Với người dân thôn Thượng Đại, cổng làng không chỉ là lối về của người xa quê mà còn là sự kết nối, đoàn kết của những người đang sinh sống tại quê nhà. Ảnh: CHI ANH
Theo Lịch sử làng Thượng Đại thì nơi đây tướng quân Trịnh Thấu dòng dõi chúa Trịnh Khải đã có công khai hoang, chiêu dân lập ấp. Chính Vua Gia Long cho phép làng lập gia phả. Cũng vì lý do này mà trong làng có 15 dòng họ thì họ Trịnh xuất hiện sớm nhất và có số dân đông nhất.
Như bao làng quê khác, làng Thượng Đại có hương ước xây dựng làng văn hóa, có lịch sử làng, có những di tích lịch sử - văn hóa...
Trong quá trình mở cửa, cũng như nhiều làng quê thời kinh tế thị trường, người làng Thượng Đại buổi đầu với bao hoang mang, bối rối, xấu tốt trăm thứ ảo mờ, làm nhiễu loạn bao thiết chế làng xã tồn tại ngàn đời; đồng tiền lên ngôi, đạo đức xuống cấp, thanh niên vào hùa du nhập lối sống thực dụng, nghênh ngang; người lớn tuổi thì bo bo kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”...
Làng Thượng Đại trước kia là thế. Còn ngày nay, thôn Thượng Đại hoàn toàn thay đổi. Bước chuyển mình đầu tiên là thôn được quy hoạch, tu sửa, làm mới lại khu trung tâm văn hóa, tâm linh. Sau đó là tìm cách khôi phục các lễ hội truyền thống, lập lại hương ước, đề cao các giá trị văn hóa của làng... Tất cả những điều đó tạo nên sự thay đổi về nhận thức, lòng tự hào trong cộng đồng dân cư, hình thành lối sống “tình làng, nghĩa xóm”.
Ban vận động xây dựng khu trung tâm văn hóa, tâm linh được thành lập. Mỗi người một chút, người có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, hộ nào không có tiền thì góp công, góp sức... Cuối năm 2019, bà con Nhân dân tôn tạo miếu thờ Thành hoàng làng. Đến năm 2020 xây dựng xong Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - các liệt sĩ. Ở xã Hoằng Xuyên có 14 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 14 liệt sĩ chống Pháp, 122 liệt sĩ chống Mỹ, 21 liệt sĩ trong cuộc chiến tranh biên giới được người dân thôn Thượng Đại thờ cúng trang trọng. Xây dựng xong đền thờ, thôn đã cử 21 người đại diện tổ chức lễ thỉnh hương và xin linh khí tượng Bác Hồ ở Đền Hùng. Sau khi hành lễ, đại diện Ban Quản lý Đền Hùng đã trao 18 chân hương các Vua Hùng và 1 chân hương Bác Hồ cho đại diện làng. Cuối năm 2020 làng tiếp tục cải tạo đất hoang hóa để xây dựng ao cá Bác Hồ với diện tích 750m2.
Hoàn tất việc tâm linh, thôn tiến hành XDNTM. Hơn 350m2 đất đã được người dân hiến tặng, 400 triệu đồng được quyên góp cùng hàng trăm ngày công tự nguyện cho việc mở rộng đường giao thông trong thôn. Ngoài ra, bà con còn đóng góp hơn 200 triệu đồng để xây mới tuyến kênh mương... Qua nhiều lần đóng góp, bà con đã xây dựng thư viện làng, sửa chữa trường học, trạm xá, cải tạo khu nghĩa địa... Đặc biệt, năm 2021 thôn đã khánh thành cổng làng trị giá gần 500 triệu đồng, cùng với đó hệ thống camera, đèn đường được lắp đặt, trồng hoa ven trục đường chính vào thôn.
Chỉ trong thời gian ngắn, thôn Thượng Đại đã thay đổi. Niềm vui lớn nhất là dân làng đoàn kết, vui vẻ, chăm chỉ làm ăn, đời sống kinh tế được cải thiện, thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Bí thư chi bộ thôn Trịnh Văn Tuấn chia sẻ: "Chuyện thôn tôi thì li kì và hấp dẫn lắm. Mấy thôn/làng mà tổ chức đúc tượng Bác Hồ, cháu con xa gần đều về, khách khứa vào ra tấp nập, tổ chức lễ tới 3 ngày. Đó là còn chưa kể, chúng tôi dự định đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ cử người ra Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Ba Đình, Hà Nội) xin cá giống về thả và nuôi lâu dài tại ao cá Bác Hồ của thôn".
Tự hào về thôn mình, ông Tuấn tiếp tục câu chuyện: Cả xã Hoằng Xuyên này cũng chỉ thôn Thượng Đại có khu trung tâm văn hóa, tâm linh. Đến lúc này, về cơ bản thôn đã khôi phục được “nét quê hồn làng” từ giếng làng cho đến chùa làng. Đi trước mở đường, từ năm 2017 Nhân dân đã hiến hơn 500m2 đất nông nghiệp và tiền của để tu sửa, tôn tạo, mở rộng khuôn viên chùa Đậu. Ngôi chùa như một điểm nhấn mang đến sự bình yên, lắng đọng trong bức tranh nông thôn ở Hoằng Xuyên. Ngoài ngày mùng 4 tháng Giêng lễ hội làng, thì các ngày lễ như giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch), rằm tháng bảy, Sinh nhật Bác Hồ (19/5), Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh (2/9)... bà con Nhân dân đều đến khu trung tâm văn hóa tâm linh để dâng hương.
Thôn Thượng Đại hiện có 157 hộ dân với hơn 500 khẩu. Theo trưởng thôn Trịnh Huy Thông - người có gần 40 năm gắn bó với công tác của thôn khẳng định: Người dân Thượng Đại bản tính cần cù, chịu khó. Phát huy lợi thế của thổ nhưỡng vùng đất ven sông, khắc phục khó khăn, biến vùng đất khô cằn, nước lợ thành đồng ruộng phì nhiêu, 2 vụ lúa, 4 vụ màu, những cánh đồng không cho đất nghỉ. Ở đây, với khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp là đất bãi màu, người dân còn có truyền thống trồng rau màu vụ đông, nổi tiếng với những thửa ruộng trồng hành, tỏi, ớt xuất khẩu...
Chính tinh thần cộng đồng cùng chung tay xây dựng thôn xanh - sạch - đẹp, mà những năm gần đây đều đặn hàng tuần, hàng tháng, người dân đều tự ý thức ra quân quét dọn, chăm sóc từng luống hoa dọc các tuyến đường, ngõ xóm; tích cực tuyên truyền các gia đình giữ gìn vệ sinh chung.
“Thôn Thượng Đại lưu giữ được hồn quê là nhờ có bà con trong thôn, nhưng có diện mạo thay đổi như hôm nay có vai trò rất lớn của ông Trịnh Độ, một người sinh sống ở Canada luôn hướng về quê nhà với tất cả tình cảm và vật chất”, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết.
Đi trên con đường bê tông nội đồng trải dài giữa những cánh đồng lúa xanh mướt, tôi hiểu thêm rằng làng quê có đẹp, có phát triển được, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, quan trọng hơn cả là sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong đời sống thường nhật của mỗi người dân.
CHI ANH
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hon-que-thuong-dai-248176.htm
Bình luận (0)