Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ký ức mùa tri ân

Tháng bảy - mùa tri ân, mùa mà rất nhiều người mong muốn thể hiện tấm lòng, tình cảm đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng24/07/2025

Tháng bảy - mùa tri ân, mùa mà rất nhiều người mong muốn thể hiện tấm lòng, tình cảm đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vinh quang, tiếp nối tinh thần “đã ra quân là chiến thắng” trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Bài 1: Một thời hoa lửa hào hùng

Cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7), đồng đội thuộc Trung đoàn 29 Anh hùng tổ chức gặp mặt, cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của một thời hoa lửa. Năm nay, có điều đặc biệt, lễ tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Lào và Campuchia được tổ chức tại nghĩa trang Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Trong không gian thân tình, ấm áp tại nhà khách T500, Quân đoàn 34, những câu chuyện thời chiến được mọi người kể, giúp sống lại khoảnh khắc thiêng liêng, cao đẹp, đầy tự hào của một thời tuổi trẻ.

Trung đoàn 29 được thành lập ngày 8/11/1971 tại huyện Phà Lan, tỉnh Savanakhet, thuộc khu vực Trung Lào. Trung đoàn nằm trong đội hình của Sư đoàn 968, thuộc Bộ Tư lệnh 559. Nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức đánh địch bảo vệ tuyến hành lang tây đường 13, tuyến đường huyết mạch, sau này là tuyến đường Hồ Chí Minh và làm nhiệm vụ quốc tế ở Trung Lào.

Năm 1978, biên giới tây nam của đất nước bị quân Pôn Pốt xâm chiếm, gây ra nhiều đau thương cho đồng bào. Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Sư đoàn 307, sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 5. Trung đoàn 29 vinh dự đứng trong đội hình của sư đoàn.

Tháng 1/1979, Trung đoàn 29 tham gia chiến dịch giải phóng các tỉnh đông bắc Campuchia. Chiến trường cam go, khốc liệt, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao ý chí chiến đấu, khắc phục khó khăn, gian khổ, bám sát mục tiêu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Song, chiến thắng nào cũng có hy sinh, mất mát, nhiều chiến sĩ Trung đoàn 29 đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại chiến trường. Những người ở lại hôm nay vẫn luôn day dứt nỗi nhớ thương đồng đội. Ngày gặp mặt, trong mỗi người ký ức lại ùa về. Buổi gặp mặt của những đồng đội từng kề vai, sát cánh trong mỗi trận chiến thật xúc động. Mười năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, biết bao khoảnh khắc vào sinh, ra tử, bao kỷ niệm buồn vui được những người lính cùng nhau chia sẻ.

Trung tá Lê Xuân Trọng nhớ lại, năm 1984 ông chỉ huy một mũi tiến công vào cứ điểm của quân Pôn Pốt khu vực dãy Đăng Rếch, tỉnh Preah Vihear. Trong đó, Pôn Pốt chọn cao điểm 547 xây dựng thành căn cứ quân sự mạnh nhất cánh quân phía đông bắc. Quân Pôn Pốt phòng thủ ở căn cứ 547 có hai sư đoàn 612 và 616.

Ngoài ra còn có hai tiểu đoàn pháo binh, một đến hai phi đội máy bay. Chúng chia căn cứ 547 thành hai tầng phòng thủ. Tầng dưới gài các loại mìn chống bộ binh, mìn chống tăng; tầng trên treo hàng nghìn quả mìn trên cây và trên các vách đá. Hai bên giao tranh ác liệt, địch dựa thế phòng thủ hiểm trở liên tục gây khó khăn, tổn thất cho bộ đội ta. Ba lần giằng co từng chốt chặn quan trọng, quân ta đối diện với tình trạng thiếu nước và lương thực.

Trong lúc đang ẩn nấp, chờ lệnh tiến công, bất ngờ quân Pôn Pốt nã cối dồn dập, hầm trung tá Lê Xuân Trọng bị trúng đạn. Ông được đồng đội bới lên từ lớp đất đá, đưa về hậu cứ trong tình trạng bất tỉnh.

Hai ngày sau tỉnh lại, giây phút cuối cùng trung tá Lê Xuân Trọng còn nhớ là một tiếng nổ lớn ngay cạnh hầm, mọi thứ đổ sập, chôn vùi ông trong tích tắc. Hai chiến sĩ đã cứu, điều trị cho trung tá Lê Xuân Trọng chỉ kịp nói với ông: Các anh thuộc đại đội vận tải, tên là Mỹ và Giáp.

Tất cả thông tin chỉ vỏn vẹn chừng đó. Và, mấy chục năm qua, vị trung tá già, người chiến sĩ thoát khỏi bàn tay tử thần năm ấy vẫn mải miết đi tìm ân nhân. Ra bắc, vào nam, gặp ai từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia năm ấy ông đều hỏi, nhưng tất cả đều bặt vô âm tín. “40 năm, tưởng chừng mọi thứ đã rơi vào quên lãng. Khi mạng xã hội bắt đầu phát triển, tôi lập Facebook đăng bài: Ai là người cứu tôi ở cao điểm 547? Bài viết xúc động lan truyền trong hàng ngũ cựu quân nhân… Và gần đây, qua thông tin của đồng đội tên là Phạm Thành Chung, tôi biết được địa chỉ của người đồng đội đã cứu tôi năm ấy...”, trung tá Lê Xuân Trọng bùi ngùi.

Kể đến đây, đôi tay người lính già run run, ông dừng lại, nghẹn ngào: “Nhưng người nhà cho hay, vị ân nhân của tôi năm ấy, anh Đoàn Tấn Mỹ đã hy sinh tại chiến trường tỉnh Preah Vihear tại Campuchia bốn tháng sau đó”. Khán phòng lắng lại, mọi người xúc động bày tỏ niềm tiếc thương với người chiến sĩ quả cảm đã hy sinh cho quê hương, đất nước! Có mặt tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Dung, vợ Anh hùng liệt sĩ Đoàn Tấn Mỹ chia sẻ: “Tôi rất vui và xúc động khi được gặp lại đồng đội của chồng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cảm xúc trong tôi vẫn còn đó, gia đình luôn tự hào bởi sự hy sinh anh dũng cao cả của chồng tôi cũng như các Anh hùng, liệt sĩ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc”.

Theo bà Dung, gia đình và bản thân bà xúc động khi câu chuyện được đồng đội kể lại, đây là nguồn động lực, niềm tin, tự hào để con cháu tiếp bước truyền thống trên con đường lập thân, lập nghiệp. Buổi gặp mặt đong đầy cảm xúc. Những người lính năm xưa nay tóc bạc da mồi cùng các bạn trẻ cất cao tiếng ca hào hùng: “Hát mãi khúc quân hành”.

Có mặt tại đây, được lắng nghe, chứng kiến những câu chuyện về một thời hoa lửa hào hùng, chị Trịnh Thị Mai, Giám đốc phát triển thị trường, Tập đoàn Word of life, đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình không giấu nổi xúc động. Chị bộc bạch: Thế hệ chị sinh ra khi đất nước đã hòa bình, nhưng chị và mọi người luôn thấm thía, sự bình yên mình đang có được đánh đổi bằng máu xương của bao người đi trước. “Là thế hệ sống trong hòa bình, tôi luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ cha anh và nguyện sống xứng đáng với sự hy sinh đó. Mỗi việc làm tử tế, mỗi cống hiến nhỏ bé cho xã hội hôm nay, chính là cách những người trẻ tri ân thế hệ đã ngã xuống, hy sinh xương máu để Tổ quốc nở hoa Độc lập..”, chị Mai bộc bạch.

(Còn nữa)

Nguồn: https://baolamdong.vn/ky-uc-mua-tri-an-383590.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm