Là một trong những reviewer (người đánh giá) ẩm thực đời đầu trên nền tảng mạng xã hội YouTube ở Việt Nam, Trần Văn Duy (SN 1982, Thái Bình) - Chủ kênh "Hà Nội Phố" từng thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi.
Tuy nhiên, vào đúng thời điểm kênh đang phát triển tốt, Trần Văn Duy phải trải qua một thời gian dài đối diện với vô số ý kiến trái chiều và làn sóng tẩy chay của cộng đồng mạng.
Kiếm tiền 4.0: "Duy Nến" từng là công nhân, làm lại từ khủng hoảng bó đũa (Video: Đoàn Thủy - Lê Đình Tùng).
Từ đầu năm 2021, cách làm nội dung của Duy bị dư luận cho là thiếu chuyên môn, thậm chí phản cảm. Những clip tưởng chừng rất đỗi bình thường như việc mua một bó đũa từ người bán rong hay trải nghiệm một món đặc sản của Hà Nội đã tạo ra làn sóng chỉ trích gay gắt vì những lỗi nội dung.
Sau 2 năm "vắng bóng", đầu năm 2024, Trần Văn Duy bất ngờ xuất hiện trở lại mạng xã hội trên một nền tảng mới - TikTok. Duy dùng chính cái tên đã từng gây tranh cãi để bắt đầu lại: "Duy Nến".
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, Trần Văn Duy đã có những chia sẻ thẳng thắn về chặng đường sóng gió từng qua để "sửa sai", tìm kiếm một cách làm nội dung "cân nhắc hơn" và phù hợp hơn với cả bản thân lẫn khán giả của mình.
"Duy Nến" từng là thợ sửa chữa máy khai thác mỏ
Cơ duyên nào đưa Duy đến với công việc reviewer?
- Trước khi làm nghề reviewer, tôi từng làm đủ thứ việc: Làm thuê ở công trường xây dựng, rồi đi sửa chữa máy khai thác mỏ, sau đó tự mở một quán cà phê nhỏ để kinh doanh.

Trần Văn Duy chia sẻ mình từng làm đủ thứ việc.
Làm thuê cho người ta rồi lại tự làm cho mình, đến bây giờ thì tôi vẫn luôn nghĩ rằng cuộc sống là vô thường. Mọi thứ đều có thể thay đổi và mình cũng phải thay đổi theo.
Nghề làm nội dung đến với tôi khá tự nhiên. Tôi không toan tính từ đầu. Chỉ đơn giản là tôi muốn ghi lại những điều mình thấy hay, những quán ăn bình dân, những con phố quen ở Hà Nội.
Tôi quyết định theo đuổi công việc hiện tại vì thấy nó hợp, vừa thoải mái, vừa cho tôi không gian sáng tạo mà quan trọng là vẫn có thu nhập để sống. Vậy nên tôi gắn bó với nó đến giờ.
Khủng hoảng "bó đũa"
Thời điểm kênh ở giai đoạn vàng cũng là lúc anh đối mặt với không ít ý kiến trái chiều. Tôi còn nhớ một giai đoạn mạng xã hội tràn ngập những video liên quan đến các nội dung như "bó đũa" hay "nến và cồn". Khi nhìn lại khoảng thời gian đó, anh cảm nhận như thế nào về chính mình?
- Đó là một bài học lớn đối với tôi. Từ trước đến giờ, tôi cũng cố gắng chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra nhưng đúng là chuyện gì đến thì vẫn sẽ đến.

"Cá nhân tôi nhìn lại, có những điều mình chưa làm tốt, mắc lỗi sai", anh Duy thừa nhận.
Tôi nghĩ đó là một phần mà bất kỳ ai làm nội dung cũng có thể sẽ trải qua - thời điểm mình không lường trước được phản ứng của cộng đồng.
Cá nhân tôi nhìn lại, có những điều mình chưa làm tốt, mắc lỗi sai.
Tôi không phải là một chuyên gia. Tôi chỉ làm nội dung bằng góc nhìn của một người bình thường như một vị khách hay một đứa trẻ. Có những lúc nói sai tên món ăn, có lúc đặt câu hỏi ngờ nghệch và khi mình chưa hiểu biết đủ thì việc xảy ra sai sót là điều khó tránh.
Từ sự cố đó, tôi nhận ra một điều: Khi đã làm nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt là khi có lượng người theo dõi lớn thì những gì mình chia sẻ sẽ ít nhiều tạo ra tác động. Nếu thông tin mình đưa ra không chính xác, sẽ gây tác động tiêu cực.
Làm nội dung không phải muốn nói gì cũng được. Chỉ một chút thiếu cẩn trọng thôi cũng có thể vô tình dẫn dắt người khác hiểu sai vấn đề.
Khi đối diện với làn sóng chỉ trích, có bao giờ anh nghĩ đến chuyện dừng lại?
- Khi gặp biến cố, tôi cũng tự hỏi lại mình: Liệu lựa chọn con đường này có sai không? Liệu mình có nên phản ứng lại như nhiều người khác vẫn làm? Nhưng rồi tôi nghĩ, đây là công việc tôi tự chọn và với ngành này tôi "sống" và phát triển nhờ khán giả.
Vậy nên tôi chọn im lặng để tiếp tục làm công việc của mình.
Sau những biến cố đó, tôi không dừng hẳn, chỉ tạm ngưng mảng review ẩm thực. Sau đó tôi chuyển sang làm nội dung về lịch sử và văn hóa dân gian. Những nội dung đó có nguồn gốc rõ ràng, ít rủi ro sai sót và cũng là một cách để tôi học thêm, rèn lại cách truyền đạt.
Tôi làm lịch sử khoảng hai năm, rồi đến năm 2024 thì quay trở lại trên nền tảng TikTok.
Một phần vì những video cũ được cắt lại, chia sẻ nhiều nên tôi được chú ý. Phần khác là vì TikTok là nền tảng dễ tiếp cận, phù hợp với kiểu làm của tôi. Có thể gọi là "vô tình nổi tiếng" lần nữa, nhưng tôi nghĩ, đơn giản chỉ là mọi người thấy lại hình ảnh quen thuộc và tiếp tục theo dõi.
TikTok với tôi là một nền tảng khá phù hợp để có thể thử sức thêm ở nhiều mảng khác như kinh doanh hay tiếp thị liên kết, vừa là cơ hội tăng thu nhập, vừa là cách để mình thay đổi. Tôi không muốn hôm nay vẫn giống hệt hôm qua.
Chữ "Nến" trong tên là bài học không thể xóa bỏ
Một vấn đề chắc khá nhiều người tò mò là vì sao anh lại chọn cái tên "Duy Nến" - vốn gắn liền với giai đoạn khủng hoảng để quay trở lại?
- Làm nội dung thì cũng cần một cái tên để người ta nhớ, để nhận diện. Tôi từng vô tình trở nên nổi tiếng với cái tên "Duy Nến" và tôi nghĩ, khi cái tên ấy đã gắn liền với mình rồi thì không có lý do gì để né tránh.
Quan trọng hơn, tôi giữ lại cái tên đó như một lời nhắc nhở cho chính bản thân mình.

Trần Văn Duy xem chữ "Nến" trong tên kênh TikTok là bài học cho chính mình.
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người nổi tiếng. Cái tên "Duy Nến" luôn khiến tôi nhớ rằng, mình cũng chỉ là Duy - một người làm nội dung, không phải ai đặc biệt.
Chữ "Nến" phía sau là phần tôi không thể xóa bỏ: Những lần sai, những hiểu biết chưa đủ, những điều từng gây tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ, chính sự thiếu sót đó lại có mặt tích cực vì khi mình biết mình thiếu thì mới có lý do để học thêm, hiểu sâu hơn và làm tốt hơn.
Cái tên ấy dạy tôi phải thận trọng hơn trong từng nội dung mình đưa ra. Qua những lời chỉ trích, tôi biết mình vẫn còn chưa đủ vững, chưa đủ giỏi và vẫn còn nhiều chỗ phải bù đắp.
Giữa lúc ai cũng làm nội dung ngắn, nhanh, "mì ăn liền", tại sao anh lại chọn cách làm nội dung "chậm" và "thơ"?
- Tôi không cố tình chọn phong cách gì cụ thể.
Khi cầm máy quay, tôi chỉ tập trung vào những gì đang diễn ra trước mắt, nói cái mình cảm nhận.
Ngoài đời, tôi cũng sống chậm như vậy - không vội, không nói nhanh, không gồng mình lên để giống ai đó. Mỗi người có một nhịp sống riêng, tôi chỉ đơn giản là giữ lấy nhịp của mình.


Tôi không phải nhà văn, không phải diễn giả, nên có lúc tôi nói vấp, có lúc lúng túng, chỉ là người có sự yêu thích với ngôn từ và "chất thơ".
Những sản phẩm, có lúc có sự chuẩn bị nhưng cũng có lúc là cảm xúc tự nhiên, tự "thả hồn" vào câu chuyện mình kể.
Tôi không chạy theo xu hướng. Trên kênh TikTok, tôi có ghi rõ: "Duy Nến chuyên Rì Vui mọi khoảnh khắc đời sống".
Tôi từng nghĩ đến việc làm theo trend, bắt nhịp với xu hướng. Nhưng nhiều trào lưu hiện nay xoay quanh việc tranh cãi, nói xấu, thậm chí gây sốc để được chú ý.
Còn tôi thì chỉ muốn ghi lại những điều mình thấy, mình gặp và thật sự cảm được. Vậy nên tôi cứ làm theo cách của mình, không chạy theo ai, cũng không thần tượng ai.
Về chuyện cân bằng giữa nội dung cá nhân và nội dung thương mại, thật ra tôi mới làm quảng cáo một thời gian gần đây. Những ai theo dõi lâu sẽ nhận ra video nào là có đặt hàng, video nào là tôi tự làm.
Nhưng dù là nội dung thương mại hay không thì khi review một thương hiệu hay quán ăn nào đó, tôi vẫn làm như một khách hàng bình thường - đến, trải nghiệm và ghi nhận lại.
Tôi không muốn biến nó thành quảng cáo quá đà hay sắp đặt gì cả. Còn ai muốn kiểm chứng thì có thể đến thử rồi cảm nhận theo cách của mình.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/kiem-tien-40-duy-nen-tung-la-cong-nhan-lam-lai-tu-khung-hoang-bo-dua-20250409235522126.htm
Bình luận (0)