CUNG ĐIỆN Á ĐÔNG GIỮA SÀI GÒN
Bảo tàng được xây dựng trên một khuôn viên lớn, khoảng 2.100 m2. Bảo tàng nằm đối diện với Đền Kỷ Niệm (nay là Đền Hùng Vương) - một kiến trúc thuần Việt, xây dựng năm 1926. Cả hai công trình đều do kiến trúc sư Auguste Delaval thiết kế.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với tháp hai tầng mang phong cách Á Đông
ẢNH: QUỲNH TRÂN
Nhìn từ xa, tòa nhà bảo tàng cho thấy phong thái tôn nghiêm, đường nét trầm mặc. Nổi bật ở trung tâm là một tháp hai tầng, gồm tầng dưới hình bát giác còn tầng trên hình lục giác, đều lợp ngói đỏ. Ngự tại đỉnh tháp là tượng một hồ lô lớn, tượng trưng cho Trời và Đất giao hòa. Đồng thời, nó cũng thể hiện quan niệm về sự Trường thọ và Đoàn kết theo thuật phong thủy.
Ở mỗi đầu hồi của mái ngói tòa tháp đều chạm hình mây nước, biểu hiện sự thăng hoa, theo kiểu mái đình chùa xưa của người Việt. Mặt khác, các cột kèo đỡ mái ngói đều sơn đỏ, giống như trong đền đài vua chúa. Phần nào đấy, tòa tháp của bảo tàng gợi nhớ dáng vẻ "lầu son, gác tía" của các tòa tháp tại Cung điện mùa hè Bắc Kinh. Tuy nhiên, tòa tháp không phải là tầng lầu riêng mà là nơi lấy sáng cho gian triển lãm bên trong tòa nhà, thông qua những cửa sổ lợp kính trắng.
Dưới tòa tháp là cổng chính - một khối kiến trúc lớn nhô ra uy nghi, được tạo dáng theo kiểu cổng vào các phủ đệ hay đền miếu trong Thành nội ở Huế. Nó có mái ngói kiểu Việt Nam che ngang mềm mại. Tên của bảo tàng được đắp nổi trong khung chữ nhật với các họa tiết hiện đại viền quanh, trình bày như một bức hoành phi lớn.
Chạy dọc hai mép tường cổng vào theo nguyên mẫu từng có hai hàng chữ Hán được khắc trên tường, xếp đặt như hai liễn đối. Phía bên trái là hàng chữ: Á Đông cổ đổng mỹ thuật kê thực học (ý nói đây là nơi nghiên cứu đồ xưa Á Đông). Còn bên phải là Việt Nam nhân chủng bác vật đắc kỳ quan (có nhiều vật quý về đất nước, con người Việt Nam). Để đến cổng vào, khách sẽ bước qua 9 bậc thềm ngắn bằng đá xanh. Con số 9 được coi là sự vĩnh cửu, trường tồn, hoặc trọn vẹn, viên mãn. Rất tiếc, hiện nay hai liễn đối này cùng một số tượng linh vật và các khẩu đại bác cổ đặt trước cổng vào không còn thấy nữa.
KHO BÁU VIỆT NAM VÀ QUỐC TẾ
Trong khi ấy, bốn cánh cửa sắt của cổng vào được đúc tinh xảo, với chấn song mang hình chữ Thọ cách điệu và hình các hoa văn cổ của Việt Nam. Bộ cửa gỗ của hai phòng làm việc sau cổng vào cũng là tác phẩm nghệ thuật, chạm khắc hình hoa trái. Qua cổng vào, khách đi đến gian triển lãm trung tâm hình bát giác, tương ứng với tòa tháp bên trên. Gian này thông với 10 gian triển lãm lớn nhỏ khác. Đáng chú ý, ở cánh trái và cánh phải của tòa nhà đều có hai sân trong - đóng vai trò giếng trời lấy sáng. Đồng thời đây cũng là không gian thư giãn, như trong các ngôi nhà, đền miếu xưa. Tòa nhà của bảo tàng xứng đáng là một trong những công trình thể hiện đặc sắc phong cách kiến trúc Pháp - Đông Dương ở Việt Nam.
Hiện có nhiều bảo vật quốc gia được lưu giữ tại đây thu hút du khách đến tham quan
Việc ra đời bảo tàng là cố gắng lớn của chính quyền thời ấy. Vào cuối thế kỷ 19, thành phố từng có một tòa nhà đồ sộ, dự kiến làm bảo tàng thương mại và nông nghiệp nhưng sau đấy lại chuyển thành trụ sở Dinh Thống Đốc (tòa nhà Dinh Gia Long, nay là Bảo tàng TP.HCM). Sang đầu thập niên 1920, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã thúc đẩy việc lập lại bảo tàng. Do vậy, sau khi khai trương một thời gian, tên ông được đặt cho bảo tàng để tri ân.
Trước khi có Bảo tàng Blanchard de la Brosse, Sài Gòn chỉ có một bảo tàng nhỏ, nơi lưu giữ sưu tập của Hội Cổ học Ấn Hoa, nằm trong tòa nhà số 8 đại lộ Norodom (Lê Duẩn). Tòa nhà là một kiến trúc Pháp rất đẹp nhưng vào năm 2016 đã bị đập bỏ để xây cao ốc, tuy nhiên hiện vẫn còn là đất trống. Bảo tàng Blanchard de la Brosse không chỉ là nơi lưu giữ các cổ vật Việt Nam mà còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm của một số nước châu Á như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản.
Vào giữa thập niên 1950, nơi đây chuyển thành Bảo tàng Quốc gia của miền Nam; sau tháng 4.1975, đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà nghiên cứu và du khách quốc nội cũng như quốc tế. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/kho-bau-chua-tung-co-o-nam-ky-185250418210133581.htm
Bình luận (0)