Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khơi dòng phát triển từ nguồn vốn khuyến công

(Baothanhhoa.vn) - Hoạt động khuyến công tại Thanh Hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Với tổng kinh phí thực hiện chương trình khoảng 115,8 tỷ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công chiếm 25,6%, các đề án đã được triển khai hiệu quả, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa12/05/2025

Khơi dòng phát triển từ nguồn vốn khuyến công

Máy móc của Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí khuyến công.

Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương triển khai 85 đề án khuyến công, bao gồm hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ và máy móc thiết bị tiên tiến, tham gia hội chợ triển lãm và lập quy hoạch cụm công nghiệp. Đặc biệt, Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất chế biến lâm sản giai đoạn 2023-2025” đã giúp các doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ mới, mở rộng sản xuất và thị trường xuất khẩu.

Công ty TNHH Lâm sản Đại Phát có nhà máy tại xã Xuân Khang (Như Thanh) là một trong những đơn vị tiêu biểu được hưởng lợi và vận hành hiệu quả từ chương trình khuyến công. Năm 2023, công ty đã đầu tư một nhà máy trị giá gần 16,5 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để sản xuất gỗ ván ép. Hệ thống máy móc của nhà máy được đầu tư khoảng hơn 13,8 tỷ đồng, bao gồm nhiều thiết bị hiện đại như thiết bị nâng hạ, máy hút bụi mùn cưa công nghiệp, máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động... Trong đó, máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động là những thiết bị được hỗ trợ kinh phí từ chương trình khuyến công địa phương.

Giám đốc Công ty Vũ Đăng Bắc chia sẻ: “Nhờ hoàn thiện đồng bộ quy trình sản xuất, DN chúng tôi đã và trở thành đơn vị đầu tiên sản xuất thành công gỗ ván ép xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn, keo và gỗ tạp trên địa bàn tỉnh. Hiện công ty đã đạt tiêu chí cần thiết để ký hợp đồng trực tiếp với tập đoàn Nhật Bản với thời gian hợp tác dài dạn 10 - 15 năm".

Công ty TNHH Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn) hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản cũng đã được hỗ trợ đổi mới công nghệ sấy giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp hơn, đồng thời nâng cao năng suất trong sản xuất. Bên cạnh đó, công ty còn được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh doanh số. Giám đốc công ty Trịnh Đức Trọng, cho biết: “Việc được hỗ trợ đổi mới công nghệ sấy đã giúp chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đẹp hơn, đồng thời nâng cao năng suất trong sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, tiếp cận phương thức kinh doanh hiện đại trên các nền tảng thương mại điện tử".

Theo đánh giá của Sở Công Thương, chương trình khuyến công không chỉ hỗ trợ về mặt tài chính mà còn tạo điều kiện cho các DN tiếp cận với công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường. Điều này được khẳng định rõ rệt, khi cùng với nguồn vốn dẫn dắt hơn 29,6 tỷ đồng đã huy động thêm hơn 86 tỷ đồng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn. Thông qua việc hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, các DN đã từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

Khơi dòng phát triển từ nguồn vốn khuyến công

HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn được hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị chế biến nông sản thuộc Chương trình khuyến công địa phương.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến công thương Thanh Hóa Hoàng Xuân Phong chia sẻ: “Chúng tôi đã hướng dẫn các chủ thể về hồ sơ thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể tham gia chương trình khuyến công, ứng dụng máy móc vào sản xuất một cách hiệu quả. Cũng trong thời gian này, trung tâm đã hỗ trợ các DN tham gia hơn 10 hội chợ trong nước, tổ chức nhiều phiên chợ kết nối cung cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp DN tìm kiếm thêm khách hàng và thị trường mới”.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng một số nhiệm vụ khuyến công vẫn chưa được triển khai thực hiện như công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công nghiệp nông thôn và tại các cụm công nghiệp; hỗ trợ sản xuất sạch trong công nghiệp. Việc duy trì và phát triển một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với lực lượng lao động dư thừa tại nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục những tồn tại trên, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, nâng cao chất lượng hỗ trợ, hướng tới phát triển bền vững công nghiệp nông thôn trong giai đoạn mới; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn để bắt kịp yêu cầu mới.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/khoi-dong-phat-trien-tu-nguon-von-khuyen-cong-248434.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm