn là cơ hội để phục hồi, bảo tồn và phát triển làng gốm truyền thống này.

Hơn hai thế kỷ qua, đất đã tôi luyện nên nghề, lửa đã hun đúc nên hồn. Gốm Mỹ Thiện không chỉ là một sản phẩm thủ công đơn thuần, mà còn là di sản sống động ghi dấu bàn tay, khối óc và tâm hồn của biết bao thế hệ người dân bên dòng sông Trà Bồng.

Ngày 7.7, UBND xã Bình Sơn cho biết địa phương đang phối hợp với Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án phục dựng các lò gốm cổ, tổ chức lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, và tìm hướng tiêu thụ sản phẩm thông qua du lịch trải nghiệm. Những nghệ nhân như ông Đặng Văn Trịnh sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc truyền nghề và gìn giữ kỹ thuật cổ truyền.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-sinh-lang-gom-hon-200-nam-tuoi-ben-song-tra-bong-185250708222943851.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm