Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng Xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư

Việt NamViệt Nam16/04/2025


Đây là lần thứ 4 Hội nghị P4G được tổ chức và là Hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh đầu tiên mà Việt Nam đăng cai.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu quốc tế tham dự phiên khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang- TTXVN

Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) được thành lập năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch.

Trọng tâm hợp tác của P4G hiện tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: Giảm thất thoát và lãng phí lương thực; nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; nguồn nước bền vững; năng lượng tái tạo và giao thông không phát thải.

Tham dự lễ khai mạc, về phía chủ nhà Việt Nam có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Cùng dự còn có các lãnh đạo bộ, ngành của Việt Nam.

lnh06464.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hoàng Linh.

Khách mời quốc tế có Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali, Thủ tướng nước CHDCND Lào Sonexay Siphandone; Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed cùng lãnh đạo hơn 40 nước, gồm các nước P4G và các đối tác, đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ và nhiều chuyên gia, học giả trong các lĩnh vực.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu thông điệp chính sách tại lễ khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.

Các khách mời quốc tế cũng đã có phát biểu trực tiếp, trong khi nhiều lãnh đạo quốc tế đã gửi bài phát biểu trực tuyến tới lễ khai mạc.

Nhân dân phải được thụ hưởng các thành quả của phát triển

lnh06533.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại lễ khai mạc P4G. Ảnh: Hoàng Linh.

Mở đầu thông điệp chính sách nêu ra tại Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo, các khách quý, đại biểu đã đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư tại Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến của Việt Nam. "Đối với tôi, cùng các quý vị tham dự Hội nghị đa phương quy mô lớn như hôm nay là một niềm vui lớn, làm tôi nhớ lại cảm xúc sôi động, quyết tâm, tràn đầy niềm tin khi tôi cùng các nhà lãnh đạo toàn cầu chứng kiến sự ra đời và thông qua Hiệp ước Tương lai tại Liên hợp quốc - văn kiện mang tính lịch sử của nhân loại được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai vào tháng 9-2024. Tôi thấy ý nghĩa thiết thực của hiệp ước đối với cuộc sống, đó là trên cơ sở tầm nhìn và khát vọng chung về tương lai bền vững cho nhân loại, chúng ta tiếp tục tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, chung tay hành động vì sự thịnh vượng chung của các dân tộc trên hành tinh này”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu.

Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trước những chuyển biến to lớn, nhanh chóng mang tính thời đại của thế giới ngày nay, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng, vươn tới một kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, sánh vai với các cường quốc trên thế giới, xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, với kinh nghiệm của 40 năm đổi mới, Việt Nam xác định chặng đường hiện thực hoá các mục tiêu nói trên cần đảm bảo nguyên tắc “bền vững, bao trùm, hài hòa”, bao gồm: Phát triển nhanh phải đi đôi với bền vững, chất lượng cao, phải hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển đất nước phải song hành với trách nhiệm quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, vì hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Hợp tác quốc tế trên nguyên tắc: Các bên cùng thắng, quá trình phát triển phải lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách, chiến lược. Nhân dân phải là người được thụ hưởng các thành quả của phát triển.

Tổng Bí thư nêu rõ, với quan điểm đó, Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp chiến lược cho phát triển đất nước:

Thứ nhất, thúc đẩy cải cách thể chế là đột phá của đột phá; tập trung cải cách, mở cửa, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế cùng phát triển, trong đó chú ý đến kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Thứ hai, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, trong đó dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là không khí và ánh sáng của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới. Chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất, đổi mới sáng tạo là “cây gậy thần” đạt tới thịnh vượng, bền vững.

Về chuyển đổi xanh, nhờ cách tiếp cận đúng đắn, kịp thời, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm, dù là nước đang phát triển có nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả quan trọng:

Là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, với công suất điện gió, điện mặt trời chiếm khoảng 2/3 tổng công suất của ASEAN; là điển hình tốt về thúc đẩy nông nghiệp xanh, bền vững, với dự án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp, là mô hình tiên phong được rất nhiều đối tác, các tổ chức quốc tế quan tâm, tham khảo.

Là thành viên tích cực, trách nhiệm của toàn bộ các cơ chế đa phương, sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, như Thỏa thuận Paris về khí hậu, Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, P4G…

"Đặc biệt, về thể chế, chúng tôi cơ bản xây dựng các cơ chế, khuôn khổ cần thiết cho tăng trưởng xanh, bao gồm quy hoạch quốc gia, quy hoạch tổng thể năng lượng, các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực mũi nhọn, danh mục các dự án trọng điểm và các nghị định tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực năng lượng, tăng trưởng xanh", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với các Trưởng đoàn tham dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
lnh06543.jpg
Đại biểu dự phiên khai mạc nghe bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Linh.

Tuy vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thừa nhận, là một nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam cũng đứng trước thách thức về nguồn lực tài chính, về công nghệ, nhân lực, về khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu của những biến động địa chính trị trên toàn cầu.

"Nhìn về tương lai, Việt Nam đang nhanh chóng thúc đẩy các đột phá chiến lược, nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho quá trình phát triển, vừa nhanh vừa xanh, bao trùm và bền vững. Chúng tôi sẽ chuyển hóa mạnh mẽ các cam kết chính trị thành hành động thực tiễn, tạo động lực cho doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia phát triển kinh tế xanh, trong đó thể chế xanh là nền tảng quyết định, công nghệ xanh là động lực đột phá và nguồn nhân lực xanh có vai trò then chốt”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, con đường phát triển của Việt Nam sẽ không thể tách rời xu thế chung của thế giới và nền văn minh của nhân loại. Việt Nam chủ trương đặt mình vào dòng chảy của thế giới, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo ra sức mạnh Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc mở cửa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, việc đăng cai tổ chức Hội nghị P4G lần thứ 4 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam:

Thứ nhất, để phát huy vai trò là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của P4G và cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, để tái khẳng định cam kết phát triển bền vững chuyển đổi năng lượng vì mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050.

Thứ ba, để góp phần nâng cao nhận thức về hợp tác quốc tế, phát huy vai trò, tiếng nói các nước đang phát triển trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

"Tôi tin tưởng hội nghị sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy hợp tác giữa P4G với các đối tác, giữa các nước Bắc bán cầu và Nam Bán cầu, giữa khu vực nhà nước - tư nhân nhằm thúc đẩy chuyển đối xanh và phát triển bền vững tài chính xanh", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

lnh06355(1).jpg
Các trưởng đoàn tham dự hội nghị. Ảnh: Hoàng Linh.

Thể hiện khát vọng về thế giới "sáng, xanh, sạch, đẹp"

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao vai trò của Hội nghị Thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 - diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để cùng đưa ra các giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

lnh06461.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoàng Linh

Thủ tướng nêu rõ, kể từ lần đầu tiên diễn ra tại Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh P4G đã chứng minh được tầm ảnh hưởng sâu rộng của một diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác công tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để cùng đưa ra các chính sách, giải pháp đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh thế giới tiếp tục đối diện những thách thức chưa từng có về thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số… chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu, là ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới.

Chủ đề "Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm" của Hội nghị lần này thể hiện khát vọng hướng đến một thế giới sáng, xanh, sạch, đẹp với quan điểm nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển, cho quá trình xanh hóa và phát triển bền vững trên hành tinh xanh tươi đẹp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chặng đường chuyển đổi xanh của nhân loại trong thời gian qua không hề dễ dàng, có thành công, có thất bại, nhưng đã để lại những bài học kinh nghiệm quý và quan trọng; là hành trang quý giá định hướng cho chúng ta bước vào giai đoạn mới, phát triển mới xanh hóa hơn, bao trùm hơn, bền vững hơn trên toàn thế giới.

Thứ nhất bảo đảm cách tiếp cận toàn dân, toàn diện, toàn cầu, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các nhóm yếu thế dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi xanh. Một nền kinh tế xanh cần các doanh nghiệp xanh, một xã hội xanh cần các công dân xanh, một thế giới xanh cần có các quốc gia xanh.

Thứ hai là, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đóng vai trò then chốt; thị trường đóng vai trò dẫn dắt; nhận thức xã hội đóng vai trò nền tảng trong thúc đẩy chuyển đổi xanh. Điều này được minh chứng rõ nét và là các yếu tố căn bản dẫn đến thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Thứ ba là, đề cao nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trách nhiệm trong chuyển đổi xanh. Đây là quá trình cần kiên định về mục tiêu nhưng chủ động, linh hoạt về phương pháp và lộ trình, có tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của các quốc gia.

"Đối với Việt Nam, cùng với chuyển đổi số, chúng tôi xác định chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu khách quan, là yếu tố then chốt và động lực đột phá để thúc đẩy tăng trưởng xanh nhanh và phát triển bền vững, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao năm 2030, nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045", Thủ tướng cho biết.

Thời gian tới, để góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu tại COP 26 về đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ tư, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, lấy con người làm trung tâm, Việt Nam đưa ra 3 đề xuất:

Thứ nhất, thúc đẩy hoàn thiện tư duy xanh trong đó chú trọng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số gắn với tăng trưởng xanh, xác định nguồn lực xanh bắt nguồn từ tư duy xanh, động lực tăng trưởng xanh bắt nguồn từ chuyển đổi xanh, và sức mạnh xanh bắt nguồn từ nhận thức xanh của người dân, doanh nghiệp ở các quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.

Thứ hai, xây dựng một cộng đồng xanh trách nhiệm, trong đó chính phủ đóng vai trò định hướng, khuyến khích bảo đảm thể chế ổn định thuận lợi cho tăng trưởng xanh. Khu vực tư nhân là nòng cốt trong đầu tư công nghệ, phổ cập các tiêu chuẩn xanh, cộng đồng khoa học tiên phong trong phát triển công nghệ xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh. Người dân không ngừng nâng cao ý thức xanh, và thực sự là chủ thể thụ hưởng những kết quả của chuyển đổi xanh.

Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phát triển mạnh các mô hình hợp tác xanh nhiều bên, nhất là hợp tác đối tác công-tư, hợp tác Nam - Nam, hợp tác Bắc - Nam, các khuôn khổ hợp tác đa phương…, nhằm xóa bỏ rào cản thể chế, tăng cường khả năng tiếp cận và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch dòng vốn xanh công nghệ và quản trị xanh.

“Chính chúng ta hôm nay đang nắm trong tay trách nhiệm và sứ mệnh vẻ vang là giữ gìn và bảo vệ Trái đất - ngôi nhà của nhân loại” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho biết, Việt Nam mong muốn và tin tưởng rằng, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, bản lĩnh vươn lên và trí tuệ sáng tạo của các quốc gia sẽ thực sự trở thành sức mạnh vô song, góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bao trùm, bền vững trên toàn cầu, tất cả vì con người, của con người và do con người, vì hạnh phúc, ấm no của mọi người dân trên hành tinh xanh thân yêu.

Cam kết xây dựng một xã hội bền vững, đem lại hy vọng cho thế giới

Chia sẻ tại Hội nghị, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali cho biết, thế giới đang phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng là theo đuổi con đường hành động thực tế, toàn diện, giải quyết nhu cầu của nhóm dễ bị tổn thương nhất, những người đang phải gánh chịu nhiều tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu.

lnh06574.jpg
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Hoàng Linh

Trong phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali nhắc lại cam kết lâu dài của Ethiopia trong hành động chung vì khí hậu và phát triển bền vững. Thủ tướng Ethiopia đánh giá cao nỗ lực của tất cả các thành viên P4G và các đối tác vì cam kết chung hợp tác hành động vì khí hậu và phát triển trong nhiều năm qua.

Ông kêu gọi các thành viên trong nhóm ưu tiên phối hợp liên khu vực trong hành động vì khí hậu, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho COP lần thứ 30 tại Brazil.

lnh06595.jpg
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone phát biểu. Ảnh: Hoàng Linh

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá, với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Hội nghị thượng đỉnh P4G Việt Nam 2025 là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự chủ động và đóng góp thiết thực của Việt Nam trong việc thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu vì mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Theo Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohamad, trong một thập kỷ qua, dù đã có nhiều tiến bộ song thế giới vẫn chưa đạt được những mục tiêu phát triển bền vững cần thiết, trong khi đó, những cú sốc địa chính trị cùng tình hình giao thông gia tăng có thể làm thụt lùi tiến bộ của thập kỷ qua.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá, sự tham gia của các nhà lãnh đạo và đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng xã hội dân sự toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư do Việt Nam đăng cai cho thấy cam kết xây dựng một xã hội bền vững, kiên cường, bao trùm và thịnh vượng hơn, đồng thời đem lại niềm hy vọng cho thế giới.

“Thông qua hợp tác, chúng ta có thể giúp các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển chuyển đổi hệ thống năng lượng, nước và thực phẩm để trở nên kiên cường hơn, bao trùm và bền vững hơn”, bà Amina J. Mohamad nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo, thiệt hại từ thiên tai đang ngày càng lớn, khủng hoảng khí hậu đang làm tiêu hao ngân sách và nguồn lực cần thiết cho phát triển.

lnh06615.jpg
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohamad phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Linh

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới sử dụng tối đa công cụ hiện có để thúc đẩy các giải pháp; thay đổi chính sách thông minh ở mọi cấp, từ địa phương, quốc gia đến toàn cầu. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, phát triển các ngành công nghiệp năng lượng xanh và chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư trên quy mô lớn, tạo thêm việc làm và chất lượng cuộc sống bền vững.

Bà Amina J. Mohamad đề nghị các cộng đồng doanh nghiệp, tài chính và xã hội dân sự cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và biến những trở ngại thành cơ hội kinh doanh; tạo ra các mô hình và quan hệ đối tác mới để huy động tài chính cho cam kết khí hậu và phát triển bền vững.

Đánh giá cao lộ trình hướng tới tăng trưởng xanh của Việt Nam, bà Amina J. Mohamad nhận định, Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về năng lượng sạch. Quá trình chuyển đổi năng lượng từ than đá sang các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không chỉ giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng hơn.

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch Viện Tài nguyên thế giới (WRI) Ani Dasgupta đánh giá cao việc Việt Nam tổ chức Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư. Ông Ani Dasgupta nhận định, thế giới đang trong quá trình chuyển đổi xanh, nhưng cho rằng tiến trình chuyển đổi này chưa diễn ra với tốc độ và quy mô cần có. Chủ tịch WRI cũng cho rằng, triển khai chuyển đổi xanh cần gắn liền với các doanh nghiệp, song không thể thiếu các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

“Chúng ta cần các hệ thống phát triển nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh khả thi. Đó chính là nơi P4G đóng vai trò quan trọng. P4G tạo ra một nền tảng từng bước, kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân, tài chính và chính phủ”, chuyên gia này nhìn nhận.

* Sau lễ khai mạc, các đại biểu bước vào Phiên thảo luận cấp cao: Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.



Nguồn: https://hanoimoi.vn/khai-mac-hoi-nghi-thuong-dinh-dien-dan-doi-tac-vi-tang-truong-xanh-va-muc-tieu-toan-cau-p4g-lan-thu-tu-699163.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm