Với phương châm “đi cùng người dân mọi hoàn cảnh, phục vụ tận nơi, hướng dẫn tận tình”, NHCSXH chi nhánh tỉnh Tây Ninh cùng các phòng giao dịch trên địa bàn đã và đang từng bước khẳng định vai trò là cầu nối vững chắc giữa chủ trương, chính sách với người thụ hưởng.
Giao dịch tận nơi - Hướng dẫn tận tình
Ngay sau khi thực hiện sắp xếp lại địa giới hành chính, Phòng Giao dịch NHCSXH Châu Thành đã có nhiều điều chỉnh phù hợp để thích ứng với mô hình chính quyền hai cấp. Theo Phó Giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH Châu Thành Lại Thị Ngọc Hạnh, điều quan trọng là phải giữ vững mạng lưới điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), giúp người dân không bị gián đoạn hay nhầm lẫn trong quá trình giao dịch.
“Chúng tôi vẫn duy trì 14/14 điểm giao dịch xã như trước đây, không thay đổi về địa điểm, lịch làm việc cố định. Việc cập nhật lại địa chỉ hành chính mới được tự động thực hiện trên hệ thống, người dân không cần làm bất cứ thủ tục bổ sung nào” - bà Hạnh cho biết.
Hiện tại, toàn địa bàn có 330 tổ TK&VV đang hoạt động ổn định. Với mạng lưới này, người dân dù ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn chính sách ngay tại địa bàn sinh sống.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Châu Thành
Những “cánh tay nối dài” hiệu quả
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng người, đúng nhu cầu là sự phối hợp hiệu quả giữa NHCSXH và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Không dừng lại ở việc duy trì điểm giao dịch, Phòng Giao dịch NHCSXH Châu Thành còn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên để thông báo đến từng khu dân cư về lịch giao dịch, thủ tục hồ sơ, danh sách ấp trực thuộc. Điều này giúp người dân, nhất là những người lớn tuổi, không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, vẫn có thể nắm bắt đầy đủ thông tin vay vốn.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hảo Đước Nguyễn Thanh Ân cho biết: “Chúng tôi thông tin đến người dân những chủ trương, lịch làm việc của ngân hàng thông qua trưởng ấp, loa phát thanh, tổ TK&VV; đồng thời phối hợp xác nhận hồ sơ vay vốn để người dân không phải chạy qua nhiều cơ quan”.
Sự chủ động, linh hoạt và bám sát thực tế của địa phương đã mang lại sự an tâm cho nhiều người dân. Bà Nguyễn Kim Khanh (ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Hảo Đước) chia sẻ: “Qua sự hỗ trợ của tổ, hội phụ nữ và trưởng ấp, tôi được hướng dẫn tận tình để vay vốn tại điểm giao dịch gần nhà, không phải đi xa, không rườm rà giấy tờ”.
Ông Nguyễn Thanh Long (ngụ ấp Tầm Long, xã Hảo Đước) cũng không giấu được niềm vui: “Sau sáp nhập, tổ TK&VV vẫn ở chỗ cũ, cán bộ ngân hàng nhiệt tình hỗ trợ giấy tờ, nhờ vậy mà tôi tiếp tục vay vốn để phát triển chăn nuôi bò, gia đình có công ăn việc làm ổn định”.
Người dân giao dịch tại điểm giao dịch Trí Bình (nay là UBND xã Hảo Đước, tỉnh Tây Ninh)
Trong bối cảnh nhiều thay đổi về địa giới hành chính, sự chủ động, linh hoạt và tận tâm của các cán bộ NHCSXH và tổ chức nhận ủy thác là minh chứng rõ nét cho tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính điều đó đang góp phần đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến gần hơn với người dân – bằng tất cả sự chân thành và đồng hành lâu dài./.
Hải Đăng
Nguồn: https://baolongan.vn/khong-de-nguoi-dan-lac-dia-chi-vay-von--a198944.html
Bình luận (0)