Đây là lần thứ hai hội nghị PRISM được tổ chức tại Đông Nam Á, nhằm kết nối cộng đồng nghiên cứu gen Việt Nam với giới chuyên gia toàn cầu, từ đó tiếp cận công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Hội nghị năm nay tập trung vào các kỹ thuật giải trình gen thế hệ mới – nền tảng quan trọng trong nghiên cứu bộ gen người, thực vật, động vật, bệnh truyền nhiễm và đặc biệt là ung thư học.

Song song các phiên thuyết trình chuyên môn, hội nghị còn có triển lãm công nghệ và hội thảo chuyên sâu, giới thiệu các thiết bị, kỹ thuật giải trình gen mới nhất.
Bà Nguyễn Thị Tôn Cẩm Trâm, Tổng giám đốc DKSH Vietnam Business Unit Technology, cho biết: “PRISM 2025 là cầu nối giúp nhà khoa học Việt Nam tiếp cận công nghệ gen hiện đại, mở rộng hợp tác và nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước.”

Theo PGS.BS Vũ Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam, những năm gần đây, các kỹ thuật giải trình gen thế hệ mới không ngừng được cải tiến, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học, sinh học và đặc biệt là y học.
“Giải trình gen giúp chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh di truyền, bất thường bẩm sinh hiếm gặp và bệnh lý phức tạp như ung thư. Hội nghị trình bày công nghệ cho phép phát hiện các bất thường cấu trúc nhỏ trong hệ gen người như mất đoạn, lặp đoạn,… ngay từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi sinh. Trong 3–5 năm tới, công nghệ này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong y học chính xác tại Việt Nam”, PGS.BS Vũ Chí Dũng, Phó Chủ tịch Hội Di truyền Y học Việt Nam, nhận định.
Giải trình tự gen không chỉ phục vụ chẩn đoán y học mà còn đóng vai trò then chốt trong kiểm soát dịch bệnh. Việc xác định trình tự gen của sinh vật gây bệnh là cơ sở để phát triển vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ket-noi-khoa-hoc-gen-toan-cau-prism-2025-khai-mac-tai-da-nang-post790715.html
Bình luận (0)