Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hưởng ứng Chiến dịch Hồ Chí Minh: Quân và dân Bến Tre nổi dậy đồng loạt giải phóng tỉnh

BDK.VN - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết quả trong cao điểm tháng 3-1975, toàn tỉnh Bến Tre đã giải phóng hoàn toàn 3 xã, 12 xã giải phóng cơ bản, 30 xã tranh chấp mạnh, 50 xã tranh chấp yếu, 90% xã, ấp đều có chi bộ. Thắng lợi đó là tiền đề để quân dân ta bước vào trận quyết chiến cuối cùng giải phóng Bến Tre. Chưa bao giờ sức mạnh của nhân dân, tính chủ động mưu trí, sáng tạo của quần chúng lại được Đảng bộ Bến Tre huy động, tổ chức và phát huy với quy mô lớn, nhịp độ khẩn trương và hiệu lực mạnh mẽ như trong những ngày bão táp của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Báo Bến TreBáo Bến Tre18/04/2025

Nhân dân nô nức mít-tinh mừng ngày chiến thắng, ngày 30-4-1975.

Vận dụng Nghị quyết đặc biệt của Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 15 ngày 29-3-1975 về chủ trương giải phóng hoàntoàn miền Nam, chỉ đạo việc nắm thời cơ thực hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, ngày 9-4-1975, Tỉnh ủy ra chỉ thị: Khẩn trương tổ chức lực lượng chính trị, vũ trang với tốc độ quy mô nhảy vọt, hình thành đội ngũ chặt chẽ, chớp thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn. Chỉ thị gồm 4 điểm, nội dung cơ bản là phát động với hình thức, quy mô trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang, quần chúng trên cả 3 vùng, kể cả gia đình ngụy quân, ngụy quyền; đẩy mạnh vận động và xây dựng lực lượng tấn công binh vận, khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang và lực lượng khởi nghĩa. Khẩu hiệu hành động lúc này là: Dồn sức cho phía trước, dốc mọi lực lượng tiến công và nổi dậy, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện; đánh sụp ngụy quân; đánh đổ toàn bộ ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau khi học tập quán triệt chỉ thị trên, các cấp, các ngành xúc tiến chuẩn bị. Về lực lượng vũ trang tỉnh, củng cố 3 tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có đủ quân số 300 chiến sĩ, phát triển thêm 3 tiểu đoàn mới. Các huyện Châu Thành Đông, Châu Thành Tây và Chợ Lách, mỗi huyện đều xây dựng được 1 đại đội, quân số 100 chiến sĩ; các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri đều có 2 đại đội, 200 chiến sĩ; các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Giồng Trôm, mỗi huyện 3 đại đội, 300 chiến sĩ. Du kích xã từ 50 đến 100 chiến sĩ, ấp từ 30 đến 50 chiến sĩ. Mỗi huyện tổ chức các tiểu đoàn dân quân theo quy định chung đưa về tỉnh là 10 tiểu đoàn, các huyện đều phải xây dựng thêm để phục vụ tấn công vào thị trấn. Lực lượng khởi nghĩa được huy động khoảng 50 ngàn người bao gồm gia đình binh sĩ, gia đình tề, công nhân viên chức và quần chúng, được tổ chức từng đại đội, mỗi đại đội 100 người, trang bị vũ khí thô sơ chuẩn bị băng, cờ… phục vụ tại tỉnh và phục vụ tại huyện.

Vừa xúc tiến chuẩn bị, vừa liên tục tấn công địch, ngay từ đầu tháng 4-1975, lực lượng vũ trang cùng lực lượng 3 mũi ở cơ sở tiếp tục vây đồn, đoạt bốt, mở thêm nhiều mảng mới, đưa lực lượng áp sát thị xã, thị trấn, móc nối cơ sở binh vận, chờ đợi thời cơ. Ban Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo cho lực lượng vũ trang tỉnh từ Ba Tri về tập kết ở Châu Thành (hướng Đông Bắc và Tây Bắc thị xã), chuẩn bị phương án tấn công thị xã. Cán bộ tiểu đoàn, cán bộ tác chiến phân công nhau nghiên cứu chiến trường trên các hướng theo kế hoạch đã vạch ra. Công đoàn tỉnh cử cán bộ đi kiểm tra, móc nối xây dựng cơ sở, ở các cơ quan: Ty Công chánh, Nhà máy đèn, Bến phà Hàm Luông, Cấp nước, Bệnh viện, Ty Kiến thiết, Ty Ngân khố… Đội quân chính trị có hơn 20 vạn người được phân công bao vây 754 đồn bốt và tháp canh, 11 phân chi khu rải khắp tỉnh, chu đáo, bí mật, sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ và hiệu lệnh.

Trong lúc tinh thần địch hoang mang, ta đẩy mạnh công tác binh vận, phá rã trên 7.000 binh lính, quan hệ móc nối với 1.181 trưởng, phó đồn và có trên 400 sĩ quan phối hợp hành động. Tin chiến thắng từ các mặt trận bay về càng cổ vũ, động viên khích lệ quân dân trong tỉnh. Trong khi triển khai thực hiện, do sơ hở, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 - Võ Công Nghiệp trên đường vượt lộ 6 hành quân về Giồng Trôm, bị địch tập kích bất ngờ lấy được tài liệu và kế hoạch tác chiến. Địch lập tức đánh phá địa bàn ven thị xã và điều các tiểu đoàn bảo an (415, 453, 457, 401) về phòng thủ thị xã, chặn các hướng vào thị xã theo phương án tác chiến của ta.

Ngày 27-4-1975, Ban Chỉ đạo chiến dịch quyết định chuyển điểm về Giồng Trôm, chọn phân chi khu Lương Quới làm điểm đột phá để địch đưa các tiểu đoàn bảo an xuống ứng cứu, sau đó, ta sẽ tấn công vào thị xã theo phương án đã chuẩn bị. Đồng thời, cử đồng chí Trần Vệ Quốc - Phó chính trị viên Tỉnh đội và một số cán bộ tiểu đoàn đi điều nghiên, chuẩn bị đánh địch ở mặt trận Lương Quới (Theo lời kể của đồng chí Trần Vệ Quốc: lúc này, đồng chí Phan Định và Phó Chính trị viên Tỉnh đội Ba Thanh còn ở Châu Thành Tây, Tỉnh đội trưởng Võ Ngọc Cẩn (Năm Sương) bận nhiều công việc ở Ban Chỉ huy thống nhất, nên giao cho đồng chí Trần Vệ Quốc - Phó chính trị viên Tỉnh đội, đi nghiên cứu thực địa, chuẩn bị chiến trường và trực tiếp chỉ huy chiến thuật “công đồn, đả viện”). Ý định và quyết tâm của ta là đánh diệt phân chi khu Lương Quới để hút địch, tiêu diệt viện binh. Về mặt lãnh đạo, để kịp thời đối phó với mọi tình huống đột biến xảy ra ở mặt trận, Ban Thường vụ nhất trí cử đồng chí Nguyễn Văn Phiên (Tư Cường) đi chiến trường, giao Thường trực Tỉnh ủy cho đồng chí Đoàn Văn Đức - Ủy viên Thường vụ đảm trách.

Đêm 29-4-1975, ta tấn công làm thiệt hại nặng phân chi khu Lương Quới, diệt 2 đồn trên trục đường 26 Lương Quới - Đồng Gò, sử dụng đặc công đánh cầu đúc Lương Quới (nhưng không đánh được vì đặc công hy sinh) và đánh cầu Chẹt Sậy (chỉ đánh sập một đoạn).

Nhân dân thị xã Bến Tre hân hoan đón quân Giải phóng tiếp quản thị xã, năm 1975. Ảnh tư liệu

Sáng 30-4-1975, Tiểu đoàn 453 ngụy quân từ Phú Hưng xuống cứu viện phân chi khu Lương Quới. Tiểu đoàn 260 của ta chặn đánh chúng ở đoạn lộ từ miễu Cây Gừa (Lương Quới) đến Lương Hòa, diệt 1 đại đội. Những diễn biến thắng lợi trên toàn miền nhanh chóng hơn dự kiến đã tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để các chiến trường giành thắng lợi.

Lúc 10 giờ 30 phút (11 giờ 30 phút giờ Sài Gòn) ngày 30-4-1975, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, quân ta cắm lá cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lên Phủ Tổng thống ngụy. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào trong tỉnh: “Đồng bào thân mến! Thời cơ giải phóng hoàn toàn quê hương đã đến! Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Bến Tre khẩn thiết kêu gọi toàn thể đồng bào trong tỉnh hãy nhận rõ tình hình và thời cơ vô cùng thuận lợi hiện nay, đoàn kết chặt chẽ, phát huy truyền thống anh hùng của ngọn cờ đầu đồng khởi, nhất tề đứng dậy, kiên quyết xông lên tấn công nổi dậy liên tục, quyết liệt hơn nữa khắp nông thôn và thị xã, thị trấn, quyết tâm tiêu diệt bọn tay sai ngoan cố, giành toàn bộ chính quyền, giải phóng hoàn toàn tỉnh Bến Tre thân yêu của chúng ta”.

Đáp lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, lực lượng vũ trang kết hợp với lực lượng khởi nghĩa, cơ sở binh vận gọi hàng phân chi khu Lương Quới, san bằng 19 đồn bót mở ra vùng giải phóng từ cầu đúc Lương Quới đến cầu Bình Chánh, giải phóng hoàn toàn xã Lương Quới (Xã Lương Quới được giải phóng lúc 12 giờ ngày 30-4-1975 - theo Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Lương Quới (1930 - 2015), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre, 2014); 1 ấp của xã Châu Hòa, 1 ấp thuộc xã Bình Hòa.

