Hành trình dài "trốn chạy"
Trong ngôi nhà còn đang xây dở ở bản Thỉn, ông La Văn Phước (72 tuổi) bồi hồi kể lại: Từ rất lâu rồi, tổ tiên chúng tôi vốn sinh sống ở vùng Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương). Bị áp bức, bóc lột, tổ tiên đã dắt díu nhau vượt rừng, ngược sông, trốn chạy lên thượng nguồn sông Giăng – nơi nay là xã Môn Sơn, huyện Con Cuông – để mưu sinh.
Cuộc sống biệt lập giữa đại ngàn Pù Mát chẳng hề dễ dàng. Thiên nhiên khắc nghiệt, bệnh tật, thú dữ và những thiếu thốn trăm bề khiến người Đan Lai sống lay lắt giữa bốn bề sông núi, quanh năm đối mặt với đói nghèo.

Nhưng khi đất nước đổi mới, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều chính sách ưu tiên để bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai. Cơ sở hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục được đầu tư; đồng bào Đan Lai được hỗ trợ ra khỏi vùng lõi đại ngàn, mở rộng giao lưu với các dân tộc khác. "Hơn 30 năm trước, một số người chúng tôi được giúp đỡ di dời khỏi khe Khặng, thượng nguồn sông Giăng, về định cư tại khu vực bản Thỉn, cạnh dòng khe Kèm", ông Phước kể.
Vùng đất mới – đội 3, bản Khe Mọi, cụm dân cư bản Thỉn – trở thành nơi lập nghiệp. Ban đầu chỉ vài hộ gia đình, nhưng dần dần, lớp người đi trước đã rủ thêm anh em, đồng tộc cùng ra dựng bản, khai khẩn.

Đến nay, bản Thỉn đã có 38 hộ, 40 nóc nhà, với 178 nhân khẩu sinh sống. Cuộc sống đỡ vất vả hơn trước, song cái nghèo vẫn đeo bám. Hiện, hơn 95% hộ dân ở bản Thỉn thuộc diện hộ nghèo. Dẫu vậy, những tín hiệu đổi thay đã và đang xuất hiện…
Ông Phước bộc bạch: Trong suốt 20 năm đầu định cư, cuộc sống bản Thỉn vẫn chủ yếu tự cung, tự cấp. Mãi sau này, khi Nhà nước, huyện, xã làm cầu tạm vượt khe Kèm, nối bản với trục đường thị trấn Trà Lân – khe Kèm và mở thêm các tuyến đường liên xã, cuộc sống mới bắt đầu chuyển mình. Người dân giao thương, mở mang nhận thức, con cháu đi học cấp 2, cấp 3, rồi đi làm ăn xa, không còn bó buộc trong nghề hái lượm hay trông vào diện tích lúa nước ít ỏi, bạc màu.

Đặc biệt, đầu năm 2021, cầu dân sinh kiên cố vượt lũ qua khe Kèm được khánh thành, nhờ sự chung tay của UBND huyện Con Cuông và Nhóm thiện nguyện Niềm Tin. Từ đó, giao thông không còn bị chia cắt mỗi mùa mưa lũ, nông sản không còn ứ đọng, con đường đến trường của trẻ em cũng rộng mở hơn. Nhiều hộ đã sắm được xe máy, nối dài những hành trình mới. Người Đan Lai ở bản Thỉn giờ đây đã thực sự có một hướng đi sáng hơn.
Mở hướng tư duy phát triển mới
Điện, đường, trường, trạm không ngừng mở mang, bản Thỉn đã có những thay đổi tích cực. Hủ tục dần bị đẩy lùi; tình trạng tảo hôn giảm. Dân bản đã thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Việc học hành của con em cũng được chăm lo hơn.
Nếu như trước đây, học sinh ở bản Thỉn chỉ học hết cấp 1 rồi nghỉ, thì bây giờ, đã có những người học hết cấp 3. Thanh niên ở bản từ chỗ thoát ly đi lao động bốc vác, thu hoạch keo ở tỉnh bạn nay đã có người vào làm công nhân khu công nghiệp, có 2 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài – một trong số đó là cháu của ông Phước.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy để người Đan Lai ở bản Thỉn thực sự thoát nghèo, bài toán phát triển cần lời giải căn cơ hơn. Quỹ đất sản xuất hạn chế, dân trí chưa cao, lực lượng lao động trẻ đông nhưng đa phần chưa qua đào tạo... là những thách thức hiện hữu. Dẫu vậy, trong tương lai xa, bản Thỉn đang nắm trong tay những cơ hội lớn để vươn mình phát triển – đặc biệt là hướng đi từ du lịch.
Bà Lương Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Lục Dạ – cho biết: Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực đồng hành cùng bà con bản Thỉn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hòa nhập với đời sống hiện đại. Từ hỗ trợ vay vốn sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đến vận động sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo…Trong 2 năm qua, nhờ sự chung tay của chính quyền và các tổ chức thiện nguyện, bản Thỉn đã có 6 ngôi nhà được sửa chữa và 1 ngôi nhà mới được xây dựng.

Điều kiện hạ tầng đang ngày càng thuận lợi cho phát triển du lịch. Tuyến đường từ Quốc lộ 7 vào khu du lịch thác khe Kèm đã được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho vận chuyển nông sản và đón khách du lịch. Tuyến Môn Sơn – Lục Dạ – khe Kèm đang thi công và sẽ sớm hoàn thiện, biến bản Thỉn thành điểm giao thoa chiến lược.
Bản Thỉn còn sở hữu cảnh sắc thiên nhiên trữ tình bên dòng khe Kèm, lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục người Đan Lai. Một số ngôi nhà trong bản đã bắt đầu có thể cải tạo thành homestay đón khách.

Đặc biệt, Tập đoàn A&B đang xúc tiến đầu tư vào khu du lịch thác khe Kèm với chuỗi nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao trên diện tích 5ha – gồm khu Glamping Tent Resort, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, du lịch chăm sóc sức khỏe, rừng nguyên liệu công nghệ xanh... Sự hình thành của khu nghỉ dưỡng sẽ kéo theo nhu cầu dịch vụ du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội lớn cho bản Thỉn phát triển.
Bà Lương Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Lục Dạ cho biết: Điều kiện cần đã có, điều kiện đủ đó là phải có những chương trình, dự án nghiên cứu, đầu tư và hướng dẫn để người dân bản Thỉn làm du lịch. Khi tư duy sản xuất thay đổi sẽ tạo nên những sức mạnh mới cho người dân Đan Lai nơi đây “trốn chạy” khỏi đói, nghèo./.
Nguồn: https://baonghean.vn/huong-mo-moi-thoat-ngheo-cho-nguoi-dan-lai-o-ban-thin-10296060.html
Bình luận (0)