Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi nghiệp trên quê hương

BPO - Với tinh thần dấn thân và không ngại khó, nhiều cán bộ đoàn tại huyện Phú Riềng đã tiên phong khởi nghiệp trên chính quê hương mình. Họ mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả như vườn ươm cây giống, trồng trọt, chăn nuôi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, họ còn trở thành nguồn cảm hứng, lan tỏa tinh thần lập thân, lập nghiệp trong thanh niên, góp phần làm đổi thay diện mạo quê hương.

Báo Bình PhướcBáo Bình Phước27/05/2025

TIÊN PHONG TRÊN MẶT TRẬN KINH TẾ

Dưới cái nắng oi ả của vùng đất đỏ Long Bình, chúng tôi tìm đến vườn ươm cây giống dó bầu của anh Đào Duy Ninh, Bí thư Đoàn xã Long Bình. Với diện tích hơn 1.000m², vườn ươm xanh mướt này mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 100 ngàn cây giống chất lượng. Ở thời điểm hiện tại, giá bán dao động từ 6.000-7.000 đồng/cây, sau trừ chi phí mỗi cây lãi từ 2.500-2.700 đồng. Qua đó, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho một số đoàn viên tại địa phương.

Anh Ninh chia sẻ: “Ngoài công việc tại cơ quan thì phát triển kinh tế gia đình cũng là một phần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên. Tôi thấy rằng, khi tự mình nỗ lực làm kinh tế sẽ thúc đẩy sự trưởng thành toàn diện hơn, vừa cống hiến cho xã hội vừa tự chủ trong cuộc sống”.

Anh Đào Duy Ninh (bìa trái) khởi nghiệp từ sản xuất giống cây dó bầu, hằng năm xuất bán ra thị trường hàng trăm ngàn cây giống

Xuất phát điểm là một cán bộ đoàn gắn bó cơ sở, anh Ninh từng trăn trở khi thấy nhiều đoàn viên thiếu định hướng, ngại lập nghiệp tại quê nhà. Từ mô hình vườn ươm của mình, anh mong muốn tạo động lực, khuyến khích đoàn viên dám thử sức với nông nghiệp công nghệ cao, một hướng đi mới nhưng đầy tiềm năng tại địa phương.

Cũng tại xã Long Bình, một cán bộ đoàn khác là anh Phạm Hùng, Bí thư Chi đoàn thôn 6, đang từng bước khẳng định thành công với mô hình trồng sầu riêng. Từng có thời gian gắn bó với nghề nuôi dê, năm 2020, anh Hùng quyết định chuyển hướng sang trồng sầu riêng trên diện tích hơn 1 ha. Không ít người can ngăn vì cho rằng cây sầu riêng “khó chiều”, tốn công, đầu tư lớn, rủi ro cao. Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh vẫn vững bước theo đuổi hướng đi mình đã chọn. “Trước đây, khi em trồng sầu riêng rất nhiều người ngăn cản. Nhưng mình thích thì phải cố gắng. Người ta làm được thì mình cũng làm được, đã làm là phải học hỏi, nỗ lực đến cùng” - anh Hùng chia sẻ.

Sau gần 5 năm cần mẫn cải tạo đất, học hỏi kỹ thuật, chủ động theo dõi thị trường, năm nay vườn sầu riêng của anh Hùng vào vụ thu hoạch đầu tiên, dự kiến cho sản lượng khoảng 4,5 tấn. Đây không chỉ là kết quả của một vụ mùa mà còn là thành quả từ sự bền bỉ, tinh thần cầu tiến và lòng tin vào sự lựa chọn của chính mình.

LAN TỎA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP

Câu chuyện khởi nghiệp của các anh Đào Duy Ninh, Phạm Hùng không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là những “chất liệu sống” chân thực, giàu cảm hứng. Chính từ đó, tổ chức đoàn các cấp tại huyện Phú Riềng đã xây dựng được phong trào khởi nghiệp bền vững, lan tỏa sâu rộng đến đoàn viên thanh niên.

Chị Trịnh Thị Kim Oanh, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Riềng chia sẻ: Những năm gần đây, xác định khởi nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm, từ đó Huyện đoàn đã không ngừng đổi mới cách thức tổ chức hoạt động, đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, đồng thời chủ động kết nối hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn, khoa học - kỹ thuật và cơ hội thị trường.

Với tinh thần cầu tiến, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Hùng mạnh dạn chuyển đổi nuôi dê sang trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình

Chị Oanh khẳng định: “Có rất nhiều tấm gương là cán bộ đoàn chủ chốt ở các xã có mô hình khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình. Những mô hình đó đã được nhân rộng trong đoàn viên nông thôn. Nhìn vào các mô hình ấy, đoàn viên thanh niên sẽ học hỏi, tích cực tham gia tổ chức đoàn để được tiếp cận nguồn lực và kinh nghiệm thiết thực”.

Song song đó, Huyện đoàn Phú Riềng còn chủ động khảo sát thực tế, phối hợp cùng các ngành chức năng triển khai những chính sách hỗ trợ thanh niên làm kinh tế như: giới thiệu vốn vay ưu đãi, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, mở lớp khởi nghiệp tại chỗ, tổ chức hội thi ý tưởng sáng tạo trong thanh niên nông thôn... Qua đó, từng bước khơi dậy tư duy tự lực, chủ động làm giàu, đặc biệt trong nhóm thanh niên dân tộc thiểu số.

Hiệu quả dễ thấy nhất là ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn lập nghiệp tại chỗ. Không còn tâm lý “ly hương”, nhiều bạn trẻ ở Phú Riềng đang từng bước gây dựng tương lai ngay trên mảnh đất quê hương, với sự đồng hành thiết thực từ tổ chức đoàn. Anh Nguyễn Trung Thành ở thôn 4, xã Long Hà chia sẻ: “Trước khi thành công với mô hình nuôi dúi, tôi từng bôn ba nhiều nghề ở nhiều nơi. Nhờ trải nghiệm thực tế và được tổ chức đoàn hỗ trợ, định hướng, tôi nhận ra không gì bằng nỗ lực làm giàu trên chính quê hương mình. Ở Long Hà hiện nay, nhiều bạn trẻ cũng đã khởi nghiệp thành công theo cách riêng của mình”.

KHƠI DẬY KHÁT VỌNG LẬP THÂN, LẬP NGHIỆP

Có thể thấy rằng, điểm chung của các mô hình kinh tế do cán bộ đoàn huyện Phú Riềng khởi xướng không nằm ở quy mô hay vốn đầu tư lớn, mà chính là tinh thần tiên phong, bền bỉ và quyết tâm lập thân, lập nghiệp. Đó là hình ảnh những “thủ lĩnh đoàn” không ngồi chờ cơ hội mà tự tạo ra cơ hội, biến mảnh đất nắng gió thành cơ ngơi vững chắc cho chính mình và làm điểm tựa cho lớp trẻ.

Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên huyện Phú Riềng đang từng bước hình thành một hệ sinh thái bền vững với đầy đủ yếu tố: có mô hình điểm để học tập, có những cá nhân truyền cảm hứng, có tổ chức đoàn đồng hành và có chính sách hỗ trợ kịp thời. Đây chính là nền tảng quan trọng để tiếp tục khơi dậy khát vọng lập thân, lập nghiệp trong thanh niên nông thôn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong bối cảnh nông thôn đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thanh niên ngày càng có nhiều cơ hội để khẳng định vai trò của mình. Những mô hình như vườn ươm cây dó bầu, vườn sầu riêng sạch hay trang trại khép kín của cán bộ đoàn huyện Phú Riềng là minh chứng sống động cho năng lực thích ứng và tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ hôm nay.

Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ đoàn cơ sở tại Phú Riềng đã chủ động tìm hướng đi lập nghiệp ngay trên quê hương, không chờ điều kiện thuận lợi. Những mô hình kinh tế hiệu quả của họ không chỉ truyền cảm hứng cho đoàn viên thanh niên mà còn là nền tảng để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, với sự đồng hành của tổ chức đoàn và các chính sách hỗ trợ thiết thực.

Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Riềng TRỊNH THỊ KIM OANH


Được tổ chức đoàn định hướng và dẫn dắt, phong trào thanh niên khởi nghiệp tại huyện Phú Riềng không còn là hoạt động mang tính thời điểm. Thay vào đó, nó đang dần trở thành một dòng chảy bền vững, được nuôi dưỡng bằng niềm tin, sự đồng hành và những câu chuyện chân thực từ đời sống thanh niên cơ sở.

Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/5/173244/khoi-nghiep-tren-que-huong


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm