Sự kiện đánh dấu một bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh, theo định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trung tâm IOC Khánh Hòa được kiến tạo như “bộ não số” của chính quyền tỉnh, đóng vai trò là trung tâm chỉ huy số phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo một cách kịp thời, hiệu quả và chính xác. Đây là công trình trọng điểm trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trung tâm IOC Khánh Hòa có chức năng thu thập, giám sát, tổng hợp và phân tích dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong việc phát hiện sớm vấn đề, điều phối xử lý kịp thời, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch trong hoạt động điều hành của chính quyền. Trung tâm IOC Khánh Hòa được vận hành thông suốt, thường xuyên, liên tục 24/7, đảm bảo hoạt động đúng và đầy đủ các chức năng thiết kế, tin cậy, an toàn.
Dữ liệu được cập nhật, đồng bộ, chia sẻ định kỳ từ các cơ quan cung cấp dữ liệu và các hệ thống, ứng dụng trên địa bàn tỉnh về Trung tâm IOC Khánh Hòa để phân tích, xử lý.
Hiện nay, Trung tâm IOC Khánh Hòa đang giám sát, điều phối hoạt động tại các lĩnh vực thiết yếu như: dịch vụ công, cải cách hành chính, an ninh trật tự, giao thông, môi trường, y tế, giáo dục, du lịch và kinh tế - tài chính... Các hệ thống tiêu biểu như: giám sát dịch vụ công, phản ánh hiện trường, camera giao thông thông minh, bản đồ số đa lớp, phân tích dữ liệu và quản lý thiết bị IoT… đang vận hành hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng điều hành.
![]() |
Màn hình ứng dụng IOC Khánh Hòa. |
Việc hình thành và phát triển Trung tâm IOC Khánh Hòa là lời hồi đáp thiết thực trước những yêu cầu thực tiễn của quản trị hiện đại. Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 và Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị đã đặt nền móng cho chiến lược phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững của tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý điều hành tại Khánh Hòa còn gặp nhiều thách thức do dữ liệu phân mảnh, thiếu liên thông, gây khó khăn trong hoạch định chính sách và xử lý tình huống kịp thời.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp đồng bộ của hơn 30 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm IOC Khánh Hòa đã được triển khai như một giải pháp đột phá.
Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng đinh: “IOC là công cụ đột phá giúp chính quyền đổi mới cách quản lý, điều hành theo hướng minh bạch, hiệu quả, gần dân và bám sát thực tiễn. Đây không chỉ là một trung tâm công nghệ, mà còn là hạt nhân trong tiến trình kiến tạo chính quyền số tỉnh Khánh Hòa”.
![]() |
Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Khánh Hòa. |
Trung tâm chính là nền tảng liên thông dữ liệu, kết nối toàn bộ hệ thống chính quyền, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, hiện đại và bền vững.
Ông Trần Trung Thành - Giám đốc FPT IS Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn FPT khẳng định: “Việc Trung tâm IOC Khánh Hòa chính thức vận hành đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình kiến tạo nền tảng điều hành chính quyền số toàn diện. Với lợi thế trở thành trung tâm kinh tế biển và cửa ngõ giao thương chiến lược của khu vực, Khánh Hòa cần một hạ tầng dữ liệu hiện đại, kết nối đồng bộ và đủ năng lực mở rộng trong tương lai".
Việc ra mắt Trung tâm IOC Khánh Hòa không chỉ đánh dấu bước tiến mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước mà còn thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc kiến tạo một nền hành chính hiện đại, lấy dữ liệu làm trung tâm trong kỷ nguyên số.
Trong định hướng phát triển thời gian tới, Trung tâm IOC Khánh Hòa sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi giám sát, tích hợp với các hệ thống dữ liệu quốc gia, chuyên sâu, nâng cao năng lực phân tích dự báo, hỗ trợ ra quyết định nhanh, đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT) nhằm phục vụ hiệu quả hơn công tác quản lý, điều hành và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: https://nhandan.vn/khanh-hoa-ra-mat-trung-tam-ioc-nham-hien-thuc-hoa-nghi-quyet-57-nqtw-post879672.html
Bình luận (0)