Một chiếc ôtô điện chạy lướt qua quán cà phê, hình ảnh quen thuộc tại TP. Long Xuyên thời gian gần đây
Từng con phố nhỏ, từng đường hẻm dẫn ra trục chính, từng phiên chợ sớm hay buổi tan trường đều thấp thoáng bóng dáng xe điện gọn gàng, nhẹ nhàng và có phần khiêm tốn. Thế nhưng, sự hiện diện ấy lại ngày càng rõ nét, nhất là từ năm 2024, người dân bắt đầu thấy những chiếc taxi điện màu xanh nõn chuối của taxi Nam Thắng lăn bánh trên đường phố Long Xuyên, Châu Đốc.
Bà Trần Thị Như Quỳnh (Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Nam Thắng Rạch Giá tại An Giang) cho biết: “Chúng tôi nhận thấy An Giang có tiềm năng lớn về vận tải hành khách, trong khi thị trường còn mới mẻ, chưa có doanh nghiệp nào đầu tư một cách bài bản cho taxi điện. Đây là cơ hội chúng tôi để đi trước, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”.
Nếu như doanh nghiệp là đầu tàu mở lối, thì chính người dân mới là những người “kéo” xe điện đi sâu vào đời sống. Tại phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), Trung tâm Xe điện Ngọc Phát đang chứng kiến một lượng khách hàng ổn định. Chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền (quản lý cửa hàng) chia sẻ: “Xe điện được chọn vì tiết kiệm và dễ sử dụng. Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ trung niên, học sinh, người lớn tuổi... thích dòng xe nhỏ gọn, không cần đổ xăng, không phải thay nhớt định kỳ. Một lần sạc chỉ tốn vài ngàn đồng cho 1kW điện”.
Dù xe điện hiện đại và thuận tiện, người tiêu dùng vẫn không tránh khỏi những va chạm thực tế trong quá trình sử dụng. Các lỗi như đứt sên, hư bình, hao pin vẫn xuất hiện theo thời gian. Tuy vậy, hệ thống sửa chữa, bảo hành đang hoàn thiện từng ngày. “Chúng tôi có dịch vụ đến tận nơi sửa xe cho khách. Bình ắc quy dùng từ 1 - 2 năm. Nếu cần thay, khách có thể chọn đổi bình cũ lấy mới để tiết kiệm chi phí. Mỗi bình khoảng 500.000 - 600.000 đồng, một xe dùng từ 4 - 5 bình tùy dòng” - chị Huyền cho biết.
Một lát cắt khác của bức tranh xe điện đô thị đến từ người dân, những người đang trực tiếp trải nghiệm sự thay đổi này. Anh Lê Phú Lộc (cư dân phường Mỹ Bình) cho biết, anh vẫn sử dụng cả xe xăng lẫn xe điện, tùy mục đích di chuyển. “Tôi đi xe điện trong nội ô vì tiết kiệm và nhẹ nhàng, cắm sạc tại nhà. Ban đầu, tôi lo lắng về pin, nhưng thực tế thì sử dụng rất ổn. Ai cũng thắc mắc: Xe chạy được bao xa, pin thay thế có tốn kém không, bảo hành thế nào. Nhưng với tôi, chi phí bảo trì thấp, bảo hành rõ ràng, các hãng cũng hỗ trợ đổi bình nên tôi thấy rất hợp lý” - anh khẳng định.
Anh cũng không giấu được lạc quan, nếu 5 năm nữa, phần lớn người dân đều chuyển sang xe điện thì đường phố chắc chắn sẽ sạch hơn, ít ồn hơn, không khí dễ chịu hơn. Dưới lớp vỏ yên ả của một đô thị tỉnh lẻ, xe điện đang lặng lẽ thay đổi thói quen di chuyển, cấu trúc chi tiêu và cả quan điểm sống của người dân. Từ tiếng động cơ nổ chuyển thành tiếng xe lướt nhẹ, từ chi phí xăng dầu sang chi phí sạc pin, từ nỗi lo bảo trì sang sự yên tâm về bảo hành. Từng chút một, thành phố đang chuyển mình không ồn ào, nhưng đầy kiên định.
Và trên những nẻo đường nhỏ của An Giang hôm nay, có lẽ điều khác biệt dễ nhận ra nhất, chính là sự yên tĩnh đáng quý, thứ âm thanh đặc trưng của một tương lai giao thông xanh đang cất bước vào đời sống thường nhật.
BÍCH GIANG
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/khi-xe-dien-len-loi-qua-tung-con-pho-a420410.html
Bình luận (0)