Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Đồi C4

Việt NamViệt Nam30/03/2025


Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng Đồi C4 vẫn in đậm dấu ấn hào hùng của một thời hoa lửa và là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau.

Hướng tới Kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng: Đồi C4 - Dấu ấn hào hùng của một thời hoa lửa

Các em học sinh tham quan trận địa Đồi C4. Ảnh: Tuấn Khoa

Cao điểm Đồi C4 thuộc phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) là di tích gắn liền với chiến công bắn hạ 117 máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng trong mưa bom, bão đạn. Được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Đồi C4 anh hùng, Đồi Ba cây thông... từ năm 1965 đến năm 1973 của thế kỷ trước, trên Đồi C4 đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt của các chiến sĩ Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228 nhằm tiêu diệt máy bay của đế quốc Mỹ dội bom xuống cầu Hàm Rồng. C4 là điểm cao mà quân giặc bắn phá ác liệt nhất và cũng là nơi chứng kiến những cuộc đụng độ ngoan cường cũng như sự hy sinh của quân và dân ta.

Trận địa pháo cao xạ trên Đồi C4 được hình thành ngày 31/5/1965 với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không Không quân. Đây là lực lượng chủ yếu trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá loại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ tại “tọa độ lửa Hàm Rồng”. Trên diện tích khoảng 120.000m2 bộ đội bố trí trận địa pháo bao gồm một hầm chỉ huy ở khu vực trung tâm. Hầm chỉ huy gồm 3 đồng chí: đại đội phó, chính trị viên phó và khí tài. Tại đài ra đa quan sát do Đại đội trưởng và Chính trị viên trưởng chỉ huy, khi thấy máy bay địch đã vào tầm ngắm thì sẽ lệnh cho hầm chỉ huy. Khi nhận được tín hiệu đánh từ đài ra đa, đại đội phó sẽ lệnh cho trung đội pháo B1 và trung đội pháo B2 nhận lệnh phất cờ để các khẩu đội nhằm thẳng hướng quân thù mà bắn. Tiếp đó là một hầm câu lạc bộ và hai hầm đạn.

Tại vị trí Khẩu đội 4 vào trận đánh ngày 28/7/1965, sau khi bị trúng rốc két của quân địch, khẩu đội trưởng Nguyễn Văn Điền đã bị trọng thương với 11 vết đạn trên người. Anh đã dùng cờ chỉ huy bịt bụng và tiếp tục chỉ huy cả khẩu đội chiến đấu.

Trong trận đánh với không quân Mỹ ngày 3/9/1967, cả khẩu đội 4 với 11 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Ngay cạnh vị trí khẩu đội 4 chiến đấu năm xưa hiện nay còn những hố bom lớn, vết tích của bom đạn quân thù trút xuống quả đồi này.

Với tinh thần “Thà gục trên mâm pháo, chứ không để cầu gục ngã”, trong 9 năm chiến đấu, quân dân Hàm Rồng đã kiên cường bám trụ, bảo vệ được mục tiêu cùng Đại đội 4 đã đánh hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay chiến đấu hiện đại, trong đó 2 máy bay B52 và 1 máy bay không người lái. Năm 1975, trận địa pháo Đồi C4 được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Có mặt tại Đồi C4, chúng tôi thấy từng đoàn giáo viên và học sinh đến để được trực tiếp trải nghiệm hoạt động về lịch sử ý nghĩa. Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Quảng Thắng chia sẻ: Thông qua hoạt động này, giúp các em học sinh được tham gia trải nghiệm thực tế, được hòa mình vào từng trận đánh, được hiểu hơn về Đồi C4 - di tích gắn liền với những chiến công lẫy lừng của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử. Nơi đây vẫn in đậm dấu ấn hào hùng của một thời hoa lửa, từ đó giúp các em hiểu hơn về truyền thống lịch sử quê hương.

Hàng năm, trận địa Đồi C4 đã đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan và thăm lại chiến trường xưa để ôn lại những kỷ niệm một thời oanh liệt.

Tuấn Khoa



Nguồn: https://baothanhhoa.vn/huong-toi-ky-niem-60-nam-ham-rong-chien-thang-doi-c4-dau-an-hao-hung-cua-mot-thoi-hoa-lua-243982.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm