4 chiến sĩ trẻ - nhân vật chính của bộ phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy”.
Lần đầu tiên xem bộ phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy” (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất), tôi đã khóc rất nhiều. Dựa trên nội dung cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, bộ phim tái hiện lại “mùa hè đỏ lửa” năm 1972 với trận chiến khốc liệt của quân giải phóng diễn ra trong 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nhân vật chính trong phim là Hoàng, Thành, Thăng, Long - bốn chàng sinh viên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã tạm gác lại việc đèn sách, khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Mạch phim bám theo ký ức của Hoàng – người duy nhất trong 4 chàng sinh viên lúc bấy giờ may mắn sống sót trở về từ cuộc chiến.
“Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm...” - bộ phim mở đầu bằng hình ảnh những người cựu binh tóc đã bạc, khóe mắt, miệng cười đã in hằn nếp nhăn thời gian, trên ngực đỏ huân, huy chương đứng ngay ngắn trước trận địa Thành cổ rực lửa khi xưa, mắt nhìn xa xăm như rọi vào ký ức.
Ký ức ùa về, ngày Hoàng, Thành, Thăng, Long trước khi lên đường nhập ngũ đã rủ nhau chụp ảnh lưu niệm. Tiếng cười đùa, chọc ghẹo bông lơi của những chàng trai trẻ 18, đôi mươi khiến người thợ chụp ảnh không kìm được mà buông câu cảm thán rồi miễn phí luôn tiền chụp ảnh. 4 cậu nét mặt hồn nhiên, vui vẻ làm động tác chào của những người lính và hứa: “Ngày toàn thắng chúng cháu sẽ ra đây chụp nữa”. Nhưng hiện thực khốc liệt của cuộc chiến, ai biết ngày mai sẽ ra sao... Bốn chàng trai cùng viết tên mình lên tấm bảng đen trên giảng đường cùng dòng chữ: Tạm biệt giảng đường - Ngày 6/9/1971.
Cảnh phim lướt nhanh theo những chiếc xe chở hàng trăm lính trẻ lên đường ra mặt trận. Đó là những chàng trai căng tràn sức sống, đa tài và đầy mộng mơ, lý tưởng. Cả cung đường rộn vang tiếng cười nói, tiếng đàn hát và cả tiếng chỉ huy “thiết quân luật”, “rèn cán, chỉnh quân”. Đoàn xe đi đến đâu cũng nhận được sự chào đón nồng nhiệt, thân tình của Nhân dân địa phương. Ngày bước chân ra đi, ai cũng biết chiến trường đầy khốc liệt, là sống và chết chẳng tày gang. Nhưng đâu ai ngờ, 81 ngày đêm Thành cổ đã lấy đi của Tổ quốc nhiều cuộc đời, nhiều tuổi xuân đến thế...
Đường hành quân gian khổ, cơ động, mồ hôi không lúc nào thôi đẫm áo. Nhưng với tinh thần, nhiệt huyết tuổi trẻ, vào những phút nghỉ ngơi hiếm hoi, tiếng đàn, tiếng hát, những câu thơ vẫn vang lên. Chú ve, con dế nhỏ hay “tín vật định tình” vẫn luôn bên cạnh người lính như vỗ về, xoa dịu hiện thực: "Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai dám bảo không có/ Một, hai, ba giọng hát chú ve kim”.
Những dòng nhật ký viết vội trên đường hành quân đọng lại nhiều cảm xúc: “Nhiều lúc mình không ngờ rằng, trên mũ là một ngôi sao, trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá. Liệu mình có làm được gì, đóng góp được gì cho văn học chống Mỹ hay không?".
Những trang viết gửi người bạn gái ở hậu phương tràn đầy lý tưởng: “Chống Mỹ cứu nước là thời đại oanh liệt của dân tộc. Trong buổi bình minh của cách mạng, ai sẽ là người đi vào mờ sáng? Có tôi và hơn 1.000 sinh viên các trường đại học nhập ngũ đợt này. Chúng ta đừng đi tìm chân lý sâu xa qua những áng văn, những bài thơ. Tháng 4/1975 sẽ trả lời cho bạn: Hạnh phúc là gì...”.
Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị là điểm du lịch tâm linh thu hút du khách.
Bối cảnh phim chia làm 2 phần rõ nét. Gần nửa đầu bộ phim bặt im tiếng súng. Dường như tất cả sự khốc liệt, hy sinh dồn nén về nửa cuối phim. Dòng Thạch Hãn đêm ngày hứng mưa bom, bão đạn. Nước sông cuồng lên như gào thét. Những tiếng hờ thê lương, ai oán khiến cho cảnh vượt sông Thạch Hãn càng thêm ám ảnh. Máu nhuộm đỏ lòng sông, những xác thân chẳng rõ mặt người chỉ thấy những quầng máu đỏ tan loãng trong nước qua ánh sáng lóe lên sau mỗi lần bom nổ. Cả dòng sông vang tiếng gọi: Mẹ ơi...
Cả đội quân 107 chiến sĩ trẻ vượt sông nhưng chỉ còn 49 người sống sót. Hiện thực cuộc chiến bên này bờ Thạch Hãn khiến Long bị kích động mạnh, gào thét trong hoảng loạn rồi hy sinh vì trúng mảnh pháo. Long là người hy sinh đầu tiên trong nhóm 4 chàng sinh viên năm ấy. Vậy mà Long vẫn là người may mắn vì được nằm lại nơi đất mẹ ấm áp còn hàng nghìn anh em nằm lại trong lòng Thạch Hãn lạnh lẽo biết bao. Nhưng rồi, chiến tranh, lại là chiến tranh đã cướp đi niềm may mắn ấy. Nấm mồ chôn Long vừa được đồng đội đắp tạm trong đêm mưa tầm tã đã bị bom đạn quân thù xới tung ngay sau đó. Hòa bình rồi, ba mẹ biết tìm Long nơi đâu?...
Những lời thơ được sử dụng trong phim khiến cho mỗi bước chân hành quân, mỗi sự hy sinh của người lính Thành cổ năm ấy thật bi tráng, thật xót xa: “Những dấu chân lùi lại phía sau/ Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất/ Mười tám hai mươi sắc như cỏ/ Dày như cỏ/ Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ... Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)...
Tiếng hát chèo của Thành vang mãi cùng dòng Thạch Hãn đau thương. Khoảnh khắc Thành ôm ngực đỏ máu, thống thiết gọi mẹ bóp nghẹt trái tim người xem. Cái giá của hòa bình thật đắt đỏ nhường nào. Đó là tình yêu nước nồng nàn, là ý chí, khát vọng tự do, là máu và nước mắt và cả xương thịt đồng bào tôi đó. “Mẹ ơi, khi nước nhà thống nhất, mẹ đón con về nhá. Con nằm cách chân thành cổ góc Đông Nam chỉ 10 mét thôi mẹ ạ. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu” - Bức thư Thành gửi chẳng biết có đến được tay mẹ hay không?
Dù chỉ là những cảnh phim thoáng qua nhưng “Mùi cỏ cháy” đã phần nào khắc họa được nỗi lòng của người ở hậu phương luôn ngày đêm ngóng về phía tiền tuyến. Đất nước tôi vất vả và gian lao. Trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, biết bao gia đình phải chia ly, biết bao người vợ mòn gối canh khuya chờ chồng, bao mẹ già tựa cửa khóc mòn trông con trở về mà cứ thế biệt tăm. Lần cuối cùng nhận tin con là lần cầm trên tay tờ giấy báo tử...
Những cảnh quay cuối cùng của bộ phim “Mùi cỏ cháy” tái hiện lại sự kiện ngày 30/4 lịch sử. Trong niềm vui chiến thắng, tại Dinh Độc Lập, Hoàng gặp lại người thủ trưởng năm xưa, nhận lại từ ông tấm ảnh chụp chung với những người bạn đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Hoàng bật khóc như một đứa trẻ.
Dòng sông Thạch Hãn năm tháng ấy là “dòng sông máu”, Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là “cối xay thịt người”, “nghĩa trang không nấm mồ”. Vượt lên trên tất cả, quân ta vẫn kiên cường tiến về phía trước, quyết tâm giữ vững Thành cổ, không để quân giặc đạt được mục đích, gây sức ép cho phái đoàn của ta trước thềm Hội nghị Paris. Mùa hè bỏng cháy năm 1972, cha ông chúng ta đã đi qua cuộc chiến như thế...
“Mùi cỏ cháy” là bộ phim điện ảnh từng được Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc Phòng) trao tặng bằng khen cho phim hay nhất về đề tài chiến tranh. Đây cũng là tác phẩm đạt được nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá như: Bông Sen Bạc, Cánh Diều Vàng... Và, còn một giải thưởng đáng quý trọng nữa, làm nên sức lan tỏa, sức sống của bộ phim, đó là tình yêu mến của khán giả qua nhiều thế hệ.
Chiến tranh đã lùi xa, Thành cổ Quảng Trị giờ đây đã trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách gần xa, là gạch nối giữa lịch sử - hiện tại và tương lai...
Nguyên Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-uc-chien-tranh-tren-man-anh-rong-246295.htm
Bình luận (0)