Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên: Làm đúng chưa đủ, cần chuyên nghiệp!

(Dân trí) - Trong đổi mới giáo dục, mọi bước đi đều cần sự chính xác và cẩn trọng. Một chủ trương đúng nhưng cách làm cẩu thả sẽ phá hỏng mục tiêu tốt đẹp ban đầu.

Báo Dân tríBáo Dân trí08/05/2025

Trong tháng 4 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức khảo sát năng lực tiếng Anh đối với giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn với hình thức trực tuyến. Theo lãnh đạo Sở, mục đích cốt lõi của việc khảo sát này là đánh giá thực trạng, không phải kiểm tra trình độ cá nhân.

Tuy nhiên, như báo Dân trí phản ánh, cách triển khai một cuộc khảo sát trên diện rộng với 73.000 giáo viên còn hạn chế về lỗi kỹ thuật, thời điểm chưa phù hợp và đề khảo sát quá khó, không sát thực tế công việc giảng dạy xem giáo viên dùng tiếng Anh trong công việc giảng dạy và tự học thế nào?

Việc khảo sát toàn bộ giáo viên, kể cả những người không dạy tiếng Anh, khiến nhiều người cảm thấy áp lực và không hiểu mục đích cuối cùng là gì.

Khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên: Làm đúng chưa đủ, cần chuyên nghiệp! - 1

Khoảng 73.000 giáo viên ở TPHCM vừa trải qua bài khảo sát năng lực tiếng Anh (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Trước hết cần khẳng định chủ trương khảo sát năng lực tiếng Anh đối với giáo viên là đúng. Nhưng câu chuyện nêu trên theo tôi là một minh chứng sinh động về việc làm đúng chưa đủ, còn cần phải làm chuyên nghiệp. Và quan trọng hơn, giáo dục cần những bước đi có tầm nhìn dài hạn, chứ không phải những quyết định vội vã, gấp gáp. 

Nhìn lại đây không phải là trường hợp cá biệt. Nó gợi nhớ những sự việc tương tự từng diễn ra ở nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trước đây, trong đó có thể nhắc đến Đề án "Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân".

Hơn 10 năm trước, khi tiến hành khảo sát năng lực tiếng Anh để xây dựng lộ trình bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, thay vì phân loại theo từng nhóm đối tượng - giáo viên tiểu học, trung học dạy tiếng Anh - thì hầu hết các đơn vị khảo sát đã sử dụng chung một đề kiểm tra kiểu TOEFL (bài kiểm tra năng lực Tiếng Anh quốc tế của tổ chức ETS) hoặc tương tự. Điều này vô hình trung tạo ra áp lực không cần thiết và thậm chí phản tác dụng.

Với thực tế hiện nay, một giáo viên tiểu học dạy tiếng Anh chỉ cần đáp ứng khả năng phát âm rõ ràng, chuẩn hóa và hướng dẫn học sinh những kỹ năng nghe, nói cơ bản. Họ không cần thiết phải đạt trình độ đọc hiểu học thuật hay viết luận phức tạp như yêu cầu của một bài thi TOEFL.

Khi khảo sát vượt quá nhu cầu thực tiễn vị trí công việc, không những lãng phí nguồn lực đào tạo mà còn làm méo mó mục tiêu phát triển chuyên môn.

Sự nhầm lẫn trong cách đánh giá năng lực xuất phát từ một căn bệnh mạn tính là không hiểu hoặc không chịu hiểu nguyên lý nền tảng của Training Needs Assessment (Đánh giá nhu cầu đào tạo).

Một quy trình chuyên nghiệp không thể dừng ở câu hỏi: "Họ thiếu gì?" mà phải đi sâu hơn: "Ở vị trí công tác hiện tại, họ cần gì để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn?". Đào tạo không phải để "thỏa mãn một chuẩn chung" xa rời thực tế, mà phải xuất phát từ yêu cầu công việc cụ thể.

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM khảo sát năng lực tiếng Anh của giáo viên cũng gợi lên những băn khoăn về chuẩn hóa vị trí việc làm.

Một hệ thống giáo dục hiện đại phải xây dựng được khung năng lực nghề nghiệp cho từng loại hình giáo viên. Mỗi cấp học, mỗi môn học, thậm chí mỗi bậc thang nghề nghiệp (giáo viên mới vào nghề, giáo viên chủ nhiệm, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng…) đều cần những tiêu chí cụ thể, rõ ràng và có thể đo lường được.

Chỉ khi đó, việc khảo sát mới thực sự có ý nghĩa khi đúng người, đúng kỹ năng, đúng mục tiêu. Và từ kết quả khảo sát, công tác xây dựng chương trình bồi dưỡng mới có cơ sở khoa học, tránh được tình trạng "thầy cô đi học cho đủ chỉ tiêu" nhưng sau cùng lại không áp dụng được vào thực tế giảng dạy.

Bài học cần rút ra không chỉ dành riêng cho tiếng Anh. Đây là bài học chung cho tất cả các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, cho đến chuyển đổi số, giáo dục STEAM (dạy học liên nghành kết hợp giữa nghệ với các môn truyền thống), giáo dục tích hợp liên môn.

Một chương trình bồi dưỡng muốn thành công phải tuân thủ tối thiểu ba nguyên tắc.

Nguyên tắc đầu tiên phải khảo sát nhu cầu theo vị trí việc làm: Không thể áp dụng một kiểu đánh giá, khảo sát chung cho tất cả giáo viên. Phải dựa vào đặc điểm nghề nghiệp cụ thể của từng nhóm đối tượng để thiết kế nội dung khảo sát phù hợp.

Nguyên tắc thứ hai, xác định chuẩn đầu ra thực tiễn, có khả năng áp dụng: Tiêu chí năng lực phải gắn liền với thực tiễn công việc. Chẳng hạn, yêu cầu giáo viên Toán biết cách đọc tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh khác hoàn toàn với yêu cầu giáo viên tiếng Anh hướng dẫn học sinh viết bài luận.

Nguyên tắc thứ ba, thiết kế chương trình bồi dưỡng theo hướng cá nhân hóa, phân tầng: Cần có lộ trình khác nhau cho từng nhóm giáo viên, từ bồi dưỡng kiến thức cơ bản đến phát triển kỹ năng chuyên sâu. Không thể ép buộc tất cả tham gia một chương trình đồng loạt, phiến diện.

Nếu những nguyên tắc này không được tuân thủ, rất dễ dẫn đến việc giáo viên mất niềm tin vào chương trình đào tạo, lãnh đạo ngành Giáo dục thì loay hoay sửa sai và nguồn lực tài chính, thời gian, công sức bị lãng phí.

Nhìn rộng ra, bất cứ cải cách nào trong giáo dục, dù lớn hay nhỏ, cũng đều cần đi từ khảo sát thực tế, phân tích khoa học và xây dựng lộ trình chặt chẽ.

Mong muốn "đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai", hay "chuyển đổi số toàn diện" đều là những mục tiêu cao đẹp. Nhưng nếu triển khai thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng đặc thù công việc của giáo viên, thì kết quả có thể là sự chống đối thầm lặng và thất bại trên thực tế.

Mọi cải cách giáo dục, dù khởi đầu bằng những ý định tốt đẹp, đều sẽ thất bại nếu thiếu đi sự thấu hiểu thực tiễn và sự chuyên nghiệp trong triển khai. Muốn đào tạo giáo viên thành công, không thể "làm đại cho xong", mà phải làm đến nơi đến chốn, từ khảo sát nhu cầu cho đến thiết kế chương trình.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự nghiệp giáo dục không thể chịu đựng thêm những phép thử ngẫu nhiên bởi đội ngũ những người nghiệp dư.

Giáo dục là hành trình gieo trồng, chăm sóc, không đốt cháy giai đoạn, và càng không phải cuộc đua tìm kiếm thành tích, hấp tấp đổi mới và làm đại.

Tác giả: TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/khao-sat-nang-luc-tieng-anh-giao-vien-lam-dung-chua-du-can-chuyen-nghiep-20250507195644601.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm