BPO - Anh Nguyễn Văn Sót, Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Chơn Thành khi cùng chúng tôi đi tham quan một số trang trại trên địa bàn của huyện vào những ngày cuối năm đã khẳng định: Với diện tích 7.000 ha cao su tiểu điền (chiếm ¼ diện tích cao su tiểu điền toàn tỉnh) và với giá cao su cao như hiện nay, các trang trại ở huyện Chơn Thành đều "ăn nên làm ra" và có nhiều dự tính mới cho năm 2004.
Những tỷ phú chân đất
(Báo Bình Phước, 16-1-2004)
“Vua mía” làm giàu nhờ bán giống dưa hấu
Từ Quốc lộ 13, đoạn thuộc thôn 3, xã Nha Bích (Chơn Thành), theo con đường đất đỏ gần 20km về với thôn 6, thôn có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số Khơ Me sinh sống từ lâu đời. Hai bên đường vào thôn 6 bạt ngàn những lô cao su nối tiếp nhau rải những thảm lá vàng của mùa thay lá mới. Anh Đinh Thanh Thảo, Phó chủ tịch Hội nông xã Nha Bích vui vẻ cho chúng tôi biết: Tất cả đều là cao su tiểu điền của những ông chủ trang trại đến lập nghiệp từ nhiều địa phương khác nhau. Họ đã góp phần phát triển KT- XH của một xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiếu số cao như Nha Bích.
Đến với trang trại của ông Vô Văn Quang có biệt danh “Vua mía”. Từ vùng chuyên canh trồng mía tỉnh Tây Ninh, ông Quang đến ấp 6, xã Nha Bích vào những năm 1990 với ước mong tìm vùng đất mới cho nghề trồng mía. Thế nhưng, cây mía cũng làm cho gia đình ông "tán gia bại sản” nhiều phen liên tiếp. Không nản chí, ông Quang bắt tay vào chuyển đổi cây trồng và quyết tâm bám trụ vùng đất màu mỡ, đầy hứa hẹn này. Từ thế mạnh của địa bàn bao xung quanh là con suối Xa Cát quanh năm có nước, ông Quang ngăn dòng giữ nước để nuôi cá nước ngọt. Sau đó ông đã mạnh dạn chuyển đổi 20 ha mía qua trồng cao su. Đến nay, trang trại của ông Quang có tổng diện tích 40 ha, trong đó 10 ha cao su đã cho khai thác năm thứ 2 được xen điều cao sản; 10 ha dưa hấu F1 lấy hạt cung cấp cho thị trường nhiều tỉnh từ Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước; 3 ha mặt hồ nuôi cá và phần diện tích còn lại trồng các loại cây rừng như xà cừ, keo lai. Thời điểm này mỗi tháng trừ chi phí sản xuất, ông Quang thu vào trên 50 triệu đồng lợi nhuận từ trang trại.
Tham quan các mô hình trồng trọt, chúng tôi được ông Quang giải thích: Mô hình điều cao sản xen canh năm nay đã bắt đầu cho quả bói vụ đầu tiên. Dự định sau 7 năm khi cao su bắt đầu mở miệng cạo, điều cao sản với các phương pháp cho ra quả nhiều trong một vụ mùa cũng đã tàn sức sẽ thanh lý để khai thác cao su. Với phương pháp này, đã tận dụng hết tiềm năng đất đai.
Chỉ cho chúng tôi cánh đồng dưa hấu 10 ha hút cả tầm mắt ông Quang say sưa: Hiện nay, chỉ riêng thu hoạch mỗi năm 3 vụ dưa lấy hạt giống với giá 1,8-2 triệu đồng/kg gia đình tôi cũng thu gọn chừng 200 triệu đồng. Cách đây 5 năm, cũng chính nhờ trồng dưa hấu để lấy hạt cung cấp cho thị trường có uy tín mà ông đã gây dựng được cơ nghiệp này. Vào thời điểm đó giá hạt giống trên thị trường còn ít ông Quang đã bán được từ 8-10 triệu đồng/kg, với thành công này đã giúp ông đứng vững vàng sau thất bại với cây mía. Ông Quang cho biết: Dự tính qua năm 2004, trang trại của ông sẽ trồng mới 10 ha cao su và xen điều cao sản, nuôi thêm các loại cá điêu hồng, rô phi, chép nâng sản lượng lên chừng 200 tấn và dự tính chỉ riêng thu hoạch cá các loại sẽ thu chừng 350 triệu đồng.
Ở tại thôn 6, trang trại có tầm cỡ như ông Quang không phải hiếm. Nhìn ra phía trước mặt là rừng cao su bạt ngàn của anh em ông Sáu Hổ có với diện tích lên đến 350-400 ha. Họ là những người lên vùng đất này lập nghiệp từ những năm còn tỉnh Sông Bé (cũ) có chính sách phủ xanh đồi trọc. Người Khơ Me ở ấp 6 trước đây cuộc sống quá nghèo nàn và lạc hậu, vì giao thông đi lại khó khăn, chỉ trồng lúa trên các bãi bồi ven suối Xa Cát. Cũng như các địa phương khác của xã Nha Bích, các trang trại ở đây chủ yếu của những người từ nhiều địa phương khác tới chí thú lập nghiệp. Họ vừa có vốn, vừa có trình độ khoa học kỹ thuật canh tác nên hiệu quả kinh tế cao. Cũng từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số vừa có công ăn việc làm vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các trang trại và không những xóa được cái đói, cái nghèo mà còn vươn lên làm giàu như Điểu Minh có trang trại hàng chục ha với nhiều mô hình lồng ghép hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng. Nếu theo con số thống kê, chỉ riêng xã Nha Bích có đến 58 trang trại, trong đó hơn 50% có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Các trang trại tích cực đóng góp vào việc làm đường giao thông liên thôn, cầu và tham gia các phong trào xã hội khi địa phương vận động.
GIẤC MƠ LÀM GIÀU TRỞ THÀNH HIỆN THỰC
Về với trang trại của anh Nguyễn Tiến Hành, ở ấp 3, xã Minh Thành và thật vui khi được tin vào thời điểm này, chỉ riêng 40 ha cao su đã cho khai thác, gia đình anh thu vào mỗi ngày 4 triệu đồng. Mỗi tháng trừ chi phí trang trại của anh làm ra gần 100 triệu đồng. Năm 2003, CLB trang trại ở Chơn Thành đã hỗ trợ trường THCS Minh Thành 10 máy vi tính để thành lập phòng vi tính cho học sinh của trường.
Quê ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1980 anh Hành vào Nam lập nghiệp với giấc mơ sẽ làm giàu từ hai bàn tay và khối óc trên quê hương mới. Và giấc mơ của chàng trai trẻ ngày nào nay đã trở thành hiện thực. Với nghề lái xe, anh Hành đã sống phiêu bạt nhiều nơi. Năm 1993, anh về Minh Thành lấy vợ và mê nghề mới "chủ trang trại”. Những năm đó với điều kiện đất đai thuận lợi, lại có phương tiện máy cày, xe vận tải vừa cày đất cho mình vừa mở rộng dịch vụ cho các trang trại, các hộ nông dân trong địa phương. Như có duyên với nghề mới anh liên tiếp thu được nhiều thành quả trên diện tích canh tác của mình. Trang trại của anh chủ yếu nằm ở ấp 2, cách nhà chừng 4km. Tại đây anh Hành có 50 ha cao su, trong đó chỉ có 10 ha chưa khai thác, 40 ha xà cừ, keo lai và 10 ha các loại cây khác. Trên diện tích trang trại của mình, anh Hành có nhiều ngôi nhà xây nhỏ, xinh để cho công nhân ở thuận lợi chăm sóc, khai thác vườn cây. Ở đây đã có nhiều gia đình làm công nhân cho anh từ 5-7 năm. Ngoài tiền lương tính theo khoán sản phẩm hàng năm anh còn lo tiền tàu xe cho công nhân về quê ăn Tết cùng gia đình.
Chỉ cho chúng tôi những cây cao su non mới đầy một năm tuổi xen giữa vườn nhãn 6 năm tuổi, anh Hành cho biết: Hai năm nay, giá nhãn xuống quá thấp nên anh đã quyết định trồng xen cao su vào 5 ha nhãn tiêu da bò để thay thế dần. Năm 2004, anh dự tính sẽ đầu tư mở thêm mô hình chăn nuôi bò. Qua kinh nghiệm làm trang trại, anh Hành cho rằng: Hiện nay những trang trại như của anh nhu cầu vay vốn không còn bức xúc. Ngân hàng cũng đã có nhiều cải cách về hồ sơ thủ tục thuận lợi cho người vay vốn rất nhiều. Nhưng để các trang trại có điều kiện phát triển Nhà nước cần tăng định mức tỷ lệ vay vốn, tài sản thế chấp lớn hơn. Khi Nhà nước chưa có khả năng trợ giá cho nông sản thì cần có định hướng, dự báo cụ thể để các trang trại chủ động đầu tư, tránh tình trạng phổ biến chặt cây này, trồng cây khác vì không hiệu quả. Cần có nhiều hình thức tổ chức như CLB trang trại để các chủ trang trại có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và hỗ trợ cho nhau trong sản xuất.
Rời các trang trại ở Chơn Thành trong những ngày giáp Tết chúng tôi mang theo niềm vui với những dự tính phát triển kinh tế trang trại trong năm 2004, với những ước mơ làm giàu chính đáng của những chủ trang trại "tỷ phú" trên mảnh đất miền Đông đất đỏ.
Hà Phương Thảo
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/173317/nhung-ty-phu-chan-dat
Bình luận (0)