Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các tour khám phá văn hóa, lịch sử tại TPHCM nhận được nhiều sự quan tâm của du khách. Trong đó, khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi (Củ Chi, TPHCM) là điểm đến rất được ưa chuộng.
Những ngày qua, khi phim điện ảnh Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên gây sốt ngoài rạp, nơi này lại càng được chú ý.


Khách nước ngoài thích thú khi chui vào Địa đạo Củ Chi (Ảnh: Jessiecarr, Patricio Parodi).
Cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về hướng Tây Bắc, Địa đạo Củ Chi được biết đến là di tích độc đáo về hệ thống phòng thủ trong thời chiến. Đây là công trình mang sự tinh vi trong thiết kế, với lối đi, phòng họp, kho chứa vũ khí và những hầm sinh hoạt được bố trí ngay trong lòng đất.
Mỗi chi tiết trong địa đạo đều được tính toán kỹ lưỡng, để có thể đối phó với những đòn tấn công bất ngờ của địch. Sau chiến tranh, Địa đạo Củ Chi đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.
Di chuyển
Nếu không muốn khám phá theo tour của các đơn vị lữ hành, du khách có thể chủ động di chuyển đến Địa đạo Củ Chi bằng xe máy, ô tô hoặc xe buýt.
Nếu di chuyển bằng xe riêng, từ trung tâm thành phố, du khách có thể đi theo tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 - Trường Chinh, rồi nhập vào quốc lộ 22 hướng về Củ Chi. Tuyến đường này phù hợp cho cả nhóm bạn đi chung bởi đường rộng, nhiều trạm dừng chân, có cây xăng và quán nước dọc đường.


Ngày nay, Địa đạo Củ Chi có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, thu hút du khách (Ảnh: P.N.).
Nếu muốn kết hợp trải nghiệm cảnh nông thôn, khám phá thêm về đời sống người dân vùng ven, du khách có thể chọn đi tuyến Quang Trung - Tô Ký để đến Hóc Môn rồi rẽ vào tỉnh lộ 15 để đến Địa đạo Củ Chi.
Dù chọn cung đường nào, mọi người cũng nhớ đổ xăng đầy bình, mang đầy đủ giấy tờ xe, đồng thời theo dõi thời tiết để tránh trời mưa. Thời gian di chuyển dự kiến có thể mất 1,5-2 giờ đồng hồ.
Nếu chọn đi xe buýt, du khách bắt tuyến xe số 13 từ Bến xe Bến Thành để đến bến xe An Sương, rồi chuyển tuyến xe số 79 để đến Khu di tích Địa đạo Củ Chi.
Trải nghiệm chui địa đạo, bắn súng thật
Đến Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ được hướng dẫn viên giới thiệu về quá trình kháng chiến của dân tộc Việt Nam, những chiến lược mưu trí của dân ta và đặc biệt hệ thống hầm chui phức tạp, dài khoảng 250km dưới lòng đất, được đào hoàn toàn bằng sức người trong hoàn cảnh "bom rơi đạn lạc".
Đây cũng là dịp du khách được tận mắt chứng kiến những loại bẫy như hầm chông, nắp chông tự động... cùng nhiều hiện vật lịch sử quý giá như các loại súng bộ đội ta sử dụng trong kháng chiến, xe tăng, máy bay chiến đấu…

Khách ngoại quốc tập trung nghe giới thiệu về các loại bẫy thời kháng chiến (Ảnh: Mộc Khải).
Một trong những hoạt động rất được du khách yêu thích khi đến Địa đạo Củ Chi chính là trải nghiệm chui hầm. Hiện tại, chỉ một số ít đoạn địa đạo được mở cho du khách tham quan.
Nếu lần đầu đến với Địa đạo Củ Chi, du khách có thể lựa chọn trải nghiệm chui một đoạn ngắn trong hầm, khoảng 10m, 20m... Các đường hầm này đã được nới rộng hơn so với ngày trước và thắp đèn sáng xuyên suốt để du khách thuận tiện di chuyển.
Đặc biệt, một số nắp hầm được ngụy trang khéo léo bởi những lớp lá khô gây bất ngờ, thích thú cho du khách tham gia trải nghiệm. Nhiều khách trong và nước khi đến đây không bỏ lỡ cơ hội chụp ảnh, quay video để lưu lại những trải nghiệm độc đáo tại địa đạo.



Du khách trải nghiệm chui địa đạo (Ảnh: Mộc Khải).
Ngoài ra, Địa đạo Củ Chi còn có nhiều hoạt động đặc sắc như bắn súng, đánh trận... Khi sử dụng các dịch vụ này, du khách được trang bị áo giáp, mặt nạ và được hướng dẫn kỹ lưỡng, tận tình.
Tại đây, du khách có thể bắn súng thể thao quốc phòng với các loại đạn: AK47, M16, Carbine, Garand, M60, M30, M1, K54. Ngoài ra, bạn còn có thể tham gia đánh trận bằng súng sơn. Hoạt động này ngoài mục đích thư giãn còn giúp người chơi tăng khả năng phán đoán, phối hợp đồng đội và rèn luyện sức khỏe.

Khách bắn súng thật tại Địa đạo Củ Chi (Ảnh: Tư liệu).
Để tham gia hoạt động này, du khách sẽ mất 250.000 đồng/người cho chi phí trang phục quy định, trận địa, trọng tài cùng 50 viên đạn được nạp vào súng. Mỗi màn đánh trận sẽ diễn ra trong khoảng 60 phút.
Một lời khuyên cho du khách, nếu có kế hoạch tham gia bộ môn bắn súng, đánh trận thì nên di chuyển đến địa đạo sớm hơn để có nhiều thời gian trải nghiệm.
Chi phí
Theo thông tin từ khu di tích, hai khu tham quan chính tại Địa đạo Củ Chi là Bến Đình và Bến Dược đều có những dịch vụ hấp dẫn để phục vụ du khách.



Những câu chuyện, hình ảnh về Địa đạo Củ Chi ngày xưa khiến không ít người xúc động (Ảnh: Mộc Khải).
Chi phí tham quan di tích tại Bến Đình và Bến Dược là 35.000 đồng/lượt. Nếu muốn tham quan khu tái hiện vùng giải phóng tại Bến Dược, du khách cần mua vé với giá 85.000 đồng/lượt. Nếu muốn có người hướng dẫn, phục vụ (đối với khách ngoại quốc), du khách có thể chi thêm 90.000 đồng cho một lượt.
Đến đây, ngoài tìm hiểu lịch sử, du khách còn có thể tham gia các trò chơi cảm giác mạnh như zipline (đu ròng rọc được treo trên dây cáp), chèo thuyền thúng, thuyền kayak, thuyền phao, đi xe đạp nước đôi, câu cá giải trí... Các trò chơi có giá vé dao động từ 30.000 đồng đến 249.000 đồng/lượt.

Khách nước ngoài hào hứng sau khi trải nghiệm chui vào lòng đất (Ảnh: Mộc Khải).
Ngay trong khu vực địa đạo, khách tham quan cũng có thể thuê lều trại để nghỉ ngơi, tránh nắng với giá từ 100.000 đồng đến 320.000 đồng/lều (mỗi lều ở được từ 2 đến 4 người).
Trong khu tái hiện vùng giải phóng tại Bến Dược, du khách còn có thể trải nghiệm hoạt động bắt cá. Cá do chính tay du khách bắt được có thể được chế biến và thưởng thức ngay lập tức. Nếu đi theo đoàn hoặc gia đình đông người và muốn ăn trưa, du khách có thể liên hệ đặt trước suất ăn với nhà hàng trong khu di tích.
Lưu ý khi tham quan
Cuối hành trình tham quan Địa đạo Củ Chi, du khách có thể ghé lại các quầy hàng lưu niệm, lựa chọn những món quà được thực hiện tỉ mỉ từ vỏ đạn như bút bi, dây đeo cổ hoặc dép râu làm từ lốp xe cũ và những mặt hàng mỹ nghệ bằng tre, lá đặc trưng của vùng đất Củ Chi.
Du khách cũng đừng quên thưởng thức khoai mì nấu với muối mè và dùng nước lá - những món dân dã gắn liền với vùng kháng chiến Củ Chi ngày xưa - ngay trong khu di tích.
Ngoài ra, Củ Chi cũng nổi tiếng với các món ăn từ bò tơ. Du khách có thể ghé lại các nhà hàng, quán ăn sân vườn gần khu di tích để thưởng thức.
Để chuyến đi diễn ra thuận lợi, du khách nên mặc trang phục thoải mái, thoáng mát và đi giày thể thao, tránh mang vác quá cồng kềnh gây mất sức trong quá trình di chuyển. Đặc biệt, khách nên thoa kem chống nắng đầy đủ để bảo vệ làn da.

Địa đạo Củ Chi cũng phù hợp với những người yêu thiên nhiên, thích sự tĩnh lặng (Ảnh: Mộc Khải).
Hầu hết ai đến Địa đạo Củ Chi cũng mong muốn được một lần chui vào địa đạo, khám phá những lối đi trong lòng đất. Song, du khách cần quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Nếu mắc các loại bệnh về tim mạch, hô hấp hoặc xương khớp, bạn cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi chui địa đạo.
Ngoài ra, vì địa đạo vốn chật hẹp, có cấu trúc phức tạp nên những người sợ không gian kín và hẹp cần cân nhắc.
Để có trải nghiệm sâu sắc nhất khi đến Địa đạo Củ Chi, du khách cần lắng nghe những chia sẻ của hướng dẫn viên để hiểu rõ hơn về sự kiên cường của người dân "đất thép" trong thời chiến.

Khách nước ngoài chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu di tích (Ảnh: Mộc Khải).
Đến với Địa đạo Củ Chi, du khách sẽ có thể lưu lại được nhiều bức ảnh đẹp. Dù vậy, nên tuân thủ quy định không quay phim, chụp ảnh tại một số địa điểm. Đặc biệt, khi đến đây, du khách cần giữ gìn vệ sinh chung, tránh xả rác bừa bãi làm mất mỹ quan tại nơi lưu giữ lịch sử oai hùng của dân tộc.
Theo đánh giá từ nhiều du khách, khu vực Bến Đình gần trung tâm TPHCM hơn, thường đông khách đoàn. Trong khi đó, khu vực Bến Dược thường ít khách tham quan hơn, không gian rộng và mang nhiều nét xưa cũ, thích hợp cho những ai thích yên tĩnh, muốn hòa mình vào thiên nhiên.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/huong-dan-den-dia-dao-cu-chi-trai-nghiem-ban-sung-that-song-duoi-long-dat-20250413162404359.htm
Bình luận (0)