Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực gia tăng ô nhiễm, công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp (KCN) không chỉ được tỉnh, các địa phương quan tâm mà còn có sự vào cuộc tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo dựng hình ảnh xanh - sạch - đẹp cho các khu công nghiệp, thu hút đầu tư bền vững.
Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đã tích cực triển khai Chương trình hành động số 572/CTr-UBND ngày 17/3/2023 của UBND tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2030. Trên cơ sở đó, Ban đã phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn tại các KCN, KKT; đồng thời xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng môi trường để đáp ứng tiêu chí “khu công nghiệp xanh” theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Công tác phối hợp, giám sát và đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN luôn được các sở, ban, ngành liên quan chú trọng; phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để thống nhất kế hoạch GPMB, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và hoàn thiện hồ sơ pháp lý lĩnh vực môi trường. Đồng thời, Ban Quản lý KKT đã lấy ý kiến tham gia của các đơn vị để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh uỷ quyền giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường đối với các dự án nhằm đảm bảo các dự án triển khai thuận lợi.
Những nỗ lực trong công tác giám sát, kiểm tra cũng góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Ban Quản lý KKT đã phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở TN&MT thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các dự án, công trình bảo vệ môi trường; ban hành thông báo kết quả nghiệm thu, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã kịp thời khắc phục các tồn tại, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Dự kiến 2025, các sở, ngành sẽ phối hợp kiểm tra 9 dự án trong KCN, KKT, trong đó có công tác đảm bảo môi trường.
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, công tác hoàn thiện thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường cũng được chú trọng. Ban Quản lý KKT cùng với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh để rà soát, đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất, đăng ký kế hoạch đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cấp phép xả thải và nghiệm thu công trình bảo vệ môi trường.
Công tác quản lý tài nguyên được lồng ghép chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Việc rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của các KCN đến năm 2025, đăng ký nhu cầu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 cũng được tỉnh chú trọng, làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung và các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ mục tiêu bảo vệ môi trường lâu dài.
Trước thực trạng một số KCN mới thành lập chưa kịp đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung, dẫn đến phải tạm thời xử lý bằng biện pháp công nghệ nhỏ lẻ; công suất của một số trạm còn thấp so với quy mô sản xuất ngày càng mở rộng; nguồn lực đầu tư cho hệ thống quan trắc môi trường tự động còn hạn chế... tỉnh tiếp tục vận động, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường.
Theo đó, một số doanh nghiệp cũng đã tập trung nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường. Tiêu biểu KCN Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà) đã hoàn thiện hạ tầng môi trường với trạm xử lý công suất 15.000 m³/ngày đêm, đồng bộ với hệ thống quan trắc tự động liên tục; KCN Bạch Đằng (thuộc khu vực Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên) đang triển khai mở rộng trạm xử lý từ 8.000 lên 12.000 m³/ngày đêm, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng sản xuất và bảo đảm quy chuẩn xả thải… Ban Quản lý KKT đang đề xuất các giải pháp nâng công suất, mở rộng mô-đun xử lý, ứng dụng công nghệ quan trắc từ xa và xây dựng kế hoạch vận hành bảo dưỡng định kỳ để đảm bảo hiệu quả và bền vững.
Hiện tại, Quảng Ninh vẫn duy trì tốt tỷ lệ 100% các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Đã có 8 KCN hoàn thành xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung với tổng cộng 13 mô-đun, công suất xử lý đạt 65.400 m³/ngày đêm, góp phần bảo vệ nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh KCN.
Tỉnh đã đôn đốc 100% doanh nghiệp trong KCN hoàn thành hồ sơ pháp lý về chất thải rắn, giảm thiểu việc chôn lấp không kiểm soát; đồng thời kiểm soát chặt chẽ phát sinh chất thải nguy hại tại các cơ sở sản xuất.
Với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, công tác bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu. Điều này sẽ giúp Quảng Ninh đạt mục tiêu đến năm 2030, tất cả các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí “KCN xanh, KKT xanh”, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng nước thải sau xử lý, thu hồi và tái chế chất thải rắn, hướng đến phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thu Nguyệt
Nguồn
Bình luận (0)