Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ niệm 28 năm tái lập huyện Xuân Trường và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Xuân Trường tỏa sáng từ sức dân và hành trình xây dựng quê hương đáng sống

Giá trị riêng có và hành trình kiến tạo nông thôn đáng sống

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định10/04/2025

Nằm ở phía đông nam tỉnh Nam Định, huyện Xuân Trường có nhiều lợi thế về vị trí địa lý. Cách thành phố Nam Định khoảng 30km, tiếp giáp với tỉnh Thái Bình và các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, lại được bao bọc bởi các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, cùng hệ thống giao thông thủy - bộ kết nối liên hoàn nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đa ngành kinh tế nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Cảnh quan nông thôn mới huyện Xuân Trường.
Cảnh quan nông thôn mới huyện Xuân Trường.

Được tái lập từ năm 1997, với diện tích hơn 11.600ha và dân số gần 165 nghìn người (95% sống ở khu vực nông thôn), Xuân Trường không chỉ trù phú về nông nghiệp mà còn giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Đây là quê hương của nhiều nhà chính trị, quân sự, văn hóa lớn: Thiền sư Dương Không Lộ, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, Tổng Bí thư Trường Chinh, Anh hùng Lao động - Giáo sư Vũ Khiêu… Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng được mệnh danh là làng khoa bảng nổi danh cả nước, đã đi vào câu ca dân gian "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện" với 7 vị đại khoa, gần 97 cử nhân và 315 tú tài đã trở thành biểu tượng cho tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước và cách mạng.

Ở Xuân Trường có sự giao thoa đặc sắc giữa các tôn giáo và sự dung hòa giữa tôn giáo với tín ngưỡng dân gian, tạo nên những giá trị riêng trong đời sống văn hóa tinh thần. Qua đó phát huy được nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng, phát triển quê hương; những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc trở thành những Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt như Chùa Keo Hành Thiện, Tiểu Vương cung Thánh đường Phú Nhai, Tòa Giám mục Bùi Chu... tạo nên những không gian văn hóa đặc trưng và độc đáo.

Từ một huyện thuần nông, Xuân Trường đã và đang chuyển mình mạnh mẽ trong những năm qua nhờ kiên trì, quyết liệt theo đuổi mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu. Kể từ khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, huyện không ngừng đổi mới tư duy, phát huy nội lực và khai thác hiệu quả các tiềm năng. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; 7/13 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Thị trấn Xuân Trường đạt chuẩn đô thị văn minh, xã Xuân Phúc đạt chuẩn xã thông minh; 100% xóm đạt danh hiệu văn hóa; 140/167 khu dân cư, tổ dân phố kiểu mẫu. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024 và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía đông nam tỉnh Nam Định - một trung tâm phát triển bền vững, toàn diện với nền nông nghiệp hiện đại, hạ tầng đồng bộ và môi trường sống đáng mơ ước. Trong những năm gần đây kinh tế của huyện tăng trưởng gần 10%/năm, cơ cấu chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, xếp thứ hai toàn tỉnh, chỉ sau thành phố Nam Định, tạo nguồn lực phong phú cho xây dựng NTM.

Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục xã, thôn xóm, ngõ xóm được cứng hóa, sạch đẹp; đường nội đồng cứng hóa trên 81%, tạo thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống thủy lợi được đầu tư bài bản, bảo đảm 100% diện tích canh tác được tưới tiêu chủ động. Mạng lưới đê điều, trạm bơm, kênh mương hoàn chỉnh đảm bảo ứng phó hiệu quả với thiên tai. Toàn huyện có 245 trạm biến áp đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; hơn 95% đường làng có hệ thống chiếu sáng công cộng, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại.

Hạ tầng thương mại - dịch vụ phát triển mạnh mẽ với 16 chợ truyền thống và hơn 2.000 cửa hàng, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Nhiều thương hiệu lớn như Điện máy Xanh, FPT, Home Center đã hiện diện tại địa phương, thúc đẩy tiêu dùng và tiêu thụ nông sản. Hệ thống thông tin - truyền thông phủ sóng toàn huyện với 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 8. Mạng viễn thông - internet tốc độ cao, hơn 300 điểm wifi miễn phí, 542 cụm loa truyền thanh cùng mô hình đài thông minh ở nhiều xã giúp nâng cao hiệu quả thông tin và điều hành. Xuân Trường cũng là điểm sáng về phát triển hạ tầng dân sinh - môi trường. 100% địa bàn được cung cấp nước sạch, 98,27% số hộ dân được sử dụng nước đạt chuẩn. Công tác thu gom, xử lý rác thải đạt 99%, với nhiều mô hình tiên tiến như “công viên môi trường”, phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa. Huyện đang chuyển hướng liên kết xử lý rác tập trung theo vùng theo quy hoạch chung, thể hiện tầm nhìn dài hạn. Hạ tầng y tế cơ sở được đầu tư toàn diện. Đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo nâng cao trình độ, trang thiết bị hiện đại, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95%. Trung tâm Y tế huyện có khu kỹ thuật cao, hệ thống chạy thận, chụp CT tiên tiến; các trạm y tế xã được cải tạo, nâng cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngày càng hiệu quả, góp phần đảm bảo mục tiêu “sống khỏe - sống xanh - sống hiện đại” ngay từ vùng nông thôn. Chất lượng cuộc sống không ngừng nâng cao, 100% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà tạm, dột nát. Thu nhập bình quân toàn huyện đạt 84,33 triệu đồng/người/năm, trong đó xã Xuân Phúc dẫn đầu với 91,01 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mạnh còn 0,74%; lao động qua đào tạo đạt 87,65%, vượt tiêu chí đề ra. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo nền tảng ổn định cho Xuân Trường tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Tư duy phát triển mới: Từ sản xuất nông nghiệp đến kinh tế nông thôn hiện đại

Một trong những bước chuyển mang tính đột phá của Xuân Trường là thay đổi tư duy phát triển từ kinh tế thuần nông sang xây dựng nền kinh tế nông thôn toàn diện, bền vững. Triển khai quyết liệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện tập trung phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Đến nay, 100% số xã có HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, cung cấp trung bình 4-5 loại dịch vụ nông nghiệp thiết yếu. Hơn 30% sản lượng nông sản chính được tiêu thụ qua hợp đồng liên kết - tạo đầu ra ổn định, nâng giá trị sản xuất. Huyện đã hình thành được 29 mô hình liên kết với quy mô 627,6ha, tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình VietGAP; mô hình liên kết sản xuất cá trắm đen cắt khúc (OCOP 3 sao) tại Xuân Vinh, Xuân Phúc có mã QR truy xuất nguồn gốc. Các tổ khuyến nông cộng đồng tại 13 xã hoạt động tích cực, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng mô hình canh tác an toàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Toàn huyện có 73 cánh đồng lớn/hướng cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.900ha (chiếm 55% diện tích gieo cấy); hơn 100 tổ chức, cá nhân đã tích tụ 850ha đất nông nghiệp - hình thành các vùng sản xuất quy mô, áp dụng cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch, sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV hiện đại.

Sản xuất nông nghiệp của huyện Xuân Trường đã tạo bước đột phá trong tích tụ ruộng đất và sản xuất quy mô lớn.
Sản xuất nông nghiệp của huyện Xuân Trường đã tạo bước đột phá trong tích tụ ruộng đất và sản xuất quy mô lớn.

Xuân Trường đang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, với 109ha đạt hiệu quả kinh tế gấp 1,5-2,5 lần. Năm 2024, huyện triển khai 13 mô hình sử dụng kinh phí bảo vệ đất lúa, hơn 400ha ứng dụng phân hữu cơ vi sinh và giống mới. Huyện hiện có 20 vùng sản xuất theo chuỗi, tiêu thụ 5.381 tấn thóc, tổng giá trị đạt hơn 80 tỷ đồng. Chương trình OCOP phát huy hiệu quả, thúc đẩy khởi nghiệp, nâng tầm nông sản địa phương. Toàn huyện có 54 sản phẩm OCOP được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tại 14 xã, thị trấn, trong đó 10 sản phẩm gắn với các mô hình kinh tế tiêu biểu tại các xã Xuân Phúc, Xuân Vinh, Trà Lũ… Nhiều doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào nông nghiệp công nghệ cao như JAPFACOMFEED, Fukyo, Cường Tân, Xuân Trường… tạo bước đột phá trong thuê mượn, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Các mô hình tiêu biểu như: sản xuất giống lúa F1 tại Xuân Ninh (liên kết 13 nhóm hộ), trang trại lợn 2.000 con ở Xuân Thượng (doanh thu 40 tỷ đồng/năm), nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ 4.0 của ông Trần Thanh Năm (3 sản phẩm OCOP 3 sao), HTX Xuân Hòa (doanh thu 31,5 tỷ đồng/năm; 3 sản phẩm OCOP 3 sao) là những minh chứng sống động cho kinh tế nông thôn năng động và hiệu quả.

Cùng với đổi mới kinh tế nông nghiệp, Xuân Trường xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề là động lực phát triển quan trọng. Các làng nghề truyền thống như điêu khắc Trà Lũ, dệt chiếu Xuân Dục, cơ khí Xuân Phúc… được bảo tồn, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững. Huyện có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 7.700 lao động; 5 làng nghề tiêu biểu duy trì việc làm cho 2.650 người, thu nhập của người lao động ổn định 7-12 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 12.338 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,1-13,5%/năm. Các doanh nghiệp như May Sông Hồng, Axuzu, Tân Thiên Phú, Đình Mộc… góp phần định hình thương hiệu, bản sắc kinh tế địa phương. Huyện đang xúc tiến quy hoạch và đầu tư các cụm công nghiệp mới như Thượng Thành, Xuân Kiên, Xuân Tiến 2, Nam Điền… dự kiến vận hành giai đoạn 2025-2030 mở ra triển vọng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững.

Sức dân là nền tảng - Đồng thuận là chìa khóa thành công

Đồng chí Trịnh Văn Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Thành công của Xuân Trường hôm nay là kết quả của sự đồng lòng, quyết tâm từ cấp ủy, chính quyền đến từng người dân. Từ năm 2018-2024, Xuân Trường đã huy động hơn 3.085 tỷ đồng xây dựng NTM nâng cao (tăng gần 1,6 lần so với giai đoạn trước); trong đó, vốn tín dụng chiếm 51,01%; người dân tự nguyện đóng góp gần 567 tỷ đồng, chiếm 18,37%, thể hiện rõ tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”. Các nguồn lực được phân bổ công khai, minh bạch, tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như trường học, giao thông, thủy lợi, trạm y tế, phát triển sản xuất… Đến cuối năm 2024, Xuân Trường không còn nợ đọng xây dựng cơ bản, đã minh chứng cho sự quản lý hiệu quả, điều hành quyết liệt của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt, phát động và lan tỏa các phong trào thi đua sâu rộng như “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”… Từ phong trào trồng cây, làm đường hoa đến xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh đã biến từng ngõ xóm thành những cung đường rực rỡ sắc hoa, xanh mát bóng cây, lung linh ánh đèn về đêm - góp phần định hình diện mạo NTM hiện đại, đáng sống. Toàn huyện có trên 2.209 tuyến đường xanh - sạch - đẹp, gần 95% tuyến xã, thôn có hệ thống chiếu sáng; 100% địa phương xây dựng tuyến đường do đoàn thể chăm sóc; 26,3/29,3km đường huyện đã được phủ xanh, đạt 89,76%. Các trục giao thông chính như Quốc lộ 21, các tỉnh lộ 488, 489, Xuân Thủy - Nam Điền… được chỉnh trang đồng bộ, hài hòa với thiết kế cảnh quan nông thôn kiểu mẫu - tạo nên những “mạch xanh” nâng tầm không gian sống. Phong trào xây dựng NTM nâng cao được lan tỏa mạnh mẽ từ “nhà ra ngõ, từ ngõ ra xóm”, thu hút sự tham gia tự giác của người dân với hơn 83 nghìn m2 đất hiến tặng, gần 23 nghìn ngày công. Với trên 30% dân số là đồng bào giáo dân, Xuân Trường đã phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Các xứ, họ đạo như Phú Nhai, Kiên Lao, Lạc Thành… là những điển hình tiêu biểu trong các phong trào khuyến học, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng cảnh quan môi trường, lan tỏa nét đẹp văn hóa “sống tốt đời, đẹp đạo”.

Thời gian tới, khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, các địa phương ở Xuân Trường vẫn kiên trì con đường xây dựng NTM, coi đây là quá trình không có điểm kết thúc, gắn công nghiệp hóa, xây dựng đô thị văn minh, giữ gìn bản sắc và bảo vệ môi trường. Với quan điểm phát triển “lấy người dân làm trung tâm” - dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng - chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai mạnh mẽ ở từng địa phương trở thành động lực nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững. Xuân Trường dự kiến đặt mục tiêu đến hết năm 2025: có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 10-15 xóm kiểu mẫu; thu nhập bình quân vượt 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 0,7%; BHYT đạt trên 95%; lao động qua đào tạo trên 87%; giá trị sản xuất đạt trên 272 triệu đồng/ha. Hướng đến 2030, phấn đấu 100% xã, xóm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân trên 160 triệu đồng/người/năm; toàn bộ rác thải được xử lý đúng quy định; giá trị sản xuất/ha canh tác vượt 300 triệu đồng.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đó, các địa phương của huyện Xuân Trường sẽ tiếp tục tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện quy hoạch, kết nối hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng thiết yếu, chuyển đổi số, giáo dục và y tế; phát triển sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh, sản phẩm OCOP; bảo tồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

Nguồn: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202504/kyniem-28-nam-tai-lap-huyen-xuan-truong-va-don-nhan-bang-cong-nhan-huyen-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-xuan-truong-toa-sang-tu-suc-danva-hanh-trinh-xay-dung-que-huong-dang-song-1003afe/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm