Mô hình kinh tế do phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện cũng đa dạng và phong phú, từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản đến các loại hình kinh doanh. Điểm nổi bật là các mô hình đều phát huy tính tự chủ của hộ gia đình, trong đó người phụ nữ đã thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình, từ việc thay đổi nhận thức trong cách làm đến việc chủ động vận động chồng con, các thành viên trong gia đình tích cực, mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các hoạt động phát triển kinh tế. Ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với thất bại cũng là điều rất đáng được trân trọng đối với các chị em.
Tại Ba Chẽ, nơi có 80% dân số là người dân tộc ít người, việc vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội phụ nữ các cấp. Để cải thiện đời sống của chị em trong toàn huyện, Hội LHPN huyện Ba Chẽ đã thực hiện chuyển giao KHKT, đưa nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện các mô hình kinh tế gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện cho chị em vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương. Bên cạnh đó Hội LHPN huyện cũng luôn lắng nghe và tạo điều kiện cho những nhu cầu chính đáng của hội viên trong sản xuất, kinh doanh.
Chị Lan Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ: Được sự động viên của Hội Phụ nữ các cấp, chị em đồng bào DTTS rất mạnh dạn làm kinh tế. Từ những mô hình nhỏ đến mô hình lớn, chị em đều hăng hái học hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi trồng, mạnh dạn vay vốn làm ăn.
Trên cơ sở bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tập trung xây dựng những mô hình làm kinh tế có hiệu quả để tuyên truyền và nhân rộng trong các gia đình hội viên phụ nữ DTTS. Thông qua các tổ Tiết kiệm và vay vốn, nhiều chị em phụ nữ đã mạnh dạn đứng lên làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Chị Lý Thị Mai, xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) chia sẻ: Trước đây chỉ nuôi vài trăm con gà nhưng được sự hỗ trợ nguồn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN xã làm cầu nối, gia đình tôi đã phát triển đàn gà lên 1.000 con.
Tiếp tục triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, năm 2024, Hội LHPN các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện các hoạt hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chủ yếu tập trung triển khai các hoạt động ủy thác vốn vay, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm. Từ đầu năm 2025 đến nay, Hội LHPN các cấp đã phối hợp giải ngân vốn vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội lên tới trên 142 tỷ đồng cho 1.781 người vay. Nắm bắt nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ, các cấp Hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu việc làm.
Có thể thấy, sự phát triển kinh tế của phụ nữ Quảng Ninh hôm nay không chỉ là nỗ lực vươn lên của từng cá nhân mà còn có sự đồng hành chặt chẽ của Hội LHPN các cấp. Từ việc hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, Hội LHPN các cấp đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp chị em mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/khi-phu-nu-vung-cao-lam-kinh-te-3353479.html
Bình luận (0)