Sáng 16-4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII).
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị.
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng (Tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) đến 21.000 điểm cầu trên cả nước với hơn 1,5 triệu cán bộ, đảng viên.
Đây cũng là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức trực tuyến với quy mô toàn quốc để truyền đạt nội dung tới cán bộ, đảng viên, kết hợp truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam để nhân dân cả nước theo dõi.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ, đảng viên...
Đại biểu thành phố Hà Nội dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy cùng cán bộ chủ chốt thành phố, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.
Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã truyền đạt Chuyên đề 1 về "Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng: Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030”.
Trình bày về “Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dự thảo đã xác định đất nước ta sẽ tiếp tục hoàn thiện chủ nghĩa xã hội và xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội sẽ dựa trên 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh đại đoàn kết; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa gần dân, sát dân; Xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Dự thảo cũng xác định tiếp tục hoàn thiện; lấy người dân, con người làm trung tâm; bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời, xác định tăng trưởng phải nhanh và bền vững; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và vận dụng sáng tạo những thành quả của 4.000 năm lịch sử để đưa đất nước Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đất nước ta đã giành được độc lập 80 năm, song chúng ta tập trung phát triển đất nước mới được gần 40 năm, bởi trước đó, Việt Nam bị cấm vận kinh tế. Với mục tiêu bảo toàn trọn vẹn lãnh thổ và cải thiện đời sống của nhân dân, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã giành được những kết quả phát triển quan trọng, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 46, cải thiện tích cực so với vị trí thứ 54 của năm 2024, vị trí thứ 65 của năm 2023 và chỉ đứng sau Singapore tại khu vực Đông Nam Á.
Kết quả này cũng đã khẳng định những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Về “Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; "Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị” và “Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030”, Thủ tướng Chính phủ cho biết, các văn kiện phục vụ Đại hội XIV của Đảng đã được biên tập ngắn gọn, súc tích so với các dự thảo trước đó, song nội dung khá đầy đủ, sâu sắc, vừa bảo đảm tính văn kiện, toàn diện, vừa bảo đảm tính hành động cao, có thể triển khai ngay, đồng thời, cập nhật, bổ sung nhiều vấn đề lớn, là hình mẫu cho việc xây dựng văn kiện của các tổ chức đảng.
Về công tác tổ chức xây dựng và thi hành điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến và cơ bản thống nhất, thông qua dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; bổ sung nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; các nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; các nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 14-6-2024 và Kết luận số 118-KL/TƯ ngày 18-1-2025 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Phương hướng Bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo thêm động lực mới cùng Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 59 về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới nhằm quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tiếp theo; phấn đấu hoàn thành bằng được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
Lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp từ ngày 6-5 đến 5-6-2025
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031”.
Để đáp ứng yêu cầu nói trên, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung. Nhóm nội dung thứ nhất là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, 10) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình. Nhóm nội dung thứ hai là các quy định tại Chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội (tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp các năm 1988, 1989 và 2001).
“Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp từ ngày 6-5 đến ngày 5-6 tới, đề nghị Chính phủ cùng Mặt trận tiến hành công việc này một cách khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch, lưu ý việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo Luật Dân chủ ở cơ sở”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30-6-2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15-8-2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15-9-2025.
Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bối cảnh cuộc bầu cử lần này thể hiện ở 4 vấn đề: (1)
Những đổi mới trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… (2) Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp: cấp tỉnh và cấp xã. (3) Sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (4) Dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14.
“Dự kiến, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày chủ nhật, 15-3-2026, và ngày 6-4-2026, Quốc hội khoá mới họp phiên họp thứ nhất. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động chuẩn bị từ sớm, từ xa, ngay từ bây giờ”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/hon-1-5-trieu-can-bo-dang-vien-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-trung-uong-11-khoa-xiii-699103.html
Bình luận (0)