Ba má cùng anh trai tác giả Đoàn Khuyên (bài Chuyện tình của ba má)
Tại sao câu chuyện hòa bình lại nhận được sự quan tâm của nhiều người đến vậy?
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý - một thành viên ban giám khảo - cho rằng: "Cuộc thi đã khơi gợi được ký ức tập thể và cho thấy sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng về một sự kiện lịch sử lớn như 30-4 mà cá nhân họ, gia đình họ chưa bao giờ là kẻ ngoại cuộc". Theo anh, báo Tuổi Trẻ đã tạo ra được một diễn đàn để những "tiểu tự sự" có cơ hội được kể trong đại cảnh lịch sử lớn đó.
Từ hơn 800 bài viết đó, ban giám khảo đã chọn ra 16 bài viết để trao giải ngày 26-4. Các bài viết qua vòng sơ khảo cũng được tuyển in trong sách Kể chuyện hòa bình ra mắt dịp này.
Lễ trao giải, ra mắt sách Kể chuyện hòa bình
Những chuyện không thể nào quên
50 năm đã trôi qua, kể từ ngày 30-4-1975, đất nước hòa bình, thống nhất. Nhưng có những chuyện có lẽ "cả đời cũng không thể nào quên được".
Bản tin đoàn tụ của tác giả Vũ Thị Thùy Dương (TP.HCM) kể lại một hồi ức xúc động về cuộc chia ly và đoàn tụ của gia đình bà Tạ Thị Mai (sinh năm 1951) trong bối cảnh lịch sử đầy biến động.
Vì giận ông nội phản bội, năm 1954, bà nội của bà Mai đã đưa ba cháu nội (trong đó có bà Mai, 3 tuổi) "về quê (Ninh Bình) chơi cho ông biết mặt". Ai mà ngờ, chuyến đi đó dài hơn 20 năm. Để rồi ngày 30-4-1975, nghe được bản tin chiến thắng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, cả miền Bắc vỡ òa trong niềm vui thống nhất, bà Mai rơi nước mắt vì sắp được gặp lại cha mẹ.
Cuộc đoàn tụ diễn ra vào tháng 7-1975, tại bến Bạch Đằng nhiều cay đắng, buồn tủi nhưng cũng lắm ngọt ngào; và quan trọng nhất, mẹ - con vẫn còn gặp lại được nhau.
Chị Dương là con gái nuôi của bà Mai, được bà kể chuyện này khi còn nhỏ và ấn tượng sâu sắc. 30 năm qua, chị cứ sống với câu chuyện đó. Chị nói với Tuổi Trẻ câu chuyện đoàn tụ của gia đình má nuôi của chị vừa có tính riêng tư vừa có tính khái quát sống động cho giá trị và khát vọng hòa bình của mọi người dân Việt Nam.
Clip tổng kết cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình - Nguồn: BTC
Hay trong bài Chuyện tình của ba má, tác giả Đoàn Khuyên (TP.HCM) kể chuyện tình cảm động của ba má chị, bắt đầu từ một lá thư tình cờ trong những ngày cuối của cuộc chiến.
Lúc đó ba đã vẽ thật nhiều chân dung má chị, luôn chấm một nốt mực đen trên cằm để ghi nhớ nốt ruồi đặc trưng của bà. Ngày chiến tranh kết thúc, ông quyết tâm tìm bà kết hôn và họ vẫn yêu nhau nửa thế kỷ qua.
Trong Sự được mất do số phận sắp đặt, tác giả Nguyễn Lan Quy (ở Bình Định) lại kể một câu chuyện rất khác. Bài viết kể về mẹ chị, vợ của một sĩ quan chính quyền Sài Gòn đã qua đời khi bà đang mang bầu.
Ở tuổi hai mươi, bà gửi con cho ông bà ngoại để tiếp tục việc học. Tới tháng 3, Tây Nguyên thất thủ, bà được bộ đội giúp đỡ, đi về Sài Gòn. Sau đó dù có cơ hội lên tàu di tản, bà quyết định quay lại Kon Tum để tìm mẹ già và con nhỏ.
Sau chiến tranh, bà bắt đầu cuộc sống mới. Bà gặp ba của chị Lan - một cựu chiến binh tập kết ra Bắc năm 1954, từng trải qua một cuộc hôn nhân tan vỡ. Họ đến với nhau, vượt qua định kiến xã hội, không phân biệt con chung - con riêng, xây dựng tổ ấm và cùng nhau khai hoang trên mảnh đất đầy bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Khi đọc bài viết này, không ít người cảm phục sức sống mạnh mẽ và không đầu hàng số phận của mẹ chị; đồng thời ngẫm lại sự hòa giải sau mốc 50 năm hòa bình.
Còn nhiều câu chuyện khác được kể lại. Như một người mẹ sắp sinh con thì nhận tin chồng hy sinh khi thời gian hòa bình, thống nhất đất nước đã gần kề (trong Sài Gòn, 30-4 và má của tác giả Nguyễn Quốc Đạt, TP.HCM).
Hay những cú tạt vội về nhà của cha, ông không dặn con cái chăm ngoan, học giỏi, chỉ dặn "nghe tiếng máy bay là chạy nhanh xuống hầm nghe chưa, sống mà về quê nghe chưa" trong Ngày về của cha (tác giả Lê Thị Nga, Đà Nẵng)...
Và cả những cuộc trở về, nhiều sự đoàn tụ vui buồn trộn lẫn. Có cả sự mất mát, khoảng trống không có gì bù lấp nổi. Bật lên hơn hết là sức sống, sự mạnh mẽ của con người Việt Nam trong chiến tranh, được kể một cách dung dị, đời thường, ai cũng có thể tìm thấy một mảnh hồn của mình ở đó.
Giám khảo, TS Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM - tâm sự có không ít câu chuyện giống với chuyện gia đình của bà. "Khi đọc, tôi gần như "sống" lại những cảm xúc của quãng thời gian từ những ngày gần hòa bình, sau hòa bình và những giây phút gia đình tôi từ Bắc về phía Nam đoàn tụ sau 20 năm xa cách", bà nói.
Ba má của tác giả Lê Thị Nga, tác giả bài Ngày về của cha
Tâm tình của người trẻ
Nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ - kể khi thực hiện đặc san kỷ niệm 50 năm ngày hòa bình, thống nhất đất nước, báo Tuổi Trẻ nghĩ ngay tới chuyện làm sao có nhiều bạn đọc, đặc biệt bạn đọc trẻ quan tâm và cùng tham gia kể chuyện hòa bình để lan tỏa giá trị hòa bình đến với mọi người, mọi nhà.
Tại sao lại kể chuyện hòa bình, chứ không phải là chuyện chiến tranh?
Ông nói "chiến tranh đã qua 50 năm rồi". Sau 50 năm, Việt Nam là nước có dân số trẻ. Lớp lớp cha ông trải qua chinh chiến đều đã già đi, ngày càng vơi dần, cần có một thế hệ kế tiếp, kể lại những câu chuyện của họ bằng góc nhìn hôm nay. "Những câu chuyện đó không chỉ có giá trị của quá khứ mà qua đó, giới trẻ sẽ rút ra những bài học cho chính mình, hiểu hơn về giá trị hòa bình hôm nay", ông Uy nói.
Rất mừng vì sau hơn một tháng phát động, báo Tuổi Trẻ nhận hơn 800 bài viết khắp mọi miền đất nước, độ tuổi phần lớn là người trẻ và có nhiều bài chất lượng.
Theo nhà báo Nguyễn Trường Uy, những người trẻ đã tham dự vào 50 năm vừa qua, tham dự một phần đời của ông bà, cha mẹ họ và kể lại câu chuyện đó dưới góc nhìn riêng của mình. Bên cạnh chuyện cũ, họ nghĩ ngợi và suy tưởng về hiện tại, hướng tới tương lai nhiều hơn. Nội dung cũng như cách thể hiện không chỉ cảm xúc một chiều hay bị cá nhân hóa mà còn có tính khái quát, đại diện.
Chiến tranh, với người trẻ hôm nay, không chỉ là trang sách lịch sử gấp lại. Nó hiện diện trong chiếc radio cũ của bà, trong hố bom giữa cánh đồng quê, trong những con đường chạy loạn mà ông bà họ từng đi qua...
Đọc bài Hố bom quê tôi, tác giả Nguyễn Văn Phúc có những suy tưởng thú vị. Không chỉ là một vết lõm vật lý, dấu tích đau thương mà chiến tranh để lại, hố bom còn là "di sản" để người trẻ hiểu rằng hòa bình không phải điều tự nhiên mà có. Và người hôm nay phải làm gì để biến những khoảng trống do chiến tranh để lại thành nơi gieo trồng sự sống mới?
Khi kết lại bài viết của mình, tác giả Nguyễn Quốc Đạt kể ngày 30-4, sinh nhật của anh, anh đưa má về thăm Sài Gòn - TP.HCM. Đây là nơi mà má anh nói luôn trong tim của má, nơi má đã từng được sống, được hỗ trợ về y tế, giáo dục, được cưu mang bởi những con người xa lạ nhưng lại tốt bụng vô cùng. Cũng là nơi những người thân của má đã ngã xuống nhưng hai má con sẽ đi trong những ngày thật đẹp của hòa bình.
Cuộc thi Kể chuyện hòa bình do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn Cao su Việt Nam đồng hành, nhân kỷ niệm 50 năm đất nước hòa bình.
Ban giám khảo cuộc thi gồm: nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Hậu - phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM, nhà nghiên cứu - nhà văn Nguyễn Trương Quý.
Kết quả, giải nhất thuộc về tác giả Đoàn Khuyên với tác phẩm Chuyện tình của ba má. Hai giải nhì trao cho tác giả Nguyễn Quốc Đạt với tác phẩm Sài Gòn, 30-4 và má và tác giả Nguyễn Lan Quy với tác phẩm Sự được mất do số phận sắp đặt.
Ba giải ba lần lượt dành cho các tác giả Vũ Thị Thùy Dương với tác phẩm Bản tin đoàn tụ, Bảo Nam với Người kể chuyện tháng Tư, Huỳnh Tới với Nước mắt vỡ òa trưa 30-4 năm đó.
10 giải khuyến khích thuộc về các tác giả: Hoàng Đôn Nhật Tân (Giờ chót của chiến tranh), Phạm Thị Ngọc Điệp (Đó là ngày 30-4), Trương Thị Hiền (Hòa bình, nhớ má), Hoàng Việt Hằng (Có những vết thương không nhìn thấy), Nguyễn Ngọc Tuệ Minh (Chiếc radio cũ của bà tôi), Lê Thị Nga (Ngày về của cha), Tâm Nguyễn (Quê hương vẫn đợi bố tôi trở về), Phan Khương (9X nghĩ về hòa bình), Trần Hồng Hạnh (Vui sao nước mắt lại trào), Cao Hy (Hòa bình của người lính).
Các bài dự thi chất lượng được tuyển chọn in thành sách Kể chuyện hòa bình, ra mắt đúng dịp kỷ niệm 50 năm hòa bình.
Cuộc thi hết sức ý nghĩa
Một lần tình cờ đọc báo Tuổi Trẻ, tôi biết đến cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình. Ngay lập tức, tên cuộc thi cuốn hút tôi. Đó là một cái tên giản dị, rất gợi và cho phép những người tham gia có thể kể được câu chuyện của mình một cách gần gũi nhất.
Những ngày đó tôi có đọc lại cuốn hồi ký (dày khoảng 200 trang) của ba tôi. Từng được kể về chuyện tình của ba má trước đây nên lúc đọc lại, càng mồn một xúc động. 30-4 là một cột mốc quan trọng, tôi nghĩ, tôi cần kể lại câu chuyện đó, cho chính tôi.
Đặc biệt nhất, bài dự thi của tôi được đăng đúng dịp 50 năm đất nước hòa bình, thống nhất, cũng là kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ba má.
Niềm vui của tác giả Đoàn Khuyên khi thấy bài dự thi xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ
Nhân ngày kỷ niệm, gia đình có tổ chức một "đám cưới vàng" cho ba má ở Côn Đảo (cũng là nơi ông bà sống), mời bạn bè thân thiết dự. Tôi mang theo 100 tờ báo Tuổi Trẻ có bài của tôi từ đất liền ra đảo, tặng khách mời mỗi người một tờ để đọc cho vui. Ai đến đám cưới cũng cười nắc nẻ. Ba vui ra mặt, còn má tôi mắc cỡ liên hồi.
Tự nhiên tôi thấy có một sự kết nối mạnh mẽ giữa câu chuyện trong ký ức, trang báo và hôm nay. Ngày 30-4 như một cột mốc bản lề, mở ra một tương lai thật khác. Trong ánh chớp của số phận, của lịch sử đó, ba má tôi đã có một chuyện tình vượt thời gian và đáng ngưỡng mộ. Chính tình yêu thương của họ dành cho nhau khiến con cháu luôn nhìn vào đó mà sống đẹp, vượt lên mọi khó khăn trong cuộc đời này.
Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã tổ chức một cuộc thi hết sức ý nghĩa. Tôi mong sẽ có thêm nhiều những cuộc thi như vậy vì người Việt mình còn đến mấy chục triệu câu chuyện để kể. Và câu chuyện nào cũng quan trọng như câu chuyện nào.
Tôi tin những câu chuyện cá nhân, những câu chuyện nhỏ của mỗi người góp phần hoàn thiện chân dung Việt Nam thời chiến. Đó không phải là một gương mặt toàn sắt và máu, mà có cả hoa, khổ đau - hạnh phúc bỏng rát, phập phồng. Qua đó để thấy người Việt khát sống, khát yêu, yêu chuộng hòa bình như thế nào. Đó cũng là những bí mật, sự hấp dẫn của lịch sử đất nước chúng ta.
Tác giả Đoàn Khuyên, giải nhất cuộc thi Kể chuyện hòa bình
ký ức chiến tranh mở ra ánh sáng hy vọng
Ngày 30-4, chiến tranh, hòa bình, không phải là câu chuyện riêng của bất cứ ai mà là câu chuyện chung của nhiều người dân Việt Nam, của đất nước này.
Các bài dự thi cuộc thi viết Kể chuyện hòa bình cho thấy bạn đọc đều có chung suy ngẫm về 50 năm hòa bình vừa qua, mới thấy hòa bình quý giá ra sao, cần phải gìn giữ cho tương lai mai sau.
Nhà báo NGUYỄN TRƯỜNG UY
Như tên cuộc thi, Kể chuyện hòa bình, hòa bình và thống nhất vẫn là giá trị cao nhất mà người dân Việt Nam hướng đến.
Đó là lý do có không ít bài viết nhắc đến ký ức chiến tranh vẫn còn đè nặng, thậm chí đau xót nhưng khi kết lại, vẫn có những lấp lánh, ánh sáng của hy vọng, của đoàn tụ, của tương lai.
TS NGUYỄN THỊ HẬU
Việc kể lại quá khứ có thể khó khăn và không phải ai cũng có đủ can đảm hay khả năng diễn đạt tốt.
Nhưng đáng mừng là càng về sau, chất lượng bài viết càng được cải thiện đáng kể, xuất hiện những bài có câu chuyện, có trải nghiệm nhân vật đậm nét hơn, thậm chí có những bài gây xúc động.
Cuộc thi thu hút những câu chuyện từ nhiều phía khác nhau liên quan chiến tranh và thống nhất. Tôi đặc biệt ấn tượng và có thiện cảm với những câu chuyện riêng tư hoặc nói về sự hàn gắn.
Theo tôi, góc nhìn của người bình thường về quá khứ cũng rất quan trọng và có thể tạo ra sự cân bằng giữa các điểm nhìn trong xã hội khi nhắc đến một sự kiện lịch sử đặc biệt như 30-4.
Nhà văn NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Nguồn: https://tuoitre.vn/ke-chuyen-hoa-binh-nhung-tieu-tu-su-trong-dai-su-dat-nuoc-20250427183804593.htm
Bình luận (0)