Các em biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. |
Đứng giữa những trái tim trong veo ấy, tôi tự hỏi: “Mình phải làm gì để gieo vào lòng các con những hạt mầm yêu thương?”
Tôi không chọn cách dạy bằng lý thuyết. Thay vào đó, tôi chọn kể những câu chuyện - thật và giản dị. Tôi chọn mở ra trước mắt các em những mảnh đời thiếu may mắn qua những thước phim ngắn, những bức ảnh về những đứa trẻ vùng cao không có dép đi học, hay bạn nhỏ cõng em lội suối đến trường. Những điều ấy nhằm giúp cho các em được cảm nhận, được sống, được chứng kiến những điều giản dị mà sâu sắc nhất về sự sẻ chia.
Những câu chuyện, những hình ảnh đầy cảm xúc còn được lồng ghép vào trong từng tiết học. Trong một tiết học môn Tự nhiên - Xã hội, tôi mở cho các em xem đoạn video về một bạn nhỏ cùng trang lứa đang cầm quyển vở rách nát, đứng nép sau cánh cổng trường. Khi ấy, cả lớp bỗng lặng đi. Rồi có tiếng xì xào: “Bạn ấy tội quá!”, với những đôi mắt đỏ hoe. Tôi bắt đầu đặt câu hỏi: “Nếu là các em, các em sẽ làm gì?”. Có em bỗng buột miệng và nói: “Cô ơi… con có mấy quyển vở mới ở nhà. Con muốn tặng bạn ấy!”
Câu nói hồn nhiên, chân thật ấy khiến tim tôi như thắt lại. Một tia sáng nhỏ, một sự lay động nhẹ nhàng - nhưng đủ để tôi biết: những hạt giống đầu tiên đã bắt đầu nảy mầm. Và thế là buổi học ấy trở thành một buổi trò chuyện đầy xúc động.
Hay trong tiết học Đạo đức, tôi không giảng giải lý thuyết khô cứng mà tôi tạo không gian cho các em vẽ tranh, kể chuyện, đóng vai… Tôi không kỳ vọng sự hoàn hảo. Tôi chỉ mong các em được sống trong không gian có thật nhiều tình cảm. Có em vẽ cảnh mình dắt bà qua đường. Có em kể chuyện bố nhường áo mưa cho người lạ. Và có em bẽn lẽn thú nhận rằng em từng nói dối mẹ, rồi hứa sẽ không bao giờ làm mẹ buồn nữa.
Từng hành động, từng việc làm nhỏ của các em biết thể hiện sự yêu thương, quan tâm người khác |
Từng chút một, từng hành động nhỏ, các em đang học cách trở thành những người tử tế.
Chúng tôi bắt đầu những hành trình yêu thương - không cần phải xa xôi. Là khi cả lớp góp tiền bỏ vào “heo đất yêu thương”, là khi các em cùng nhau gói ghém những quyển vở, chiếc áo ấm đã chật, để gửi đến các bạn vùng cao. Có em nhịn quà sáng, em khác gom từng đồng lẻ. “Con muốn bạn có đủ bút để viết”, một em nói khi được cô giáo khen. Trẻ con là thế - không màu mè, không giả tạo - nhưng lại có những suy nghĩ, những câu nói khiến người lớn cũng phải lặng người.
Tôi nhớ mãi buổi sáng trời mưa hôm ấy, khi cả lớp cùng đi thăm mái ấm nuôi trẻ mồ côi. Một cậu học trò nhỏ của tôi vốn tinh nghịch và hay trêu bạn, hôm đó bất ngờ cởi chiếc áo khoác đang mặc trên người, cúi xuống và khoác lên một em nhỏ ở đó. “Con sợ em lạnh, con cho em chiếc áo khoác của con”. Em nói một cách hồn nhiên mà chẳng cần chờ lời cảm ơn.
Tôi thầm nghĩ, có lẽ mình không cần phải dạy quá nhiều, chỉ cần tạo cơ hội để các em được chạm vào những câu chuyện thật, gặp những con người thật, trái tim các em sẽ tự khơi dòng yêu thương.
Không cần phải là những chuyến đi xa hay món quà lớn lao, đôi khi yêu thương chỉ đơn giản là những khoảnh khắc bình dị trong lớp học - nơi các em âm thầm nắm tay nhau vượt qua những bài toán khó, những con chữ lắt léo. Tôi đã từng bắt gặp cảnh hai bạn nhỏ cùng lúi húi trên một trang sách. Một em giảng đi giảng lại bài cho bạn, ánh mắt kiên nhẫn, tay chỉ từng dòng.
Những lúc ấy, tôi không cần nói gì cả. Bởi tôi biết: Lòng nhân ái không chỉ là cho đi một vật gì đó, mà còn là biết ở lại bên cạnh ai đó khi họ cần, dù chỉ là một cái gật đầu hay một ánh mắt hiểu nhau.
Trong không khí lớp học, tình bạn hiện diện ở mọi ngóc ngách: trên bảng đen, dưới hàng ghế, giữa tiếng phấn lạo xạo hay trong những dòng lưu bút cuối năm. Các em đã học cách không bỏ rơi bạn khi nhóm còn một chỗ trống, học cách nhường nhau trong từng trò chơi, từng giờ lao động. Và cả khi cùng tranh luận, các em cũng học cách lắng nghe, chấp nhận và bước tiếp với nhau - như những người bạn thực sự.
Có yêu thương nào sâu sắc hơn thế - khi những trái tim nhỏ biết cùng nhau cười, cùng nhau buồn, cùng nhau lớn lên?
Không dừng ở đó, chúng tôi còn cùng với phụ huynh mở rộng những trải nghiệm. Có em được đi cùng mẹ phát cơm từ thiện, có em dắt tay bà cụ hàng xóm đi chợ, có em đọc sách về những câu chuyện nhân ái rồi quay sang hỏi mẹ: “Nếu con là nhân vật ấy, con nên làm gì?”
Và rồi chính phụ huynh cũng trở thành người đồng hành. Họ khuyến khích con đọc sách, kể chuyện, tham gia việc nhà, đi cùng con đến những nơi cần sẻ chia.
Hành trình gieo mầm yêu thương của chúng tôi có sự đồng hành của phụ huynh. |
Kết thúc năm học, tôi không chỉ thấy học sinh của mình viết chữ đẹp hơn, làm toán giỏi hơn, mà quan trọng hơn cả, các em biết lan tỏa tình yêu thương một cách tự nhiên và ấm áp mà không cần ai nhắc nhở.
Giáo dục lòng nhân ái không phải là dạy cho các em những bài học khô khan. Đó là hành trình âm thầm gieo trồng, tưới tắm và chờ đợi. Đó là khi ta tin rằng, dù là một giọt nước nhỏ cũng có thể làm mát một vùng đất khô cằn.
Và tôi, người giáo viên đứng lớp đã nhận lại từ học trò mình món quà lớn nhất - đó là niềm hạnh phúc: Hạnh phúc lớn nhất của người thầy không phải là dạy trẻ trở thành người tài giỏi, mà là dạy các em trở thành người biết yêu thương.
CAO THÙY LINH
(GV Trường Tiểu học Trưng Vương, TP.Vũng Tàu)
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/khi-yeu-thuong-duoc-gieo-mam-1042782/
Bình luận (0)