Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 27 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 - 18/4/2025): Ông Nguyễn Văn Lực được vinh danh Nhà bảo trợ tiêu biểu toàn quốc

(LĐ online) - Ngày 17/4, lễ khai mạc chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ XX, do Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây là một sự kiện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ những người khuyết tật và trẻ em mồ côi, giúp họ vượt qua khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng18/04/2025

Ông Nguyễn Văn Lực – Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng nhận bảng vàng vinh danh Nhà bảo trợ tiêu biểu toàn quốc của Trung ương Hội

Trong lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Lực – Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng là một trong số các điển hình được nhận bảng vàng vinh danh Nhà bảo trợ tiêu biểu toàn quốc.

Chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ 20 đã tiếp nhận 22 tỷ đồng từ các tổ chức và các nhà tài trợ trong và ngoài nước. Trong đó, ông Nguyễn Văn Lực - Nhà bảo trợ tiêu biểu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi Lâm Đồng đã trao bảng tài trợ 1,8 tỉ đồng cho lãnh đạo Trung ương Hội từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm Lâm Đồng ủng hộ chương trình.

Ông Nguyễn Văn Lực trao bảng tài trợ 1,8 tỉ đồng cho lãnh đạo Trung ương Hội từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm Lâm Đồng ủng hộ chương trình

Chương trình Một trái tim - Một thế giới thường niên được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), nhằm biểu dương, tôn vinh các tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu có nghị lực vươn lên, vượt qua khó khăn và thành công trong cuộc sống.

Đồng thời, chương trình cũng là dịp để tri ân những tấm lòng nhân ái đã đồng hành, gắn bó nhiều năm với người khuyết tật, trẻ em mồ côi, để những mảnh đời bất hạnh có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay, trên khắp mọi miền đất nước vẫn còn rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo đang cần sự trợ giúp của xã hội để vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, chương trình nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay góp sức giúp đỡ những số phận kém may mắn, quan tâm nhiều hơn nữa để người khuyết tật, trẻ mồ côi có thêm điều kiện phát triển bản thân, hòa nhập cộng đồng.

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng thăm HTX Vươn lên (Đức Trọng) - nơi tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật tại địa phương

Kỷ niệm 27 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 - 18/4/2025) là một dịp quan trọng để cả nước cùng nhau hướng về những người có hoàn cảnh đặc biệt trong xã hội, tôn vinh ý chí vượt khó và những đóng góp của họ; đồng thời, nâng cao nhận thức về quyền và nhu cầu của người khuyết tật trong xã hội hiện nay.

Sau 27 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ người khuyết tật như: Ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật, đặc biệt là Luật Người khuyết tật năm 2010; phát triển hệ thống giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; tích cực, hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm và khởi nghiệp cho người khuyết tật; có nhiều chính sách cải thiện khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, giao thông và thông tin dành cho người khuyết tật; định hướng phát triển chính sách bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ người khuyết tật nhằm hỗ trợ tối đa không gian phát triển dành cho người khuyết tật.

Trong tương lai, Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu xây dựng một xã hội không rào cản, người khuyết tật có thể phát huy tối đa tiềm năng và tham gia bình đẳng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các ưu tiên trong mục tiêu xây dựng một xã hội không rào cản bao gồm: Tăng cường đầu tư vào công nghệ hỗ trợ và công nghệ thông tin phục vụ người khuyết tật; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phục hồi chức năng; mở rộng cơ hội giáo dục và đào tạo nghề; xây dựng môi trường làm việc hòa nhập.

Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng trao vốn hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vươn lên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống

10 Chính sách của Nhà nước về người khuyết tật được quy định tại Điều 5 Luật Người khuyết tật năm 2010, cụ thể: Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật. Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi. Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật. Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ông Nguyễn Văn Lực – Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng tặng quà cho người khuyết tật

Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là khuyết tật nặng và đặc biệt nặng và là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Việt Nam rất quan tâm đến công tác người khuyết tật, tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp người khuyết tật có thể hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng. Hiện nay, hệ thống an sinh xã hội không ngừng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật, có trên 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng; trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; đối với trẻ em không có khả năng học hòa nhập được hỗ trợ học tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Toàn bộ lực lượng lao động là người khuyết tật (gần 4 triệu người) đã được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, sinh kế hoặc được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tự giải quyết việc làm. Họ cũng được quan tâm, ưu đãi khi tham gia giao thông, vào các khu vui chơi giải trí, các công trình văn hóa, di tích lịch sử được miễn, giảm giá vé...

Sự quan tâm đó đã hỗ trợ một cách tốt nhất cho người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống, tạo bình đẳng trong xã hội. Cũng chính vì vậy, đời sống của người khuyết tật Việt Nam đang ngày một cải thiện, quyền của người khuyết tật cũng dần được bảo đảm.

Trong thời tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm đạt được các mục tiêu bao trùm và hòa nhập đối với người khuyết tật; tăng cường trợ giúp về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tiếp cận công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông đối với người khuyết tật.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/ky-niem-27-nam-ngay-nguoi-khuyet-tat-viet-nam-1841998-1842025-ong-nguyen-van-luc-duoc-vinh-danh-nha-bao-tro-tieu-bieu-toan-quoc-8f52fa3/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân TPHCM háo hức xem trực thăng kéo cờ Tổ quốc
Hè này Đà Nẵng đang chờ đón bạn với những bãi biển đầy nắng
Dàn trực thăng huấn luyện bay kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc trên bầu trời TPHCM
Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm