Tour đêm Tiếng chuông Trấn Vũ (đền Quán Thánh) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Tuy nhiên, với kho tàng di sản phong phú, Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa phát triển và cần những giải pháp sáng tạo để khơi dòng nguồn lực quý báu này.
Hà Nội hiện là một trong hai trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của cả nước. Thủ đô không chỉ sở hữu các di sản văn hóa quý giá mà còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam và cầu nối giao lưu văn hóa của cả nước với khu vực và quốc tế. Với hơn 6.400 di tích lịch sử văn hóa, khoảng 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, 169 bảo vật quốc gia, 1.350 làng nghề thủ công, Hà Nội đã khai thác, tạo nên những sản phẩm công nghiệp văn hóa mang thương hiệu riêng. Điển hình, những tour đêm ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh… tạo sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch. Nhiều làng cổ, làng nghề được đưa vào các tour du lịch văn hóa, như: Làng cổ Đường Lâm, làng gốm Bát Tràng, làng tăm hương Quảng Phú Cầu… Sắp tới, làng Cựu (xã Chuyên Mỹ), làng vàng mã Phúc Am (xã Thường Tín)… cũng sẽ được khai thác trong các tuyến du lịch di sản mới. Bước đầu, thành phố đã có hoạt động hợp tác công-tư hiệu quả để xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa từ tài nguyên di sản. Năm 2019, Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Qua đó, nhiều di sản được khai thác một cách sáng tạo, góp phần định vị thương hiệu Hà Nội với tư cách Thành phố sáng tạo hàng đầu của cả nước.
Song, việc khai thác nguồn tài nguyên di sản vào phát triển công nghiệp văn hóa còn không ít hạn chế. Đáng chú ý, nhóm các di sản văn hóa phi vật thể vẫn chưa hình thành nhiều sản phẩm có sức hấp dẫn; khả năng thu hút nguồn lực đầu tư vào di sản để xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa chưa cao. Trong bối cảnh “thế giới phẳng”, công nghệ bùng nổ, việc khai thác di sản để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, mà còn giúp cho công tác bảo tồn di sản, nâng cao nhận thức của cộng đồng với di sản hiệu quả hơn nữa.
GS, TS Lê Hồng Lý (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nhận định, trong những tiềm năng về di sản, Hà Nội sở hữu một nguồn lực đặc biệt quý giá, đó là di sản ẩm thực. Gần đây, nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Hà Nội đã thưởng thức các món ăn, uống mang phong cách đặc trưng Việt, như: Bánh mì, bún chả, cà-phê, trà… là minh chứng cho sức hấp dẫn này; đồng thời góp phần quảng bá, lan tỏa nét đẹp văn hóa. Một ưu thế khác cần đẩy mạnh khai thác là không gian sáng tạo. Những Lễ hội Thiết kế sáng tạo trong các năm 2023, 2024 cho thấy thành phố có nhiều di sản kiến trúc - không gian sáng tạo có sức hấp dẫn cao. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp các cơ quan truyền thông, đại sứ quán, tổ chức quốc tế trên địa bàn cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để giới thiệu quảng bá, khai thác thị trường, phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến với các doanh nghiệp, tổ chức tại thị trường quốc tế và ngược lại.
Vấn đề mở rộng hợp tác quốc tế để khơi dòng cho nguồn lực di sản cũng được Tiến sĩ Bùi Văn Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hà Nội học (Trường đại học Thủ đô Hà Nội) nhấn mạnh. Thời gian qua, thành phố đã tăng cường, đồng thời tích cực thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực sáng tạo, nhất là với các thành viên trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, với mục tiêu trở thành kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.
Để hiện thực hóa thế mạnh này, Hà Nội cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng văn hóa, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động văn hóa. Việc quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc tế sẽ giúp Hà Nội nổi bật trên bản đồ văn hóa toàn cầu, thu hút du khách và nhà đầu tư. Hà Nội cũng cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nguồn nhân lực sáng tạo để có thể thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Nguồn:https://nhandan.vn/khoi-dong-nguon-luc-di-san-post891536.html
Bình luận (0)