Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 1 văn bản là Nghị định số 13/2023/NĐ-CP đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa bao quát hết các lĩnh vực, chưa tương thích với các quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được nêu trong Hiến pháp năm 2013, cùng các quy định liên quan được nêu trong một số văn bản Luật hiện hành.
Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được xây dựng trên quan điểm nhằm cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, thể chế chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công nhận, tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, với 7 nội dung.
Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ quy phạm đầy đủ các quyền của chủ thể dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, các hành vi vi phạm quy định sẽ được căn cứ vào Luật để đề xuất các hình thức, biện pháp xử lý phù hợp.
Luật Doanh nghiệp 2020 gồm 10 chương, 218 điều, được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Qua tổng kết thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2020, bên cạnh những kết quả tích cực, một số quy định của Luật Doanh nghiệp cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất trong thực thi để phù hợp với bối cảnh phát triển mới.
Cụ thể: Đề xuất sửa đổi một số quy định chức năng, nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật, quy định về chi nhánh doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp nhằm đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự; sửa đổi, bổ sung nội dung về cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu theo hướng thống nhất với quy định của Luật Chứng khoán; giải thích một số vấn đề chưa có cách hiểu thống nhất; sửa đổi, bổ sung về quyền thành lập doanh nghiệp, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp; góp vốn, tăng, giảm vốn của doanh nghiệp...
Góp ý vào các dự thảo luật, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn và các yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh đã tiếp thu, tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu vào các dự thảo luật để báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/hoi-thao-tu-van-tham-gia-y-kien-vao-du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-53eQYQbNg.html
Bình luận (0)