Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khai thác hiệu quả thương hiệu cam Cao Phong

NDO - Thương hiệu cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã trở thành mặt hàng nông sản nổi tiếng trên thị trường toàn quốc. Từ năm 2023 cam Cao Phong đã được xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc. Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thương hiệu cam Cao Phong bền vững, chính quyền huyện Cao Phong cùng người dân trồng cam và Hợp tác xã 3T Farm nông sản Cao Phong triển khai kết hợp mô hình sản xuất cam gắn với du lịch trải nghiệm, bước đầu mang lại hiệu quả đối với một số nhà vườn tại huyện Cao Phong.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân19/04/2025

Mô hình “kép” nông nghiệp và du lịch

Năm 2024, huyện Cao Phong đón khoảng 457.000 lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế là 5.430 lượt, khách trong nước là 451.570 lượt, doanh thu từ du lịch đạt hơn 240 tỷ đồng. Từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đã đón hơn 100.000 lượt du khách, riêng hai tháng đầu năm, đã có 85.000 lượt khách đến tham quan và mua các sản phẩm nông sản, doanh thu ước đạt 51 tỷ đồng.

Tổng diện tích cây có múi toàn huyện Cao Phong hiện có hơn 1.135ha, trong đó: Diện tích cây cam là 879,21ha, năng suất khoảng 302 tạ/ha, sản lượng là 20.348 tấn; diện tích cam trồng mới tăng 164ha, so với diện tích đầu năm 2024; diện tích cây quýt là 9,62ha, năng suất đạt 202 tạ/ha, sản lượng là 194,32 tấn; diện tích cây bưởi là 218,82ha, năng suất 169 tạ/ha, sản lượng 3.698 tấn. Cây cam vẫn là cây chủ lực làm giàu cho bà con nơi đây. Mỗi niên vụ, các gia đình trồng cam thu nhập trung bình từ 300 triệu đến 400 triệu đồng.

Khai thác hiệu quả thương hiệu cam Cao Phong ảnh 1

Các cháu nhỏ rất thích mô hình trải nghiệm cắt cam tại vườn Hợp tác xã 3T Farm của hộ gia đình ông Đỗ Ngọc Hà. (Ảnh LỆ THỦY)

Mô hình sản xuất cam gắn với du lịch bền vững đang mở ra một hướng đi mới đối với một số thành viên trong Hợp tác xã 3T Farm nông sản Cao Phong, huyện Cao Phong.

Điển hình là hộ ông Đỗ Ngọc Hà, tại xóm Lãi, xã Tây Phong. Ông Hà cho biết: "Gia đình tôi tham gia Hợp tác xã 3T Farm từ năm 2021. Việc tham gia hợp tác xã sẽ được bảo đảm giá bán ổn định hơn ngoài thị trường và thương hiệu được nhiều tỉnh, thành biết đến. Đặc biệt, xác định đi theo hướng sản xuất cam gắn với du lịch, chúng tôi phải áp dụng các quy trình chăm sóc nghiêm ngặt như trồng cam hữu cơ để thu hút du khách đến trải nghiệm".

Ông Hà đang hoàn thiện ngôi nhà sàn với diện tích hơn 200m2 ngay cạnh vườn cam để phục vụ du khách trong những mùa cam sắp tới. Du khách đến thăm quan sẽ được trải nghiệm: chụp ảnh vườn cam, cắt cam, thưởng thức cam và các món ăn tại đây.

Trong không gian triền đồi cam thơ mộng, dưới chân là suối nước trong vắt chảy róc rách, người nông dân Đỗ Ngọc Hà say sưa kể: “Tôi đã mua thêm 4ha cùng với gần 2ha cam đang có. Ngoài trồng thêm cam là chủ lực, tôi sẽ quy hoạch trồng thêm các loại như: dâu tây, bơ, nho… để hấp dẫn du khách đến thăm quan”.

Niên vụ vừa rồi gia đình ông Hà đã có hàng nghìn du khách đến vườn cam trải nghiệm, mua cam tại vườn. Mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nhiều đoàn khách, sáng đi du lịch lòng hồ Hòa Bình, trưa về nghỉ và tham quan trang trại cam. Đến trải nghiệm vườn cam, buổi trưa, du khách được thưởng thức các món ẩm thực địa phương phong phú mang đặc trưng như: gà nướng, thịt lợn mán, cá nướng, xôi nếp nương, rau rừng... được phục vụ tại nhà sàn vườn cam.

“Được tung tăng trong vườn với bạt ngàn chùm cam chín mọng, vàng óng, lủng lẳng trên đầu là một cảm giác rất thú vị, rất khác biệt”. Đó là nhận xét của em Trần Huyền Trang, học sinh lớp 10D3, Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Hà Nội khi được bố mẹ cho đi trải nghiệm tại vườn cam Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.

Mô hình nhà anh Lương Văn Thảo, thành viên Hợp tác xã 3T Farm ở xóm Má 1, xã Bắc Phong cho biết: “Từ khi áp dụng mô hình trồng cam gắn với du lịch, gia đình tôi mỗi năm bán được hàng chục tấn tại vườn. Vụ vừa rồi, vườn cam của tôi đón mấy chục đoàn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm, có cả những nghệ sĩ nối tiếng của Việt Nam. Đây là hướng đi mà tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm các dịch vụ kèm theo, hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp gắn với du lịch để nâng cao giá trị kinh tế hộ gia đình”.

Hướng tới phát triển bền vững

Hiện nay, Cao Phong có tới 6 loại giống là: Cam lòng vàng, cam V2, cam Canh, cam Xã Đoài, quýt Ôn Châu, quýt Hà Giang. Người dân sản xuất cam Cao Phong đã rất thành thạo áp dụng các quy trình công nghệ kỹ thuật cao, từ công tác chọn giống, chăm sóc cây, quả.

Nhờ áp dụng phong phú về các loại giống cam, cho nên việc gối vụ được diễn ra rất dài. Một vụ cam bắt đầu thu hoạch từ tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau, vì vậy sản phẩm cam Cao Phong gần như có quanh năm để cung cấp ra thị trường và phục vụ khách du lịch.

Ông Nguyễn Việt Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong cho biết: Huyện đang triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch cùng với quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và quy hoạch các phân khu chức năng thuộc địa bàn các xã; quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thương mại, các dự án đầu tư phát triển du lịch ngoài ngân sách đã được cấp phép đầu tư. Thúc đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án phát triển du lịch vào các vùng trọng điểm của huyện.

Khai thác hiệu quả thương hiệu cam Cao Phong ảnh 2
Cam Cao Phong là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: AN THÀNH ĐẠT)

Huyện Cao Phong đang tập trung huy động các nguồn lực để phát triển tuyến du lịch với các sản phẩm: Du lịch sinh thái, tâm linh kết hợp các hoạt động tham quan trải nghiệm vườn cam, vui chơi giải trí; phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với các loại hình nhà ở sinh thái. Cung cấp các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, tìm hiểu giao lưu văn hóa cộng đồng, thể thao, chăm sóc sức khỏe và các tiện ích khác dành cho khách du lịch.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết: Cao Phong đã quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với chiến lược phát triển du lịch tổng thể vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và tỉnh Hòa Bình và Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Phấn đấu đến năm 2040, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Mô hình sản xuất cam Cao Phong gắn với du lịch là hướng đi hấp dẫn góp phần vào phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để thu hút thêm nhiều du khách, huyện cần chú trọng phát triển đồng bộ từ hạ tầng giao thông, quy hoạch nhiều mô hình nhà vườn đẹp, thực hiện kết nối theo tour tuyến, gắn tour du lịch vườn cam cùng các danh lam thắng cảnh trong tỉnh.

Nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-hieu-qua-thuong-hieu-cam-cao-phong-post873746.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm