Theo bình chọn từ tạp chí Insider của Mỹ, địa danh Mù Cang Chải của Việt Nam đã lọt vào top những vùng núi đẹp nhất thế giới. Kênh truyền hình CNBC của Mỹ đã từng đánh giá Mù Cang Chải là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất với du khách quốc tế năm 2020. Chuyên trang du lịch gia đình nổi tiếng Wanderlust Storytellers mới đây đã xếp Mù Cang Chải của Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong danh sách 25 điểm đến trên thế giới có vẻ đẹp phi thực tế. Vậy Mù Cang Chải có gì mà khiến các phương tiện truyền thông nổi tiếng về du lịch đánh giá cao như vậy?
Nằm ở độ cao trung bình trên 2.000m so với mực nước biển, Mù Cang Chải được thiên nhiên ưu ái với thời tiết mát mẻ quanh năm, nhiệt độ bình quân hằng năm là 19,6 độ C; biển mây trắng hòa quyện với sương mù hư ảo uốn lượn trên đèo Khau Phạ, nơi đây thường được gọi là "xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu". Mỗi dịp xuân về từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hằng năm, Mù Cang Chải lại trở thành "thiên đường săn mây" của các tín đồ du lịch khi đi qua các con đèo, triển dốc, đỉnh núi. Với diện tích gần 83.000ha, rừng là thế mạnh của Mù Cang Chải với những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn và những thảm thực vật phong phú...(trang 18, 19).
Đặc biệt, được ví như "vân tay của trời đất", những thảm ruộng bậc thang Mù Cang Chải xanh ngắt mùa nước đổ, vàng óng mùa lúa chín là một kiệt tác được tạo nên từ sự cần mẫn và đôi bàn tay khéo léo của cư dân bản địa. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định cấp Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt cho Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Các tác giả đã dành 32 trang sách để miêu tả, khắc họa một cách chi tiết, sống động về vẻ đẹp của ruộng bậc thang và kỹ thuật trồng lúa, canh tác đất đai, hệ thống tưới tiêu, nông vụ... Đồng thời, dẫn dắt người đọc khám phá những cảnh đẹp nổi tiếng như đèo Khau Phạ, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Púng Luông, "sống lưng khủng long" ở bản Phình Hồ, thung lũng Tà Cua Y, thác Mơ, thác Pú Như, rừng trúc, rừng hoa, bãi đá cổ Lao Chải...
Song hành với thiên nhiên tuyệt đẹp là những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nơi đây, đồng bào Mông chiếm hơn 90% dân số với những phong tục tập quán đặc trưng. Trong đó, văn hóa tín ngưỡng gắn với ruộng bậc thang là nét nổi bật. Đặc biệt, nghệ thuật tạo hình bằng sáp ong trên vải và nghệ thuật khèn của đồng bào Mông đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, trang phục, nhà ở, ẩm thực, các nghề thủ công truyền thống... góp phần tạo nên sự tổng hòa toàn diện, sâu lắng cho đời sống văn hóa của người dân bản địa.
Sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên ở Mù Cang Chải khiến các tác giả phải cho rằng nơi đây chính là "bản giao hưởng giữa thiên nhiên và văn hóa". Và khi khép sách lại, độc giả chỉ muốn xách ba lô lên và đi!
CÁT ĐẰNG
Nguồn: https://baocantho.com.vn/kham-pha-ve-dep-dac-biet-cua-mu-cang-chai-a185777.html
Bình luận (0)