Hai tiểu đoàn Quân giải phóng bố trí tại Đồng Gò - Chẹt Sậy, Tiểu đoàn 516 áp sát xã Phú Hưng, Tiểu đoàn 260 hành quân áp sát xã Mỹ Thạnh An.

Tại Châu Thành, ta bố trí 1 tiểu đoàn, bộ phận cối 82mm, Đại đội đặc công, do đồng chí Phan Định - Tham mưu trưởng chỉ huy đánh vào hệ thống phòng thủ và sân bay Tân Thành. Đại đội địa phương quân Châu Thành bao vây chi khu Hàm Long. Lực lượng vũ trang, cùng du kích, lực lượng khởi nghĩa bao vây đồn bốt tuyến Mỹ Thành, An Hiệp, Sơn Đông, Mỹ Hóa…

Trong khi đó, địch ra sức phòng thủ tỉnh lỵ. Tiểu khu Kiến Hòa đã điều Tiểu đoàn 453 ngụy sau khi đi giải tỏa ở mặt trận Lương Quới về chốt chặn tại Phú Hưng chặn đường tiến công của ta từ hướng Đông Bắc vào thị xã (hướng chính). Chiều 30 4-1975, Phạm Chí Kim - Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Kiến Hòa đã ra lệnh tử thủ, tổ chức phòng ngự sẵn sàng chiến đấu và lệnh cho pháo binh nã pháo vào khu vực Hữu Định chặn đường tiến quân của ta. Chiều 30-4-1975, phối hợp với lực lượng vũ trang, quần chúng khởi nghĩa mở đợt tấn công vào hầu khắp đồn bốt của địch, bức rút, bức hàng gần 300 đồn tua, 2/3 phân chi khu và các căn cứ quan trọng: chi cảnh sát Ba Tri, yếu khu Trúc Bình, phân chi khu và trụ sở Vĩnh Thành… Cán bộ binh vận các cấp móc nối, nắm các đầu mối của địch kìm chế, thúc địch đầu hàng.

Ở thị xã, 12 giờ đêm 30-4-1975, Đội biệt động, lực lượng an ninh vũ trang ta khống chế các tên xã trưởng, giải tán lực lượng nhân dân tự vệ, cùng lực lượng khởi nghĩa bức rút, bức hàng nhiều đồn bốt vùng ven, san bằng hệ thống khu vực tả ngạn thị xã. Hội Phụ nữ móc nối với cơ sở trong nội ô mang băng, cờ chuẩn bị cho ngày tiếp quản.

Trong đêm 30-4-1975, sĩ quan, binh lính, viên chức ngụy trong thị xã lần lượt bỏ nhiệm sở, liên lạc giữa tiểu khu và các chi khu bị cắt đứt. Cán bộ, chiến sĩ, quần chúng cách mạng bị địch giam giữ đã tự động phá khám trở về. Trong cơn hoảng loạn, Tỉnh trưởng Phạm Chí Kim ngoan cố ra lệnh tử thủ và bắn pháo xuống hướng Phú Hưng, nhưng đến phút chót, hắn và một số sĩ quan thân tín đã chạy trốn thoát thân hồi 3 giờ sáng 1-5-1975 để lại tâm trạng lo âu, chới với của sốsĩ quan còn lại. Thiếu tá Bùi Tấn Bửu - Tham mưu trưởng Tiểu khu Kiến Hòa ra lệnh thiết quân luật, đồng thời, tổ chức họp Ban Chỉ huy, quyết định cử các sĩ quan Hiền và Chấn bàn giao tiểu khu cho cách mạng.

Đêm 30-4 rạng sáng 1-5-1975, Đại đội đặc công 269A của đồng chí Phạm Minh Thảo, đặc công chốt của đồng chí Mai Văn Ánh (Năm Hải) đã tập kích trận địa pháo của địch ở sân bay Tân Thành. Đội biệt động thị xã bức hàng đồn Mỹ Hóa, đội vũ trang của Ban Thanh niên thị xã, du kích Phú Khương bao vây bức hàng các bốt Tú Điền, Phú Khương, Vườn Ương và bót Cầu Bà Mụ. Cờ cách mạng được treo ở ngã ba Tháp và Dinh tỉnh trưởng (Lá cờ treo ở chỗ ngã ba Tháp do bà Nguyễn Thị Diệp (Tư Diệp) và một số chị em phụ nữ nội ô treo, còn lá cờ treo ở Dinh tỉnh trưởng thì chưa xác minh được do người nào treo).

Đúng 7 giờ ngày 1-5-1975, Đại úy Chương cho xe đến ngã tư Tuần Đậu đón quân cách mạng vào tiểu khu. Đi trên xe, có Đại úy Chương, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu (Sáu Nguyễn) và hai cán bộ là Bảy Thảnh và Hai Thăng. Đồng chí Phan Định - Tham mưu trưởng cùng một số cán bộ vào Tòa hành chính, lệnh cho phía đối phương điều mười xe đến cầu Chẹt Sậy đón Ban Chỉ đạo chiến dịch vào tiếp quản thị xã (lúc 9 giờ sáng 1-5-1975).

Trước sự tấn công mạnh mẽ của quân và dân trong tỉnh, các chi khu, các căn cứ quân sự, đồn bốt lần lượt đầu hàng, giao lại cho lực lượng cách mạng từng nơi. Theo kế hoạch, từng bộ phận vào tiếp quản các cơ quan hành chính và quân sự trong nội ô. Cuộc tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trên chiến trường Bến Tre giành toàn thắng. Hàng ngàn người từ phía ngã năm vào, từ ngã ba Tháp xuống, từ cầu Cá Lóc lên, từ bắc Hàm Luông, cầu Bến Tre tràn sang, tay cầm cờ hoa đứng hai bên đường đón quân cách mạng vào tiếp quản thị xã.

Thị xã Bến Tre hoàn toàn giải phóng. Khắp các nẻo đường, trên các công sở, trên bến, dưới thuyền rực đỏ cờ chiến thắng. Mọi hoạt động của cuộc sống trở lại bình thường. Điện, nước, phà được anh em công nhân giữ vững, hoạt động ngay phục vụ cho nhân dân. Tại tất cả các huyện trong tỉnh như Mỏ Cày, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Chợ Lách, Châu Thành đều diễn ra tấn công và nổi dậy mạnh mẽ.

Sôi sục nhất là trong các ngày 30-4 và 1-5-1975, chớp thời cơ ngụy quyền Trung ương đầu hàng vô điều kiện, tinh thần các sĩ quan và binh lính địch sa sút, số ác ôn lẩn tránh, số lừng chừng co thủ do tác động từ chiến thắng của ta; các nơi, các cấp ủy đảng động viên hàng vạn người, quân cũng như dân xông lên mạnh mẽ tiến chiếm các công sở, đồn bốt địch, phá tề, giải tán phòng vệ dân sự, thu vũ khí, treo cờ cách mạng.

Trong thời gian này, ở các địa phương, không có những trận đánh lớn của lực lượng vũ trang mà vận dụng nhuần nhuyễn ba mũi giáp công, nhất là gia đình binh sĩ xông vào đồn bốt khuyên nhủ chồng, con, em mình trở về, bức hàng chiếm bốt, gỡ đồn. Khí thế hào hùng nổi dậy của quần chúng trong những ngày đồng khởi lại tái diễn. Chỉ trong hai ngày 30-4 và ngày 1-5-1975, hầu hết các thị trấn và vùng nông thôn rộng lớn đã tự lực quét sạch quân thù, giải phóng quê hương. Riêng đồn Bưng Cát (xã Tân Bình - Mỏ Cày Bắc), địch còn ngoan cố đến 12 giờ trưa 1-5-1975, ta bắn 3 quả súng cối, diệt tên Phó đồn (Trưởng đồn và 1 lính đi vắng), bọn còn lại trong đồn mới chịu đầu hàng. Bến Tre tự hào cùng với chiến thắng chung đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, quét sạch bóng quân thù, tỉnh giải 361 phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã.

Có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ sức mạnh của nhân dân, tính chủ động mưu trí, sáng tạo của quần chúng lại được Đảng bộ Bến Tre huy động, tổ chức và phát huy với quy mô lớn, nhịp độ khẩn trương và hiệu lực mạnh mẽ như trong những ngày bão táp của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Quân và dân Bến Tre đã đập tan hoàn toàn bộ máy chiến tranh đồ sộ của chính quyền tay sai mà địch đã dày công xây dựng hơn 20 năm; diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng ngụy quân từ phòng vệ dân sự, cảnh sát, dân vệ và bảo an trên ba vạn tên; tiêu diệt, phá hủy, bức hàng, bức rút trên 700 đồn bót, phân chi khu; chiếm toàn bộ các căn cứ, kho tàng, sân bay và trụ sở ngụy quân, ngụy quyền các cấp; thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch.

Trong trận quyết chiến chiến lược này, quân và dân Bến Tre đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn và triệt để, đã kết thúc 21 năm chiến đấu gian khổ quyết liệt, góp phần cùng cả nước bước vào một thời kỳ mới.

PV

(Tổng hợp nguồn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre 1930 - 2015)

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/huong-ung-chie-n-dich-ho-chi-minh-quan-va-dan-be-n-tre-noi-day-dong-loat-giai-phong-tinh-18042025-a145381.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm