Giữa tháng 4-2025, tại vùng chè xã Hoàng Nông, UBND huyện Đại Từ tổ chức chương trình "Du lịch Đại Từ - Hương chè lan tỏa", thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia. |
Chè là cây trồng chủ lực ở huyện Đại Từ. Tính đến hết năm 2024, tổng diện tích chè trên địa bàn huyện đạt trên 6.600ha, trong đó diện tích chè kinh doanh có hơn 6.300ha, diện tích chè lai 5.300ha. Diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt trên 1.900ha; có 21 sản phẩm trà được chứng nhận OCOP từ 3-4 sao; vùng nguyên liệu chè được cấp mã số vùng trồng là 21 mã. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 81.300 tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 2.200 tỷ đồng/năm.
Huyện đã quy hoạch 3 vùng sản xuất chè tập trung gắn với phát triển du lịch tại các xã Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Tân Linh, với tổng diện tích 230ha...
Mặc dù vậy, huyện chưa khai thác hết những tiềm năng, lợi thế, giá trị của cây chè; sản xuất nông hộ chiếm tỷ trọng lớn. Quy mô sản xuất của hợp tác xã, doanh nghiệp còn nhỏ; liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các nông hộ còn chưa chặt chẽ. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế.
Sản phẩm chưa đa dạng, phong phú, chưa có nhiều sản phầm chế biền sâu, chủ yếu vẫn là sản phẩm trà xanh truyền thống. Sự kết nối, quảng bá về sản xuất, chế biến, kinh doanh và văn hóa trà để củng cố, nâng cao thương hiệu, hiệu quả sản xuất còn chưa được quan tâm nhiều.
Vùng chè xóm Cầu Đá, xã Hoàng Nông, Đại Từ, là một vùng chè đẹp, được nhiều du khách yêu thích. |
Trước thực tế đó, cuối tháng 3-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đại Từ ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU về phát triển cây chè, nâng cao giá trị sản phẩm trà, gắn với phát triển du lịch huyện Đại Từ, giai đoạn 2025-2
Nội dung Nghị quyết là tập trung sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, phát triển hệ sinh thái trà tạo sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất, chế biến, kinh doanh trà gắn với chuyển đổi số, kinh tế số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sản xuất chè, nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm trà Đại Từ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các xã, thị trấn.
Đến năm 2030, Đại Từ kỳ vọng sẽ nâng diện tích chè lên 6.800ha, trong đó 70% (khoảng 4.760ha) sẽ được chứng nhận tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ; 70% diện tích chè sẽ được cấp mã số vùng trồng, góp phần đưa sản phẩm chè vươn xa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU hay Mỹ.
Sản lượng chè búp tươi đạt 90.000 tấn/năm, tăng hơn 10.000 tấn so với hiện nay, nâng tổng giá trị ngành chè lên 6.500 tỷ đồng, gấp gần 3 lần hiện tại. Ít nhất 30 sản phẩm trà OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao - đẳng cấp cao nhất của chương trình này.
Đặc biệt, Đại Từ sẽ phát triển 4 vùng chè du lịch trọng điểm tại La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên và Tân Linh, với tổng diện tích 230ha. Những nương chè này không chỉ cho ra những búp trà thơm ngon mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách thích trải nghiệm "từ trang trại đến tách trà".
Đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã chè La Bằng. |
Để hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, Nghị quyết số 15 đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ và toàn diện. Trọng tâm là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với mục tiêu 100% doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ áp dụng công nghệ số để quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất - từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến và tiêu thụ.
Đồng thời, các giống chè chất lượng cao, có năng suất vượt trội và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt sẽ được ưu tiên trồng mới hoặc thay thế cho những diện tích chè già cỗi, kém hiệu quả.
Song song với phát triển sản xuất, Đại Từ sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với cây chè. Trên cơ sở đó, các tour trải nghiệm độc đáo sẽ được triển khai, cùng với việc phát triển hệ thống homestay, farmstay tại các vùng chè trọng điểm.
Du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ẩm thực đặc sản địa phương, trong đó có nhiều món ăn được chế biến từ chè trong không gian xanh mát của những đồi chè bạt ngàn.
Đặc biệt, công tác bảo tồn và quảng bá văn hóa trà sẽ được chú trọng. Những cây chè cổ thụ quý giá tại La Bằng và Minh Tiến sẽ được đề xuất công nhận là "Cây di sản Việt Nam", đồng thời "Lễ hội trà Đại Từ" sẽ được tổ chức định kỳ như một sự kiện văn hóa đặc sắc, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét tinh túy nhất của văn hóa trà truyền thống.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ, khẳng định: Nghị quyết số 15 là bước đệm để Đại Từ trở thành trung tâm sản xuất chè chất lượng cao và điểm đến du lịch hấp dẫn. Với lộ trình rõ ràng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng tôi kỳ vọng tạo sinh kế bền vững cho người dân, thương hiệu chè Đại Từ không chỉ nổi tiếng trong nước mà sẽ vươn tầm quốc tế, góp phần đưa chè thành cây “tỷ đô” của Thái Nguyên…
Nguồn: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/ky-vong-butpha-nang-tam-gia-triche-dai-tu-85a0e1b/
Bình luận (0)