Người dân xã Văn Hán thu hái chè VietGAP. |
Xã Văn Hán là một trong những địa phương có diện tích trồng chè và trồng rừng lớn của huyện Đồng Hỷ. Phần lớn các hộ dân đều phát triển kinh tế từ việc sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thị Phong, Bí thư Đảng ủy xã Văn Hán, cho biết: Để phát huy, khai tác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã xây dựng nhiều nghị quyết và đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế sát với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó chú trọng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ khoa - học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động các hộ dân đưa cây trồng có chất lượng vào sản xuất để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, tăng thu nhập cho bà con.
Để các nghị quyết về phát triển kinh tế đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách theo dõi từng chi bộ để nắm bắt tình hình, đôn đốc các xóm triển khai thực hiện các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế.
Đảng ủy xã Văn Hán cũng chỉ đạo UBND xã và các tổ chức đoàn thể phối hợp tốt với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương. Đối với các hộ dân, xã Văn Hán khuyến khích liên kết thành lập HTX, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế, những năm gần đây, sản xuất nông, lâm nghiệp ở xã Văn Hán đã từng bước phát triển theo hướng tập trung, mở rộng liên kết sản xuất và phát huy các sản phẩm chủ lực.
Đối với cây chè, xã đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi các diện tích chè kém hiệu quả sang trồng chè giống mới. Trung bình mỗi năm, toàn xã cải tạo được khoảng 20ha chè. Cùng với việc thay thế các giống chè cũ, nhiều mô hình sản xuất chè sạch cũng được triển khai, nhân rộng trên địa bàn xã nhằm nâng cao chất lượng chè.
Hiện nay, toàn xã có 6ha chè hữu cơ, 134ha chè VietGAP; 10 HTX và 21 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè; 8 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao.
Việc nâng cao chất lượng, giá trị của cây chè đã góp phần tích cực vào chỉ tiêu tăng thu nhập cho người dân xã Văn Hán. Chị Nguyễn Thị Vân, ở xóm Phả Lý, xã Văn Hán, cho biết: Gia đình tôi có gần 1ha chè được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Trước kia khi canh tác chè theo hướng cũ, chè chỉ bán được với giá khoảng 150 nghìn đồng/kg chè búp khô nhưng khi làm chè hữu cơ, chè sẽ có giá cao hơn từ 50-100 nghìn đồng/kg.
Trong phát triển kinh tế rừng, xã Văn Hán vận động người dân chú trọng công tác trồng, chăm sóc, phát triển rừng theo hướng trồng rừng gỗ lớn và được cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng.
Từ năm 2020 đến nay, xã Văn Hán đã trồng mới được trên 2.000ha rừng, trong đó, rừng gỗ lớn có khoảng trên 500ha. Toàn xã hiện có hơn 2.600ha rừng được cấp chứng chỉ sản xuất rừng bền vững; 8 xưởng chế biến gỗ với quy mô lớn.
Không chỉ chú trọng công tác lãnh đạo phát triển kinh tế từ trồng chè và trồng rừng, Đảng ủy xã Văn Hán còn xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây ăn quả trên địa bàn xã để đa dạng nguồn thu nhập cho nhân dân. Nghị quyết gồm những mục tiêu chủ yếu như: Xây dựng xã Văn Hán trở thành vùng cây ăn quả tập trung với quy mô lớn vào năm 2025; thu nhập từ cây ăn quả chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của xã; thành lập các tổ hợp tác, HTX tiến tới hình thành hiệp hội cây ăn quả xã Văn Hán...
Thực hiện nghị quyết, xã đã vận động người dân từng bước chuyển đổi các diện tích đất đồi, vườn tạp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả; thực hiện tốt các chương trình, dự án, mô hình phát triển cây ăn quả trên địa bàn.
Cùng với đó, Đảng ủy xã chỉ đạo các chi bộ nông thôn trực thuộc xây dựng nghị quyết lãnh đạo và quán triệt đầy đủ nội dung tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đến nay, toàn xã có khoảng 200ha cây ăn quả các loại đã cho thu hoạch. Với loại cây ăn quả chủ lực là cây bưởi, xã đã thành lập được HTX bưởi Văn Hán.
Từ việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả, các chỉ tiêu liên quan đến phát triển kinh tế ở Văn Hán hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo ở xã cũng giảm đáng kể, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở Văn Hán chiếm trên 18% thì nay giảm xuống còn 7%. Cuối năm 2021, Văn Hán được tỉnh công nhận là xã nông thôn mới nâng cao, về đích trước 4 năm so với kế hoạch đề ra...
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/khoi-sac-trong-phat-trien-kinh-te-o-van-han-65b1ba4/
Bình luận (0)