Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khi đồng bào dân tộc thiểu số xuất khẩu lao động

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Minh Hóa đã quan tâm, tạo điều kiện cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sau một thời gian làm việc, nhiều lao động đã gửi tiền về cho gia đình xây dựng nhà cửa khang trang, trả hết nợ nần, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả…

Báo Quảng BìnhBáo Quảng Bình28/05/2025

 
Để người dân, nhất là đồng bào DTTS tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), hàng năm, UBND huyện Minh Hóa đề ra các chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đưa người dân đi XKLĐ và xác định đây là một tiêu chí để đánh giá trong năm.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Để đồng bào DTTS tham gia XKLĐ, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con. Trong đó, chú trọng nhân rộng các điển hình đầu tiên đi XKLĐ về quê làm ăn hiệu quả; tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giới thiệu, tư vấn thị trường lao động phù hợp... Từ đó, đồng bào DTTS hiểu được lợi ích của việc XKLĐ và chủ động đăng ký tham gia trong các đợt tuyển dụng”.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sau khi xuất khẩu lao động đã làm được nhà cửa khang trang.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sau khi xuất khẩu lao động đã làm được nhà cửa khang trang.
Đến nay, toàn huyện Minh Hóa có gần 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, có 70 lao động là đồng bào DTTS, tại các thị trường chủ yếu, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Từ nguồn tiền của những người đi XKLĐ gửi về, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ và phát triển kinh tế nông trại để tăng thu nhập. Từ đó, đời sống của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
 
Trọng Hóa là địa phương có con em đồng bào DTTS đi XKLĐ nhiều nhất huyện. Hiện, toàn xã có 36 người là đồng bào DTTS đi XKLĐ và hàng chục người lao động đang đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi chia sẻ: “Phần lớn người dân trong xã đi XKLĐ ở thị trường Nhật Bản và Đài Loan. Hiện, nhiều người đã gửi tiền về cho gia đình từ 20-25 triệu đồng/tháng. Con gái của tôi cũng đã XKLĐ sang Nhật Bản gần 2 năm và gửi tiền về đều đặn mỗi tháng 25 triệu đồng. Sắp tới, xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về XKLĐ để bà con mạnh dạn tham gia”.
 
Nhiều người Khùa tham gia XKLĐ thành công đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại xã Trọng Hóa. Ông Hồ Đeng, ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa vui mừng khoe: “Nhà tôi có 2 đứa con, 1 đứa cháu đi XKLĐ tại Đài Loan. Đứa đi trước gần 3 năm rồi. Sau khi làm có tiền, cháu hỗ trợ đứa khác cùng đi. Giờ cả 3 đứa có việc làm, thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí sinh hoạt, các cháu gửi về mỗi tháng 20 triệu đồng/người. Số tiền này, tôi sửa lại nhà cửa, mua bò, lợn về nuôi. Phần còn lại, tôi gửi ngân hàng tiết kiệm để khi các cháu về có vốn làm ăn”.
 
Tại xã Dân Hóa, nhiều hộ dân có người đi XKLĐ không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn đầu tư kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi hiệu quả. Anh Cao Thanh Tạo (vợ chồng anh Tạo là người dân tộc Chứt), ở bản Bãi Dinh tâm sự: “Vợ tôi đi XKLD sang Nhật Bản gần 3 năm. Nhờ có công việc ổn định, phù hợp nên mỗi tháng cô ấy gửi về 25 triệu đồng. Với số tiền đó, tôi đã sửa lại ngôi nhà, phần còn lại, tôi mở một cửa hàng bán tạp hóa và đầu tư trồng rừng kinh tế. Khi vợ về nước, chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh thêm nhiều mặt hàng để nâng cao thu nhập”.
 
Huyện Minh Hóa có trên 13.700 người là đồng bào DTTS; trong đó, có 2 dân tộc chính là Bru-Vân Kiều và Chứt, chiếm khoảng 23,2% dân số toàn huyện. Đồng bào DTTS sống tập trung chủ yếu tại 4 xã biên giới: Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn và Thượng Hóa. Năm 2025, huyện phấn đấu tạo việc làm cho 510 lao động là đồng bào DTTS, trong đó, khoảng 50 người được đi XKLĐ.

Đến thời điểm này, xã Dân Hóa có 20 người dân (phần lớn là đồng bào DTTS) đi XKLĐ sang các nước Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Ngoài ra, một số hộ có người sang nước Hàn Quốc lao động theo thời vụ cũng đã cho nguồn thu nhập khá. Những gia đình có người đi XKLĐ đều đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng thay đổi đáng kể.

Theo Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Hoàng Thanh Bình, trước khi XKLĐ, bà con được chính quyền phối hợp với các đơn vị liên quan đào tạo nghề, giúp cho người lao động có kiến thức và kỹ năng tham gia vào thị trường lao động; phối hợp với các đơn vị tư vấn XKLĐ có uy tín tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân đăng ký. Để người dân đi XKLĐ yên tâm làm việc, địa phương cũng luôn tạo điều kiện, hỗ trợ sinh kế, cây giống, vật nuôi giúp người thân ở nhà phát triển sản xuất; giúp đỡ, động viên lúc gặp khó khăn.
 
Người dân đi XKLĐ bước đầu đã có kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc, như: Bà con e ngại việc học tiếng nước ngoài, thi cử, kinh phí khá lớn; một số hộ không đủ điều kiện vay vốn để XKLĐ; tâm lý kén chọn thị trường lao động; kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành kỷ luật lao động có mặt còn hạn chế…
 
“Thời gian tới, UBND xã Dân Hóa sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn được tham gia XKLĐ bằng con đường hợp pháp. Trong đó, tập trung vào những đối tượng là bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, thanh niên có đạo đức, sức khỏe tốt. Xã cũng xem đây là một trong những mũi nhọn về phát triển kinh tế, giải quyết việc làm một cách hiệu quả, mang tính lâu dài”, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa Hoàng Thanh Bình chia sẻ.
Xuân Vương

Nguồn: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202505/khai-thac-co-hieu-qua-tiem-nang-loi-the-cua-dia-phuong-de-giam-ngheo-ben-vung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-khi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-xuat-khau-lao-dong-2226610/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm