Nước mắt và những đêm trắng
Phạm Thị Ngọc Diễm sinh năm 2001, tốt nghiệp ngành Công nghệ Kỹ thuật Hoá học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Năm 2021, khi xu hướng sống xanh và tiêu dùng bền vững lan rộng, cô cùng đồng nghiệp tại một công ty chuyên sản xuất đồ tái chế đã thử nghiệm tái chế bã cà phê, một trong những phế phẩm phổ biến, để tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ý tưởng khởi đầu rất hứa hẹn: bã cà phê dễ thu gom, sẵn có, lại giàu giá trị văn hóa. Tuy nhiên, sau 5 tháng, kết quả thu được là sản phẩm không bị phân hủy, dù vẫn giữ thành phần bã cà phê.
"Lúc ấy, chúng tôi quyết định dừng kinh doanh để tập trung vào nghiên cứu lại từ đầu. Điều quan trọng không chỉ là sản phẩm đẹp, mà còn phải bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn sản xuất cho nhân viên", Ngọc Diễm nhớ lại.
Ba năm sau, cuối năm 2024, khi rời TPHCM về quê nhà ở Đắk Lắk, Ngọc Diễm bất ngờ nảy ra một giải pháp mới. Giữa rừng cà phê gần Vườn quốc gia Chư Yang Sin, cô nhìn thấy nhiều vấn đề của ngành công nghiệp này: Tình trạng trồng ồ ạt cà phê dẫn đến đầu ra thiếu bền vững, lượng khí thải từ khâu chăm sóc, rang xay, thải bã khiến môi trường thêm suy yếu.
Chính lúc ấy, Diễm quyết tâm phải làm một điều gì đó không chỉ vì bản thân mà còn vì quê hương. Cô kết hợp bã mía, bột khoai tây và bã cà phê theo một công thức mới, để tạo nên loại vật liệu có tính chất giống gỗ, thân thiện với môi trường. Sự tình cờ ấy đã trở thành bước ngoặt trong hành trình khởi nghiệp xanh của Diễm.
Tôi muốn làm nổi bật giá trị của cây cà phê: Không chỉ là thức uống mà còn có thể trở thành nguồn nguyên liệu cho một ngành công nghiệp mới. Nếu tái chế tốt, chúng ta không cần chặt cây để làm đồ gỗ. Bã cà phê, bã mía, những thứ tưởng chừng bỏ đi, có thể trở thành đầu vào tạo ra nguyên liệu mới”.
Phạm Thị Ngọc Diễm
Lúc mới bắt đầu thử nghiệm tại Đắk Lắk, khó khăn chồng chất. Không có thiết bị, không có phòng thí nghiệm, trong khi Diễm lại đang làm việc ở TPHCM, việc di chuyển về quê nhà để thực hiện dự án mới là một thử thách lớn.
May mắn đến với cô khi công ty đã hỗ trợ mua sắm thiết bị, đồng nghiệp chia sẻ để Diễm có thể tiến hành thử nghiệm tại nhà. Nhưng những trở ngại chưa dừng lại, khi đưa sản phẩm ra cho khách hàng dùng thử, phản hồi không được tích cực khi sản phẩm dễ gãy, bị thấm nước, có mốc nhẹ…
"Tôi nhớ có những đêm chúng tôi phải làm thâu đêm để kịp gửi mẫu mới. Nhưng chính những lần đó lại giúp tôi nhìn rõ hơn đâu là sai sót để điều chỉnh từng công đoạn. Cuối cùng, sản phẩm cũng đạt được độ bền, độ chống nước và tính thẩm mỹ để ra thị trường.
Sản phẩm được làm từ bã cà phê
Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ. Mình có thể bị vấp ngã, đôi khi chẳng ai tin vào mình nhưng nếu điều bạn làm là đúng đắn, là có ích thì hãy tin rằng nó xứng đáng để theo đuổi", Ngọc Diễm kể.
Vì rừng, vì một cuộc sống mới
Từ vật liệu mới này, Ngọc Diễm cùng nhóm đã tạo ra hàng loạt sản phẩm thân thiện với môi trường như: tấm lót ly, khay, chậu cây, bàn ghế mini, tượng thú cưng… Tất cả có thể được chế tạo với màu sắc đa dạng mà vẫn giữ cảm giác tự nhiên.
Với người dân địa phương, dự án của Ngọc Diễm mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động, từ thu gom nguyên liệu đến sản xuất sản phẩm. Đặc biệt tại Krông Bông, nơi nhiều lao động trẻ còn chưa định hướng nghề nghiệp, thì mô hình khởi nghiệp xanh này vừa gần gũi vừa dễ triển khai.
Ngọc Diễm không dừng lại ở quy mô hộ gia đình, cô đang từng bước mở rộng, kết nối với các công ty thiết kế nội thất, đơn vị sản xuất đồ gỗ để cung cấp vật liệu thay thế. Kế hoạch mở nhà máy tại Đắk Lắk và TPHCM đã được ấp ủ, đồng thời hướng đến đăng ký thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và tiếp cận thị trường xuất khẩu.
"Còn nhiều việc phải làm nhưng tôi tin, nếu mình giữ vững mục tiêu, luôn coi bảo vệ môi trường là nền tảng thì mình sẽ có những bước tiến vững vàng", Ngọc Diễm nói.
Bên cạnh phát triển sản phẩm, cô gái người Nùng này cũng chủ động tham gia các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tái chế tại trường học và cộng đồng, lan tỏa tinh thần sống xanh đến thế hệ trẻ vùng cao.
Với Ngọc Diễm, sự tự hào không đến từ doanh thu hay danh hiệu, mà từ khoảnh khắc được thấy sản phẩm làm từ bã cà phê quê nhà được người khác trân trọng sử dụng.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/khat-vong-song-xanh-nay-mam-tu-mot-that-bai-20250723185030788.htm
Bình luận (0)