Phát huy vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp tư nhân
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đối với ngành thép, thành phần kinh tế tư nhân thực sự đã lĩnh xướng vai trò đầu tàu trong việc đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực và hoạt động hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Tập đoàn Hòa Phát phấn đấu tháng 5/2027 có sản phẩm đường ray đầu tiên. Ảnh minh họa: Tập đoàn Hòa Phát |
Trước khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân, ngành thép chủ yếu dựa vào Tổng công ty thép Việt Nam và các công ty con. Do đó, quy trình sản xuất các sản phẩm thép còn thô sơ, manh mún, chất lượng chưa cao, sản lượng thấp. Trước năm 2000, tổng sản lượng thép thô của cả nước chỉ đạt khoảng 100.000 tấn/năm.
“Tuy nhiên, sau khi đổi mới và mở cửa, việc sản xuất thép và các sản phẩm từ thép đã có sự thay đổi rất đáng kể nhờ sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp tư nhân như Hòa Phát, Hoa Sen, Việt Đức... Với tiềm lực vốn có, các doanh nghiệp này đã tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến, hoàn thiện dây chuyền sản xuất thép với các nhà máy công suất lớn. Từ đó, cho ra các sản phẩm chất lượng cao và đa dạng chủng loại”- Cục Công nghiệp nhấn mạnh.
Báo cáo của Cục Công nghiệp chỉ ra, đến thời điểm hiện tại, vai trò của Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn được duy trì, song, thị phần và phân khúc thị trường đã giảm đáng kể, nhường chỗ cho sự chiếm lĩnh của khối doanh nghiệp tư nhân.
Năm 2024, riêng ba “đại diện” lớn của tư nhân Hòa Phát, Formosa và VAS Nghi Sơn đã sản xuất hơn 17 triệu tấn thép thô, gấp 5 lần sản lượng của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Đánh giá về ngành thép, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Công nghiệp - cho biết, trong hành trình nâng cao vị thế thép Việt trên thế giới, doanh nghiệp tư nhân đã thể hiện được khả năng nắm bắt cơ hội và điều chỉnh kịp thời để thích nghi với các tiêu chuẩn, yêu cầu gắt gao, từ đó vượt qua các thách thức, nhất là rào cản thương mại khi tiếp cận các thị trường khó tính.
Không dừng ở mở rộng sản lượng, doanh nghiệp tư nhân còn “đánh thẳng” vào giá trị gia tăng bằng đầu tư công nghệ. Từ thép cán tấm nóng, thép chất lượng cao, đến sản xuất tôn mạ - mắt xích tinh xảo trong chuỗi giá trị thép - đều ghi dấu ấn của các doanh nghiệp tư nhân.
Chẳng hạn, Hoa Sen Group năm 2023 chiếm 25,5% thị phần nội địa và hơn 30% xuất khẩu tôn mạ. Tôn Đông Á cũng vươn lên mạnh mẽ, chiếm khoảng 15,5% thị phần. 100% hoạt động sản xuất tôn mạ hiện do khu vực tư nhân đảm nhiệm và sản phẩm đã xuất hiện ở các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, ASEAN.
Mới đây, Hòa Phát và Tập đoàn Primetals vừa ký kết hợp đồng cung cấp dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao công suất 500.000 tấn/năm. Với dây chuyền này, Tập đoàn Hòa Phát sẽ đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao. Theo kế hoạch, dây chuyền cán dự kiến sẽ cung cấp những sản phẩm đầu tiên vào quý III/2026 và dây chuyền đúc sẽ được đưa vào vận hành vào quý IV/2026.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhấn mạnh: Đội ngũ Hòa Phát đã làm chủ công nghệ sản xuất được nhiều loại thép khó. “Thép làm tanh lốp ô tô khó 10 thì Hòa Phát đã sản xuất và cung cấp cho thị trường từ nhiều năm trước. Độ khó của thép đường ray ở mức 7,8. Do vậy, chúng tôi hoàn toàn tự tin cung cấp đầy đủ nhu cầu vật liệu sắt thép cho các dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Hiện tại, tập đoàn đã đàm phán xong với đối tác cung cấp dây chuyền đúc phôi bloom làm ray. Dự kiến trong tháng 5 sẽ ký hợp đồng dây chuyền cán ray và các loại thép đặc biệt. Trong năm 2027 dự kiến sẽ có sản phẩm ray”- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh.
Cần “lá chắn” từ chính sách
Cục Công nghiệp cho biết, theo mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành thép đang được Bộ Công Thương xây dựng, đến năm 2030, công suất sản xuất thép của các nhà máy luyện kim trong nước tăng lên để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đạt từ 40 - 45 triệu tấn mỗi năm; tốc độ tăng trưởng ngành thép bình quân hàng năm từ 5 - 7%; tiêu thụ thép 270 - 280 kg/người/năm.
Tuy nhiên, theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới, tăng trưởng tiêu thụ toàn cầu đến năm 2030 chỉ đạt khoảng 1 - 1,5%/năm. Mức dự báo tăng trưởng lệch pha giữa cung và cầu có thể là một mối e ngại cho sự phát triển ngành thép.
Bản chất là một ngành “dễ tổn thương”, thường xuyên phải chịu tác động tiêu cực từ biến động giá đầu vào cũng như rào cản phòng vệ thương mại của các nền kinh tế, ngành thép từ trước đến nay luôn có gánh nặng tồn kho. Nếu nhu cầu tăng trưởng chậm, sẽ xuất hiện tình trạng dư cung, tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong ngành.
Bên cạnh đó, khi cả thế giới đang hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, một ngành công nghiệp nặng như luyện thép cũng phải đối mặt với áp lực xanh hóa. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường.
Nêu giải pháp, ông Trần Việt Hòa cho biết, chính sách đầu tiên mà nhà nước cần chú trọng là phòng vệ thương mại. Bởi đây là chính sách chủ đạo để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước hàng hóa nhập khẩu ồ ạt hoặc bán phá giá. Hiện nay, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ với thép và các sản phẩm từ thép như tôn mạ. Điển hình như mới đây, bộ đã ban hành Quyết định số 914⁄QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc (cao nhất là 37,13%) và Hàn Quốc (cao nhất là 15,67%).
“Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần sớm vào cuộc để nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khoa học, kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa trong nước. Chúng ta cần có một chính sách phòng vệ đồng bộ, hiệu quả từ các bộ, ngành trong bối cảnh cạnh tranh ngành càng khó khăn như hiện nay để phát triển sản xuất trong nước, nhất là với ngành thép”- lãnh đạo Cục Công nghiệp chỉ ra.
Để ngành thép phát triển sâu hơn, Nhà nước cần hỗ trợ đổi mới công nghệ và chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Những năm gần đây, chính sách này đang được đẩy mạnh trên nhiều phương diện, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, hiện đại hóa sản xuất và xây dựng nền kinh tế số. Đặc biệt, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị có vai trò rất quan trọng và mang tính định hướng chiến lược đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong thời kỳ mới. Đây được xem là cột mốc lớn trong tư duy phát triển của Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp được xác định là trung tâm đổi mới sáng tạo, các chính sách sẽ hướng tới đối tượng doanh nghiệp nhiều hơn, cụ thể hơn.
Ngoài ra, một số chính sách về hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường hay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là các chính sách quan trọng cần thiết để phát triển sản xuất trong nước.
Để ngành thép phát triển bền vững và ổn định, Bộ Công Thương cho rằng, Nhà nước cần phải xây dựng chính sách đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thép, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Đồng thời có các chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để khuyến khích, thúc đẩy các dự án thép phát triển nhằm hình thành phát triển mạnh ngành luyện kim, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Nguồn: https://congthuong.vn/kinh-te-tu-nhan-luc-day-cho-nganh-thep-chuyen-minh-383779.html
Bình luận (0)