Mục tiêu lợi nhuận trên 31.000 tỷ
Sáng 26/4, không khí tại Trung tâm hội nghị Quốc gia nơi Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 trở nên sôi động và náo nhiệt hơn bao giờ hết. Hàng nghìn cổ đông xếp hàng check-in từ rất sớm, trong khi lực lượng hậu cần, kỹ thuật, điều phối viên tất bật đảm bảo mọi khâu vận hành trơn tru cho một sự kiện được dự báo là lớn nhất về quy mô cổ đông trong ngành tài chính năm nay.
Dự báo số lượng cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của MB là lớn đông nhất trong ngành tài chính năm nay. Ảnh: Duy Minh |
Tính đến 10h30 sáng cùng ngày, số cổ đông check-in đã lên tới gần 4.400 người, con số chưa từng có trong lịch sử tổ chức Đại hội đồng cổ đông của MB, thậm chí vượt xa nhiều ngân hàng cùng ngành.
Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB - ông Lưu Trung Thái đã thẳng thắn nhìn nhận: năm 2024 là một năm kinh tế Việt Nam hồi phục tốt hơn kỳ vọng, tăng trưởng GDP và tín dụng đều đạt kế hoạch, trong khi các cải cách thể chế như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở… được thông qua đã tạo nền tảng tích cực cho các tổ chức tín dụng định vị lại chiến lược. Trên nền tảng ấy, MB đã khép lại năm tài chính 2024 với nhiều chỉ số ấn tượng: tổng tài sản lần đầu vượt mốc 1,1 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lọt top 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam; đồng thời chính thức nhận chuyển giao OceanBank (nay là MBV) trong khuôn khổ đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.
Đặc biệt, MB cho biết, đang duy trì mức đầu tư trên 100 triệu USD mỗi năm vào công nghệ số, với lực lượng lên tới 2.500 nhân sự chuyên sâu trong các lĩnh vực dữ liệu, công nghệ và chuyển đổi số, một con số cho thấy mức độ cam kết với chiến lược ngân hàng số dẫn đầu. Đây cũng là nền tảng để MB đặt ra hàng loạt mục tiêu tham vọng cho năm 2025.
Cụ thể, ngân hàng trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất khoảng trên 31.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2024. Tổng tài sản dự kiến đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 21,2%, trong khi huy động vốn và tín dụng kỳ vọng tăng lần lượt 23,3% và 23,7%, tùy theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước phân bổ.
MB trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2025 khoảng trên 31.000 tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh |
Trong năm 2025, MB đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1,7% và hệ số an toàn vốn (CAR) tuân thủ chuẩn Basel II ở mức tối thiểu 9%. Các chỉ số hiệu quả như: lợi nhuận trên vốn (ROE) ở mức 20 - 22%, lợi nhuận trên tài sản (ROA) khoảng 2%, tỷ lệ thu nhập chi phí (CIR) dưới 30% tiếp tục nằm trong top đầu hệ thống ngân hàng.
Chia cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền mặt và cổ phiếu
Không chỉ “nội lực hóa” bằng tăng trưởng hữu cơ, MB cũng đặt nhiều dấu ấn chiến lược thông qua các kế hoạch mở rộng và tái cấu trúc. Ngân hàng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 20.346 tỷ đồng, từ 61.022 tỷ lên 81.368 tỷ đồng tương đương mức tăng 33,3%. Trong đó, một phần được thực hiện từ phương án tăng vốn chưa triển khai của năm 2024, phần còn lại là phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và chào bán riêng lẻ.
Đáng chú ý, cổ tức năm nay sẽ được chi trả ở mức tổng cộng 35%, trong đó 3% bằng tiền mặt, 32% bằng cổ phiếu, một tỷ lệ rất cao trong bối cảnh nhiều ngân hàng siết lại kế hoạch chia cổ tức nhằm giữ vốn tự có.
Bên cạnh việc “chia sẻ thành quả” với cổ đông, MB cũng lên kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, tương đương 1,6% vốn điều lệ. Lãnh đạo ngân hàng cho biết mục tiêu của việc mua lại là để bảo vệ quyền lợi cổ đông và giá trị cổ phiếu trước biến động thị trường, đồng thời có thể sử dụng làm công cụ tái cấu trúc hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng. Nguồn vốn thực hiện lấy từ thặng dư vốn cổ phần, phương thức mua là khớp lệnh trên sàn trong năm 2025 - 2026, tùy thời điểm được cơ quan quản lý chấp thuận.
Chủ tịch Hội đồng quản trị MB - ông Lưu Trung Thái phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Duy Minh |
Một điểm nhấn khác tại đại hội lần này là kế hoạch tái cơ cấu pháp lý và vốn tại các đơn vị thành viên. MB đang tính toán thay đổi tỷ lệ sở hữu tại MBCambodia và Mcredit, hai công ty con hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính tiêu dùng theo hướng chuyển đổi mô hình hoạt động, mở cửa cho đối tác chiến lược hoặc IPO. Với Mcredit, MB đánh giá rằng việc đưa công ty này lên sàn sẽ mở ra không gian tăng trưởng mới, đa dạng hóa nguồn vốn và nâng cao tính minh bạch. Trong khi đó, MB Cambodia sẽ được chuyển đổi hình thức pháp lý theo yêu cầu của luật pháp Campuchia, đồng thời đang được chào mời hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phần MBV, tên gọi mới của OceanBank sau khi được MB tiếp nhận theo diện chuyển giao bắt buộc, lãnh đạo ngân hàng cho biết đang trong quá trình tái cấu trúc toàn diện với mục tiêu “có lãi trở lại trong năm nay”. MB sẽ góp vốn tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV, trên cơ sở phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trong tương lai, MBV có thể được chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng một thành viên sang ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh hoặc thậm chí sáp nhập trở lại vào MB, tùy theo phương án tối ưu và phù hợp với luật pháp.
Ngân hàng cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 20.346 tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh |
Đồng thời, MB cũng công bố kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế. Cụ thể, ngân hàng sẽ thành lập ngân hàng con tại Lào (chuyển đổi từ chi nhánh hiện tại), đồng thời xúc tiến mở chi nhánh và văn phòng đại diện tại các trung tâm tài chính tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan… nhằm từng bước nâng tầm mạng lưới hoạt động ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Không chỉ tập trung vào con số, câu chuyện chiến lược dài hơi của MB đang hiện ra rõ nét: tái cấu trúc tài sản, chuyển đổi số toàn diện, tăng cường hiện diện quốc tế, tối ưu hoá mô hình tổ chức và nâng cao quyền lợi cổ đông. Tất cả được đặt trong bối cảnh MB hướng tới mục tiêu phục vụ 34 - 35 triệu khách hàng vào cuối năm 2025 và cán mốc 40 triệu khách hàng trước năm 2029 một con số đầy tham vọng, nhưng cũng rất đáng chờ đợi. |
Nguồn: https://congthuong.vn/mb-lap-ngan-hang-con-tai-lao-mo-rong-ra-chau-a-384956.html
Bình luận (0)