Theo tài liệu điều tra về địa chất, khoáng sản, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện được nhiều loại khoáng sản gồm: vàng, đá quý (sapphire, granat, opal…), thạch anh tinh thể, chì - kẽm, sắt laterit, felspat, đá vôi, đá hoa, đá ốp lát, than bùn, đá xây dựng, sét, cát xây dựng... Cụ thể, felspat được phát hiện ở các huyện Ea Kar, Ea H’leo (dạng điểm khoáng hóa). Đá làm vật liệu xây dựng thông thường phân bố hầu hết trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Cát xây dựng tập trung ở các sông Krông Nô, Krông Na, Krông Pắc, Ea H’leo, Krông Bông. Sét sản xuất gạch ngói có nhiều ở các huyện Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar, Cư Kuin, Lắk, Krông Bông. Than bùn có ở các huyện Cư M’gar, Krông Ana, Krông Pắc, Krông Búk, Krông Năng và rải rác ở một số huyện khác. Bên cạnh đó, chì được phát hiện ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo), thạch anh tại xã Ea Trul (huyện Krông Bông). Đá ốp lát phân bố khá nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Buôn Đôn. Sắt laterit tập trung tại các huyện Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, có trữ lượng khá lớn, hiện đã được khoanh định và công bố khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Ngoài ra, vàng được phát hiện tại địa bàn các huyện Ea Kar, M’Drắk, Ea H’leo, Krông Năng với quy mô nhỏ, chủ yếu dạng sa khoáng, chưa được điều tra đánh giá chi tiết.
Khu vực khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp tại xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Với tài nguyên khoáng sản phong phú là lợi thế để Đắk Lắk phát triển công nghiệp khai khoáng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2020 – 2024, UBND tỉnh đã cấp 16 giấy phép thăm dò khoáng sản cho các tổ chức, DN; cấp, gia hạn, điều chỉnh 37 giấy phép khai thác khoáng sản (KTKS). Ngoài ra, UBND tỉnh còn cho phép KTKS đi kèm đất tầng phủ làm vật liệu san lấp đối với 19 khu vực mỏ đá. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 70 giấy phép hoạt động KTKS còn hiệu lực, trong đó có 47 giấy phép hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 22 giấy phép hoạt động khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường, 1 giấy phép hoạt động khai thác sét sản xuất gạch ngói.
"Hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, kết cấu hạ tầng thông tin chưa tương thích nên việc quản lý, giám sát rất khó, dẫn đến tình trạng đối phó, né trạm cân, né camera” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường |
Loại khoáng sản chính là cát, đá làm vật liệu xây dựng thông thường, sét sản xuất gạch, đá ốp lát và đất san lấp mặt mặt bằng công trình. Các mỏ được cấp phép khai thác đều có quy mô nhỏ và vừa, diện tích khu vực khai thác từ 1,7 ha đến 51 ha; công suất lớn nhất 180.000 m3/năm; khu vực có trữ lượng được cấp phép khai thác lớn nhất là 2,4 triệu m3, nhỏ nhất 100.000 m3 khoáng sản nguyên khai.
Theo ông Hoàng Văn San, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, các điểm KTKS đều được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án phục hồi môi trường, nhưng số tiền ký quỹ bảo vệ môi trường ít, trong khi vòng đời của dự án thường khai thác 5 – 30 năm nên việc thực hiện không hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng KTKS trái phép diễn ra phức tạp, nhất là địa bàn giáp ranh, tuy nhiên hiện mới có quy chế phối hợp giữa tỉnh Đắk Lắk với Lâm Đồng, Đắk Nông mà chưa có ở cấp xã nên việc phát hiện, xử lý vấn nạn này gặp nhiều khó khăn. Đối với hoạt động khai thác sét sản xuất gạch ngói, do chưa có vật liệu thay thế hoàn toàn nên phải tiếp tục sử dụng gạch đất sét nung. Đến nay, quy hoạch các điểm mỏ Krông Ana, Krông Pắc có tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng chưa đầy đủ.
Trong khi đó, Sở Xây dựng cho biết, sản xuất vật liệu thủ công tại các lò gạch thủ công, các cơ sở khai thác thác cát, khai thác và chế biến đá xây dựng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái; trình độ cơ giới hóa thấp đã gây nên tình trạng lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải khoáng sản với những xe tải cỡ lớn là nguyên nhân làm hỏng hạ tầng giao thông, gây bức xúc trong dân về nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh thực tế một điểm khai thác đá tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông). |
Qua giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, KTKS trên địa bàn tỉnh vào tháng 3/2025 cũng cho thấy, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý hoạt động khoáng sản chưa chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót dẫn đến tình trạng khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép, khai thác ngoài ranh giới khu vực cấp phép còn diễn ra nhưng chưa được phát hiện kịp thời. Việc quản lý sản lượng hiện chủ yếu dựa trên báo cáo của các DN khai thác để tính thuế mà chưa phản ánh đúng khối lượng khai thác, đánh giá trữ lượng thực tế. Điều này tạo kẽ hở cho DN gian lận sản lượng để trốn thuế, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản. Bên cạnh đó, công tác tổ chức đấu giá 48 khu vực đấu giá quyền KTKS triển khai từ năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được, dẫn đến nguồn cung vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp trên địa bàn các huyện gặp nhiều khó khăn.
Đối với việc chấp hành của các DN hoạt động KTKS, có những đơn vị khai thác vượt công suất cho phép, khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm (đất san lấp) khi chưa được cơ quan chức năng cho phép; một số đơn vị không nộp báo cáo định kỳ hoạt động KTKS, không thống kê số liệu qua trạm cân, chưa lắp đặt trạm cân hoặc lắp đặt mang hình thức đối phó không sử dụng. Trong quá trình hoạt động, có những đơn vị làm ảnh hưởng đến môi trường, nhất là hoạt động khai thác cát đã làm sạt lở hai bên bờ sông, gây bức xúc trong nhân dân, xâm hại đến dòng chảy, tác động xấu đến môi trường; hoạt động khai thác sét không theo quy trình, quy định nên để lại các thửa ruộng có độ cao không đồng đều, địa hình trũng, gây ngập úng, không thể canh tác được. Chưa kể, tình trạng xe chở vật liệu, khoáng sản lưu thông trên đường với mật độ lớn gây hư hỏng tuyến đường nhưng không huy động được DN tham gia sửa chữa, khắc phục.
Minh Chi
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202505/kho-quan-ly-46017b8/
Bình luận (0)