Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kinh tế Việt Nam: Nửa thế kỷ phục hồi và vươn mình hội nhập

(Dân trí) - Từ năm 1975 đến nay, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều dấu mốc quan trọng, bắt đầu từ việc khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh, bứt phá kinh tế nhờ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Báo Dân tríBáo Dân trí04/05/2025


1.webp

Từ năm 1975 đến nay, Việt Nam trải qua quá trình chuyển mình mạnh mẽ ở lĩnh vực kinh tế, từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giai đoạn 1976-1985: Khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh

Sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện 2 kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985).

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) - trong một bài nghiên cứu - cho biết giai đoạn này đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng. Đó là khắc phục từng bước những hậu quả nặng nề của chiến tranh; khôi phục phần lớn những cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam bị chiến tranh tàn phá...

Giai đoạn đó, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao.

Tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1977-1985 tăng 4,65%. Trong đó, nông, lâm nghiệp tăng 4,49%/năm; công nghiệp tăng 5,54%/năm và xây dựng tăng 2,18%/năm.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ này thấp và kém hiệu quả. Nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng (chiếm 38,92% GDP) nhưng chủ yếu dựa vào độc canh trồng lúa nước. Công nghiệp được dồn lực đầu tư nên có mức tăng khá hơn nông nghiệp, nhưng tỷ trọng trong toàn nền kinh tế còn thấp (chiếm 39,74% GDP), chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.

Thương nghiệp quốc doanh phát triển nhanh chóng, hợp tác xã tuy ở thời kỳ đầu xây dựng, nhưng đã có những bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường, nhờ đó hạn chế được nạn đầu cơ, tích trữ và tình trạng hỗn loạn về giá cả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội bình quân thời kỳ này tăng 61,6%/năm.

Kinh tế tăng trưởng chậm làm mất cân đối cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung. Đồng thời việc cải cách tiền lương vào năm 1985 là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá bán lẻ tăng rất cao. Bình quân giai đoạn 1976-1985, chỉ số giá bán lẻ tăng 39,53%/năm.

Ở miền Bắc, thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình công nhân viên chức tăng từ 27,9 đồng năm 1976 lên đến 270 đồng năm 1984. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của gia đình xã viên hợp tác xã nông nghiệp tăng từ 18,7 đồng lên đến 505,7 đồng. Tuy nhiên, do lạm phát cao, nên đời sống nhân dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Về phát triển công nghiệp, trong những năm đầu sau khi thống nhất, Việt Nam tập trung xây dựng nền công nghiệp xã hội chủ nghĩa với ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ.

2.webp

Từ năm 1975 đến nay, kinh tế Việt Nam trải qua nhiều dấu mốc quan trọng (Ảnh: Tuấn Huy).

Giai đoạn 1976-1980, Việt Nam triển khai xây dựng chủ nghĩa xã hội và công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Trong kế hoạch này, ngành công nghiệp đã có thêm 714 xí nghiệp quốc doanh, trong đó 415 xí nghiệp thuộc các ngành công nghiệp nặng. Công suất của nhiều ngành công nghiệp tăng lên rõ rệt: Thép tăng 40%, than tăng 12,6%, động cơ điện tăng gấp 3,87 lần, xi măng tăng 18,5%...

Đến giai đoạn 1981-1985, Nhà nước dành 38,4% vốn đầu tư cơ bản để xây dựng mới một số công trình trọng điểm như xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, giấy Bãi Bằng, thủy điện Hòa Bình, Trị An... Đến năm 1985, sản lượng điện cả nước đạt 456.500 kWh, xây mới 2188km đường dây tải điện, sản xuất hơn 2 triệu tấn xi măng, 58.400 tấn giấy...

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư cho công nghiệp thời kỳ này vẫn thấp, đầu tư nhiều nhưng tăng trưởng sản xuất chậm và không ổn định. Giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 58%, bình quân mỗi năm tăng 5,2%, trong đó năm 1981 tăng 1%.

Giai đoạn 1986-2000: Kinh tế bứt phá nhờ đổi mới

Trong thời kỳ này, Đảng và Nhà nước đã thực hiện đường lối đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đường lối đổi mới của Đảng nhanh chóng khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của các loại hình kinh tế để phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm cho xã hội.

Giai đoạn 1986-2000, tổng sản phẩm trong nước bình quân mỗi năm tăng 6,51%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%; khu vực dịch vụ tăng 6,66%. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2000, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,53% GDP, giảm 13,53 điểm phần trăm so với năm 1986; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,73%, tăng 7,85 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 38,74%, tăng 5,68 điểm phần trăm.

Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn, đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn. Ngành nông nghiệp đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định với tốc độ tăng bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1986-2000 đạt 11,09%. Sản lượng điện năm 2000 gấp 4,7 lần so với năm 1986; sản lượng xi măng gấp 8,7 lần; thép cán gấp 25,6 lần; thiếc gấp 3,6 lần. Sản lượng dầu thô đã tăng từ 41.000 tấn năm 1986 lên gần 7,1 triệu tấn năm 1994 và 16,3 triệu tấn năm 2000.

Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam từng bước mở cửa hội nhập với thế giới: Thiết lập quan hệ thương mại với nhiều nước, gia nhập ASEAN (1995) và ký kết nhiều thỏa thuận song phương, đa phương. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, với những mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, thủy sản và hàng may mặc, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

3.webp

Xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới (Ảnh: Hải Long).

Do sản xuất, kinh doanh hồi phục và có bước phát triển nên siêu lạm phát bước đầu đã được kiềm chế và đẩy lùi. Giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ mức tăng 3 chữ số mỗi năm trong 3 năm, 1986-1988, hai chữ số mỗi năm trong thời kỳ 1989-1992 đã giảm xuống chỉ còn tăng một chữ số trong thời kỳ 1993-2000.

So với tháng 12 năm trước, chỉ số giá tiêu dùng năm 1988 tăng 349,4%; năm 1992 tăng 17,5% và năm 2000 giảm 0,6%.

Thu nhập bình quân đầu người một tháng của dân cư tăng từ khoảng 1.600 đồng năm 1986 lên đến 295.000 đồng năm 1999.

Ảnh màn hình 2025-05-04 lúc 07.22.31.png

Giai đoạn từ 2001 đến nay: Hội nhập kinh tế quốc tế

Từ năm 2000, dưới đường lối lãnh đạo của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. 

Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) vào năm 2000, gia nhập WTO vào tháng 1/2007 và tham gia 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. 

Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, với Nhật Bản năm 2008, với Australia và New Zealand vào năm 2009, với Ấn Độ năm 2009. 

Sau đó, Việt Nam cũng đã ký 2 FTA song phương là FTA Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam - Chile năm 2011.

5.webp

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc (Ảnh: Hải Long).

Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001. Tốc độ tăng GDP tương đối cao, bình quân năm trong giai đoạn 2001-2010 tăng 7,26%. Trong giai đoạn 2011-2019, GDP tăng trung bình 6,3%/năm.

Năm 2008, nước ta ra khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp để gia nhập nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp. Đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.715 USD, gấp 15 lần năm 1990 (khoảng 181 USD). GDP bình quân đầu người theo số liệu của Cục thống kê đạt 4.700 USD, gấp gần 26 lần năm 1990.

Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành, trình độ công nghệ sản xuất, cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng lao động qua đào tạo của các ngành kinh tế đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Công nghiệp và thương mại Việt Nam cũng bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam chuyển mạnh sang phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, coi đây là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong lĩnh vực thương mại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đa dạng từ nông sản truyền thống đến điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép. Thương mại nội địa cũng phát triển mạnh mẽ với sự bùng nổ của bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử và các hệ thống logistics.

Ổn định vĩ mô: Nền tảng cho niềm tin đầu tư và hội nhập quốc tế

TS Châu Đình Linh - Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - nhận định trong thời gian đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các mặt trận kinh tế, xã hội và đối ngoại.

Theo đó, từ một quốc gia nông nghiệp thuần túy, Việt Nam đang chuyển mình thành nền kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập sâu rộng với thế giới và đặt nền móng cho một quốc gia phát triển bền vững, xanh và số hóa.

Một trong những nền tảng quan trọng giúp kinh tế Việt Nam giữ vững ổn định và thu hút đầu tư thời gian qua, theo ông Huân, chính là sự điều hành nhất quán, linh hoạt và phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. "Điều này tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế, góp phần giữ ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và duy trì dư địa tăng trưởng", ông Linh nêu.

Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, đồng thời nâng cao vị thế quốc gia thông qua các chuyến thăm cấp cao và các diễn đàn quốc tế.

6.webp

Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên các mặt trận kinh tế, xã hội và đối ngoại (Ảnh: Mạnh Quân).

Để phát triển bền vững và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, theo ông Linh, doanh nghiệp tư nhân cần được xác định là trụ cột trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia. Ông cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cần được đầu tư đúng mức, giúp các doanh nghiệp tư nhân vươn lên, cạnh tranh bình đẳng với khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp nhà nước, cần tiến hành cải cách mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực then chốt mà khu vực tư nhân không tham gia được. Trong khi đó, việc thu hút FDI cũng cần chọn lọc, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có khả năng liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, theo GS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) - Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình. Đây là thời điểm để đất nước tiếp tục tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đồng nghĩa với việc cần chuyển dịch mạnh mẽ từ mô hình tăng trưởng dựa trên nhân công giá rẻ sang mô hình dựa trên đổi mới sáng tạo và làm chủ công nghệ lõi.

Theo ông Huân, trước bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, chiến lược phát triển của Việt Nam cần dựa trên mô hình kinh tế linh hoạt, thích ứng tốt với các cú sốc. Theo đó, một nền kinh tế mở vừa đủ, kết hợp giữa tận dụng ngoại lực và phát huy nội lực là hướng đi bền vững. Thời kỳ "đổi đất lấy hạ tầng" đã dần khép lại, nhường chỗ cho mô hình tăng trưởng dựa trên tri thức, công nghệ và sáng tạo.

Chuyên gia kỳ vọng, nếu tận dụng tốt cơ hội và có chính sách phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có khả năng gia nhập nhóm 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự quyết liệt trong cải cách thể chế, đổi mới giáo dục, đầu tư vào R&D và đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển đột phá.

"Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một hành trình mới - hành trình không chỉ phát triển mà còn vươn lên mạnh mẽ, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ dân tộc trong kỷ nguyên số", vị chuyên gia nêu.

Dantri.com.vn

Nguồn:https://dantri.com.vn/kinh-doanh/kinh-te-viet-nam-nua-the-ky-phuc-hoi-va-vuon-minh-hoi-nhap-20250429090928341.htm





Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm