Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến thất thường, là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp và môi trường, các địa phương tích cực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) vụ xuân - hè nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần phát triển hoạt động chăn nuôi hiệu quả và bền vững.
Toàn tỉnh đang chăn nuôi gần 9,5 triệu con GSGC. 3 tháng đầu năm, đàn vật nuôi phát triển ổn định, chưa phát hiện ổ dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, một số bệnh thông thường trên đàn GSGC xảy ra ở một số địa phương như: Tiêu chảy, sưng phù đầu, phó thương hàn, cầu trùng, tụ huyết trùng… khiến trên 6,3 nghìn vật nuôi mắc bệnh, chết và xử lý trên 700 con.
Ðể duy trì hoạt động chăn nuôi phát triển tốt, bảo đảm nguồn cung thực phẩm ra thị trường, ngay từ cuối năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh GSGC và thủy sản vụ xuân - hè năm 2025. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, vụ xuân - hè năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch tiêm phòng cho trên 3,1 triệu con GSGC; trong đó, trên 373 nghìn con gia súc, gần 30 nghìn con chó, mèo và trên 2,7 triệu con gia cầm các loại. Thời gian tiêm phòng diễn ra từ ngày 6/3 đến 30/6.
Nhân viên Thú y - khuyến nông xã Bắc Sơn (Ân Thi) tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn bò
Bên cạnh việc phân bổ số lượng vắc xin về các địa phương theo từng thời gian tiêm cụ thể, Chi cục Chăn nuôi - Thú y cấp phát gần 26 nghìn khẩu trang y tế, gần 2,6 nghìn bộ quần áo bảo hộ, 8,6 nghìn đôi găng tay y tế, 318 xi lanh tiêm vắc xin cúm gia cầm… cho lực lượng thú y cơ sở trực tiếp thực hiện tiêm phòng.
Ngay từ tháng 2, lực lượng thú y huyện Khoái Châu đã tổ chức thống kê, rà soát đàn vật nuôi trong diện tiêm để đăng ký số lượng với Chi cục Chăn nuôi - Thú y. Ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Khoái Châu cho biết: Trạm phân công nhân viên phụ trách địa bàn thường xuyên hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi. Ðến ngày 10/4, huyện đã hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trên 2,2 nghìn con trâu, bò; tiêm vắc xin phòng 2 bệnh đỏ (tả và tụ huyết trùng) cho 30 nghìn con lợn, đạt 95% so với số lượng vắc xin nhận.
Từ các biện pháp triển khai của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, người chăn nuôi đã chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Cộng ở xã Bắc Sơn (Ân Thi): "Ðể chăn nuôi phát triển ổn định và hiệu quả, gia đình bà chú trọng phun hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Hằng năm, bên cạnh một số loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ tiêm phòng, gia đình bà còn chủ động tiêm bổ sung cho vật nuôi nhiều loại vắc xin phù hợp với quá trình phát triển của vật nuôi. Do đó, gần 100 con lợn của gia đình bà phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh".
Ðến ngày 10/4, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin phòng 2 bệnh đỏ cho gần 228 nghìn con lợn, đạt 97% so với số lượng vắc xin cấp phát, hoàn thành tiêm vắc - xin phòng bệnh tụ huyết trùng cho trên 26,5 nghìn con trâu, bò...
Năm nay, công tác tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi gặp một số khó khăn do lực lượng thú y cơ sở mỏng, trong khi địa bàn một số thôn, xã sau sáp nhập, hợp nhất được mở rộng với số lượng vật nuôi lớn… Do đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của tiêm phòng đối với đàn vật nuôi; Chi cục Chăn nuôi - Thú y cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên thú y ở cơ sở và lực lượng tham gia tiêm phòng của các địa phương, các hộ chăn nuôi về các biện pháp bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm, phòng ngừa dịch bệnh...
Hoa Phương
Bình luận (0)