Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khát vọng Ba Lòng

Ba Lòng từng là một chiến khu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu của Trung ương tại tỉnh Quảng Trị.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân20/07/2025

Cầu bê-tông bắc qua sông Ba Lòng để người dân đôi bờ đi lại được thuận lợi hơn.
Cầu bê-tông bắc qua sông Ba Lòng để người dân đôi bờ đi lại được thuận lợi hơn.

Mỗi dấu ấn lịch sử ở Ba Lòng không chỉ là chứng tích của một thời kháng chiến hào hùng mà còn phản ánh sự gắn kết sâu sắc giữa lòng dân và cách mạng, từ đó nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, xây dựng một tương lai thịnh vượng.

Đường đến An toàn khu Ba Lòng (thuộc huyện Đakrông cũ) không còn phải đi thuyền ngược sông Thạch Hãn từ đập Trấm như xưa nữa, từ Km41 Quốc lộ 9, theo Tỉnh lộ 588A gần 20km nữa là đến trung tâm của chiến khu xưa Ba Lòng.

Che chở, cưu mang Cách mạng

Ở Ba Lòng gần như gia đình nào cũng đi theo cách mạng, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Nam, 94 tuổi, ở thôn Đá Nổi, từng là lính của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, tham gia cách mạng từ chiến khu Ba Lòng.

Ông kể, đầu năm 1947, thực dân Pháp đẩy mạnh tấn công, chiếm được nhiều địa bàn quan trọng của tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Trị đã quyết định rút toàn bộ lực lượng ngược lên Ba Lòng để tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Ngày 14/4/1947, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp, quyết định chọn vùng đất phía tây Triệu Phong, Hải Hăng, từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơng, Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng chiến khu Ba Lòng.

Địa thế hiểm trở đã khiến Ba Lòng trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến, nơi đóng quân của cơ quan Đảng, Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh, đoàn thể, bộ đội chủ lực, các công xưởng sản xuất vũ khí… Tại đây đã diễn ra các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, truyền đi những mệnh lệnh, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh đến chiến sĩ, đồng bào, là nhân tố quyết định những thắng lợi.

Phát huy vị trí đặc biệt của mình, Ba Lòng trở thành trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu ra bắc vào nam. Tiêu biểu như đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ dừng chân tại Ba Lòng năm 1949, đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng đến chiến khu năm 1951, đồng chí Lê Duẩn ghé lại cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị đóng tại Ba Lòng năm 1952 để chỉ đạo kháng chiến.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Ba Lòng vừa là chiến khu của Quảng Trị vừa là chiếc nôi văn nghệ. Những con thuyền ngược xuôi sông Thạch Hãn, đêm đêm đưa cán bộ, vận chuyển hậu cần cho kháng chiến lên Ba Lòng đã trở nên quen thuộc với những người lính, người dân ở đây.

Sau giai đoạn 1954, với vị trí chiến lược quan trọng, tại Ba Lòng luôn xảy ra những cuộc đụng đầu quyết liệt giữa cách mạng và quân đội chính quyền miền nam cũ. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 năm 1959 của Ban Chấp hành Trung ương về đường lối cách mạng miền nam, ngày 10/10/1965, Trung đoàn 6 được thành lập tại Khe Su, xã Ba Lòng. Đây là đơn vị chủ lực cơ động cấp trung đoàn đầu tiên của Quân khu Trị Thiên-Huế ra đời đánh dấu bước ngoặt phát triển lực lượng chủ lực và quy mô tác chiến trên chiến trường.

Trăn trở vì Ba Lòng

Ngày đất nước hòa bình, Ba Lòng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Không thể để Ba Lòng nghèo khó được. Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng Trần Văn Chạy nhớ lại, với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, từ năm 2000, điện đã về đến từng nhà dân, chưa bao giờ chiến khu xưa Ba Lòng lại đông vui rộn ràng như thế.

Sau khi có điện, Chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường đã triển khai cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho hơn 80% dân số toàn xã. Rồi đến những chiếc cầu bê-tông bắc qua sông Ba Lòng và một con đường dài 12km, nối từ Km41 của Quốc lộ 9 chạy vào bờ bắc cầu Ba Lòng được trải nhựa. Phía bờ nam cũng hình thành một con đường khá rộng để ô-tô về đến trung tâm xã. Nhiều con em trên địa bàn thi đỗ các trường đại học uy tín, tốt nghiệp, ra trường được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Như gia đình của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hồng Nam có 7 người con, trong đó có 5 người làm cán bộ nhà nước.

Trong tâm khảm của người dân Ba Lòng cũng như các cựu chiến binh Trung đoàn 6 không bao giờ quên ký ức đau thương về trận đánh ngày 19/10/1965 ở Ba Lòng, 53 chiến sĩ của Trung đoàn 6 chiến đấu, hy sinh, sau đó bị quân đội chế độ miền nam cũ chôn tập thể, đến nay mới tìm ra hài cốt. Ước nguyện về một ngôi đền tri ân, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 6 được ông Nguyễn Đức Dũng, nguyên cựu chiến binh của trung đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị vận động và đã hoàn thành cách đây mấy năm tại Khe Su, thôn Tà Lang. Ngày ngôi đền được khánh thành và công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, người dân vùng chiến khu xưa phấn khởi, xúc động.

Vào Ba Lòng hôm nay, dưới chân những dãy núi cao san sát gối lên nhau là thung lũng rộng dài màu mỡ kéo ra tận bờ sông. Những cánh đồng trồng ngô, lạc, đậu xanh dệt nên một màu xanh ngút tầm mắt.

Tương lai đang mở ra trước mắt với Ba Lòng biết bao tin tưởng và hy vọng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng Trần Văn Chạy, vùng đất cách mạng này cần được đầu tư lớn, khai thác được tài nguyên lịch sử, văn hóa, nông nghiệp để phát triển. Ông Chạy chỉ tay ra Tỉnh lộ 588A, cho biết, tỉnh lộ không còn đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, dẫn đến giá bán nông sản thấp.

Cùng với đó, nhiều di tích lịch sử tuy được bảo tồn, tôn tạo nhưng chưa trở thành điểm đến trong các tour du lịch vì thiếu đồng bộ. Ông Chạy quyết tâm sớm hoàn thiện công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của xã mới để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở trong quá trình chỉ đạo xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền. Ba Lòng sẽ phát triển, với nông nghiệp là thế mạnh, hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo hướng chuyên canh nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Nguồn: https://nhandan.vn/khat-vong-ba-long-post895075.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm