Sáng 29/3, tại bến Bạch Đằng (quận 1), UBND TPHCM tổ chức lễ khởi công cầu đi bộ qua sông Sài Gòn dài 720m với tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành dịp 30/4/2026.
Tham dự lễ khởi công có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ: ''Hôm nay, trong không khí cả nước hân hoan hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta vui mừng, phấn khởi và long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn.
Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về kết nối giao thông, mà còn mang tính biểu tượng kết nối, mở rộng không gian phát triển khu vực trung tâm thành phố".
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tài trợ toàn bộ chi phí mà không kèm điều kiện. Ban đầu, dự kiến khởi công trước ngày 30/4/2025 và hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, lễ khởi công được tổ chức sớm hơn một tháng so với kế hoạch ban đầu.
Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn bắt đầu từ Công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) đến phía Nam quảng trường trung tâm Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Công trình có tổng chiều dài 720m, chiều rộng 6m-11m. Đặc biệt, cầu có nhịp chính vượt sông dài 187m, độ tĩnh không thông thuyền đạt 80x10m.
Vị trí xây dựng cầu nằm giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn. Đầu cầu phía quận 1 sẽ nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng, gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, cầu phía TP Thủ Đức sẽ nằm tại công viên bờ sông Sài Gòn.
Khoảng cách từ mực nước cao nhất đến gầm cầu (tĩnh không thông thuyền) là 10m. Phía quận 1, cầu dẫn và ram dốc dài khoảng 285m, rộng 6m, còn phía TP Thủ Đức sẽ có hai nhánh dẫn dài 290m và 165m.
Việc khởi công công trình hôm nay là một trong những hành động thiết thực nhằm chào mừng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước và là bước tiến mới, giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân; đồng thời tạo thêm các công trình điểm nhấn có giá trị đặc biệt trong quy hoạch TP.
Cầu được thiết kế với một làn riêng dành cho xe đạp, đồng thời có thể chịu được tải trọng của xe cứu thương tối đa 3 tấn. Hai bên cầu là dải đường dành cho người đi bộ, khách tham quan, chụp ảnh và nghỉ ngơi. Giữa làn xe đạp và làn đi bộ là dải phân cách mềm, có thể tháo lắp linh hoạt để chuyển đổi công năng, phục vụ tổ chức các sự kiện cộng đồng.
Cây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn ngoài mục tiêu về kết nối giao thông, còn hướng đến trở thành biểu tượng kiến trúc mới của TPHCM, mang giá trị gắn kết giữa hai không gian văn hóa lịch sử quận 1 và TP Thủ Đức. Đặc biệt, kiến tạo một không gian công cộng, thân thiện, an toàn, tiện nghi, thu hút người dân đến tham quan.
Theo đó, cầu sẽ được thiết kế với hình tượng lá dừa nước, một biểu tượng đặc trưng của miền Nam mang vẻ đẹp độc đáo và ấn tượng.
Ngoài hệ thống chiếu sáng hiện đại, cầu còn được trang bị mái che, hệ thống thoát nước và nhiều tiện ích khác nhằm đảm bảo sự an toàn, thuận tiện cho người dân.
Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2026. Trong thời gian thi công, các đơn vị liên quan cam kết đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến người dân vui chơi khu vực bến Bạch Đằng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/khoi-cong-du-an-cau-di-bo-1000-ty-dong-bac-qua-song-sai-gon-20250329110103953.htm
Bình luận (0)