Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khảo sát Ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập, giờ làm

Con số được nêu trong kết quả Đánh giá cung, cầu giáo dục mầm non ở địa bàn khu công nghiệp được trình bày bởi tiến sĩ Vũ Cương, chuyên gia Ngân hàng thế giới tại hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án 'Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045'.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên10/04/2025

Hội thảo diễn ra sáng sáng nay (10.4) do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, lãnh đạo Vụ giáo dục mầm non, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và một số địa phương.

Trách nhiệm chăm sóc con ảnh hưởng trực tiếp việc làm của phụ nữ

Trình bày tại hội thảo, tiến sĩ Vũ Cương cho biết khảo sát của Ngân hàng thế giới thực hiện trên 1.809 người mẹ có con nhỏ từ 3 tháng tới 72 tháng tuổi, ở 4 tỉnh thành là Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP.HCM và An Giang. Khảo sát cũng thực hiện trên 200 cơ sở giáo dục mầm non; thực hiện 32 thảo luận nhóm với 241 cha mẹ có con mới sinh cho tới 6 tháng tuổi.

Khảo sát Ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập, giờ làm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu khai mạc hội thảo

ẢNH: THÚY HẰNG

Khảo sát Ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập, giờ làm - Ảnh 2.

Tiến sĩ Vũ Cương, chuyên gia Ngân hàng thế giới, trình bày kết quả khảo sát

ẢNH: THÚY HẰNG

"Trong nghiên cứu của chúng tôi, phụ nữ tham gia phỏng vấn đều khẳng định trách nhiệm nuôi con nhỏ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phải giảm giờ làm, kiếm được thu nhập ít hơn, và trong một số trường hợp, bị mất việc.

Khoảng 1/3 số người được khảo sát cho biết phải đi làm ít giờ hơn so với mong muốn (34%) hoặc thu nhập bị giảm (34%) hoặc mất việc (29%). Gần 1/5 cho rằng họ bị bỏ lỡ cơ hội việc làm/thăng chức (17%), hoặc nâng cao trình độ kỹ năng (10%).

Tổng hợp lại, kết quả phân tích hồi quy và phỏng vấn người mẹ cho thấy việc nuôi con nhỏ đã gây bất lợi cho người mẹ theo nhiều cách: nó có thể khiến người mẹ có công việc bấp bênh hơn, lương thấp hơn và được nhận ít phúc lợi việc làm hơn", tiến sĩ Vũ Cương trình bày.

Khảo sát Ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập, giờ làm - Ảnh 3.

Trách nhiệm chăm sóc con ảnh hưởng trực tiếp việc làm của phụ nữ như thế nào?

ẢNH: NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

Khảo sát của Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra việc được tiếp cận với giáo dục mầm non tăng cơ hội để người mẹ có thể tìm được việc làm được trả lương trong khu vực chính thức.

Cụ thể, nếu phụ nữ có thể sử dụng các dịch vụ giáo dục mầm non cho con đáp ứng nhu cầu tốt hơn thì 1/4 người được hỏi cho rằng sẽ kiếm việc làm với thu nhập cao hơn; 1/5 cho rằng sẽ làm được nhiều giờ hơn và có thời gian đi học thêm. Theo khảo sát, phụ nữ thuộc nhóm nghèo nhất, hiện đang phải dựa vào dịch vụ chăm sóc không chính thức, có xu hướng thể hiện nhiều hơn những ý định như trên.

Cơ sở giáo dục mầm non đã có đáp ứng hết nhu cầu của phụ nữ có con nhỏ chưa?

75% người mẹ được hỏi cho biết sẵn lòng sử dụng dịch vụ giáo dục mầm non tại các trường mầm non; 53% cha mẹ có con 13 tháng - 23 tháng tuổi cho biết nhu cầu gửi con tại các trường mầm non chưa được đáp ứng, tỷ lệ này là 80% với nhóm có con từ 3 tháng - 12 tháng tuổi. Tỷ lệ mong muốn được sử dụng các trường mầm non đặc biệt cao ở các bà mẹ thuộc nhóm nghèo nhất, nhập cư, sống gần khu công nghiệp, đang phải nhờ người thân chăm sóc con cái.

Song, kết quả khảo sát cho thấy nhiều cha mẹ chấp nhận nhóm, lớp độc lập tư thục, trường tư do giờ trông trẻ linh hoạt, họ khó có thể chọn lựa các trường công có chất lượng tốt. Nhiều cha mẹ chấp nhận cách gửi con hiện tại, mặc dù đó không phải lựa chọn hàng đầu của họ, vì họ không thể tiếp cận các dịch vụ mong muốn. Trong khi đó, nhiều bằng chứng trong khảo sát của Ngân hàng thế giới cho thấy những hạn chế về không gian của các nhóm, lớp độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, ảnh hưởng tới việc đạt chuẩn về chất lượng dịch vụ.

Khảo sát Ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập, giờ làm - Ảnh 4.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại hội thảo

ẢNH: THÚY HẰNG


Khuyến khích sử dụng 1% GDP cho giáo dục mầm non

Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng thế giới trình bày những đề xuất. Như cần chuyển trọng tâm trợ cấp của Chính phủ cho nhóm, lớp độc lập tư thục có thể nâng cao chất lượng và giảm học phí cho trẻ em.

Để tăng tác động của Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 20245" (gọi tắt là Đề án) thì cần đảm bảo dịch vụ có chi phí hợp lý, cần tính đến việc ưu tiên hướng mục tiêu trợ cấp vào bên cung cấp dịch vụ, như vậy cũng tạo ra kết quả phát triển công bằng hơn.

Đồng thời, trường công có thể giúp đáp ứng nhu cầu địa phương có khu công nghiệp. Cần làm rõ nguồn lực và dịch vụ cần thiết để đáp ứng các nhu cầu. Ví dụ, có thể điều chỉnh các quy định cho khu vực công (cho phép linh hoạt trong hợp đồng lao động, giờ hoạt động) để hỗ trợ nhiều hơn cho cha mẹ làm việc ở khu công nghiệp thuận tiện hơn khi gửi con đi học.

Khảo sát Ngân hàng thế giới: 34% phụ nữ nuôi con bị giảm thu nhập, giờ làm - Ảnh 5.

Trẻ mầm non tại Trường mầm non 12, quận 4, TP.HCM

ẢNH: PHƯƠNG QUYÊN

Đáng chú ý, tiến sĩ Vũ Cương chỉ ra OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) và UNICEF khuyến nghị các quốc gia sử dụng 1% GDP cho giáo dục mầm non, ở các nước Bắc Âu phân bổ 1,4 - 1,8% GDP còn ở Việt Nam mới chỉ là 0,68%.

Do đó, Đề án sẽ là cơ sở cho các Sở GD-ĐT đề xuất thêm nguồn lực tài chính và tăng quyền quyết định nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương trong quá trình lập kế hoạch ngân sách hàng năm cho phát triển giáo dục mầm non ở địa phương mình...

Hội thảo sáng nay cũng lắng nghe ý kiến góp ý cho Đề án của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và các địa phương, trao đổi của các nhà làm giáo dục, nhà đầu tư ở các địa phương.

Nguồn: https://thanhnien.vn/khao-sat-ngan-hang-the-gioi-34-phu-nu-nuoi-con-bi-giam-thu-nhap-gio-lam-185250410113758484.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm