• Bắt nhịp nông nghiệp xanh
  • Lúa sinh thái, lúa hữu cơ - Hướng đi dài cho nông nghiệp xanh

Mục tiêu chính của Ðề án là xây dựng các vùng chuyên canh lúa tập trung, áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo và cải thiện sinh kế cho hàng triệu nông dân. Một số mục tiêu cụ thể như: giảm lượng lúa giống gieo sạ từ 120 kg/ha xuống còn 80-100 kg/ha; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật hoá học từ 7 lần/vụ xuống còn 5 lần/vụ, tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học 10%; cơ giới hoá đồng bộ đạt trên 50% diện tích, giúp giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả và giảm thất thoát; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống...

Quá trình gieo sạ, nông dân tuân thủ quy trình “1 phải, 5 giảm”.

Quá trình gieo sạ, nông dân tuân thủ quy trình “1 phải, 5 giảm”.

Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết, với hiệu ứng tích cực từ các mô hình điểm ở các tỉnh, thành: Cần Thơ, Ðồng Tháp..., nhiều hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân trong tỉnh đăng ký tham gia thực hiện Ðề án, với tổng diện tích hàng chục ngàn héc-ta. Theo đó, trong năm nay, trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều mô hình và điểm nhân rộng sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Riêng vụ hè thu này, tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (ấp Kinh Dớn, xã Ðá Bạc) thực hiện mô hình điểm quy mô 60 ha. Ông Nguyễn Vũ Trường, Giám đốc HTX, cho biết: "Quá trình sản xuất hiện tại, thành viên HTX đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật canh tác, từ khâu làm đất đến gieo sạ, kể cả thu hoạch. Lúa sản xuất theo quy trình chất lượng cao và giảm phát thải thường đạt năng suất ổn định, chất lượng gạo tốt, được thị trường ưa chuộng và bán với giá cao hơn. Nông dân cũng giảm được chi phí đầu vào nhờ tối ưu hoá việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, 60 ha lúa trong mô hình điểm đang trong giai đoạn đẻ nhánh, phát triển tốt, không sâu bệnh. Thấy hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân ngoài vùng thí điểm đã liên hệ HTX bày tỏ muốn được tham gia cùng”.

Cũng theo ông Trường, bên cạnh quy trình canh tác đảm bảo năng suất, chất lượng thì mô hình còn gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu lúa gạo. Việc có hợp đồng bao tiêu sản phẩm rõ ràng sẽ đảm bảo đầu ra ổn định và giá thành hấp dẫn cho nông dân.

Các thành viên HTX Kinh Dớn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật canh tác, từ khâu làm đất đến gieo sạ, kể cả thu hoạch.

Mô hình 60 ha tại HTX Kinh Dớn sẽ đóng vai trò là "mô hình mẫu" để trình diễn và nhân rộng các kỹ thuật canh tác tiên tiến. Ðây không chỉ là dự án sản xuất đơn thuần, mà còn như một trung tâm học tập, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các HTX và nông dân khác trong vùng.

Ðể đảm bảo hiệu quả triển khai Ðề án, tỉnh chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân với hàng chục cuộc được tổ chức; tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất lúa phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại một số tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn kết nông dân với doanh nghiệp, để đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp và yêu cầu ngày càng cao của thị trường về nông sản sạch, an toàn, Ðề án không chỉ giúp nông dân sản xuất thích ứng tốt hơn với điều kiện tự nhiên, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khó tính, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho hạt gạo. Ðây cũng là minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Trung Ðỉnh

Nguồn: https://baocamau.vn/huong-toi-nong-nghiep-xanh-a40018.html